Năng lực phát hiện tham nhũng

Hàng trăm cuộc thanh tra đã diễn ra ở hai thành phố lớn nhất nước nhưng các sai phạm chủ yếu chỉ dừng lại ở mức độ xử lý vi phạm hành chính.

Tuy nhiên, khi nói về tình hình tham nhũng, đại diện của hai cơ quan thanh tra đều cho rằng tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn trong nhiều lĩnh vực. Tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh chưa chuyển biến tích cực.

Trong khi đó, gần như ở cuộc tiếp xúc cử tri nào, người dân cũng đều đề cập đến nạn tham nhũng. Nó gần như trở thành nỗi bức xúc thường trực của xã hội, vì những hậu quả gây ra ngày càng trở nên nghiêm trọng. Hậu quả đó nằm ở lượng tài sản do tham nhũng ngày một lớn hơn, có vụ chỉ có cấp trưởng phòng một doanh nghiệp nhà nước mà con số tham nhũng đã lên đến hàng triệu đôla; sự tha hóa dẫn đến mất nguồn lực từ cán bộ, uy tín của chính quyền và lớn nhất đó chính niềm tin của nhân dân.

Đảng và Nhà nước ta đã thể hiện rất rõ quyết tâm chống tham nhũng với rất nhiều nghị quyết và hành lang pháp lý cụ thể, mạnh mẽ. Rất nhiều đại án tham nhũng cũng đã được đưa ra xét xử và mức án mà các “quan tham” phải gánh lấy là rất nặng. Thế nhưng gần như các vụ án tham nhũng chủ yếu được phát hiện từ các vụ thanh tra trọng điểm, sự vào cuộc của ngành công an hoặc qua báo chí. Và rất ít vụ tham nhũng được phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra xử lý nội bộ.

Điều này cho thấy năng lực phát hiện tham nhũng qua công tác thanh tra nội bộ là quá yếu. Điều này có thể xuất phát từ năng lực của cán bộ liên quan hoặc cơ chế thanh tra, kiểm tra xử lý nội bộ đang không phát huy được hiệu quả. Chúng ta đặt nhiều hy vọng vào việc phát hiện ra tham nhũng từ bên trong nhưng rõ ràng với cơ chế hiện nay thì rất khó. Bởi bộ phận thanh tra nội bộ dính chặt với chính quyền (thường là thuộc cấp của bộ máy lãnh đạo các cơ quan) và gần như không có sự độc lập tương đối nào thì rất khó mà phát hiện tham nhũng hoặc có phát hiện thì gần như cũng xử lý mang tính chất nội bộ, nể nang, xuê xoa với nhau.

Rõ ràng tình trạng này nếu không được khắc phục thì sự tồn tại của nó dần sẽ chỉ là hình thức. Vì chúng ta sẽ thuyết phục dư luận thế nào về sự tồn tại của thiết chế này khi cơ quan nào cũng đều có sự hiện diện của thanh tra nhân dân với ban bệ đàng hoàng nhưng cả năm không phát hiện được bất cứ vụ nào có dấu hiệu tham nhũng hết.

Phải có một sự rà soát, kiện toàn lại toàn bộ thiết chế này, vì một khi năng lực cán bộ thanh tra nội bộ yếu, cơ chế vận hành không phát huy được hiệu quả thì hậu quả phải nhận lấy từ điều này sẽ còn dài dài.

Chúng ta có đủ quyết tâm chính trị để chống tham nhũng, điều cần còn lại là phải có những giải pháp mạnh mẽ hơn và sự mạnh mẽ ấy có lẽ cần bắt đầu ngay từ trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nội bộ này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm