Ngư dân yên lòng mang lưới ra khơi

Tối 15-7, chương trình truyền hình “Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa” đã diễn ra tại Nhà hát Truyền hình TP.HCM và đầu truyền hình tại bến tàu huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi.

Một phần máu thịt ở Hoàng Sa

“Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển/ Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa”. Câu thơ của một nhà báo đã nói hộ nỗi lòng của người dân Lý Sơn.

Tại bến tàu huyện đảo Lý Sơn, MC Quỳnh Giang cho biết chị cảm nhận được không khí yên bình trên biển lúc này. Không như trước đó, biển đã từng dậy sóng.

Cù lao Mỹ Tân, xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) sau cơn lốc xoáy ngày 23-11-1991, 67 người đàn ông đã mãi nằm lại biển. Xã đảo vắng hẳn đàn ông, tiếng gào thét trong tuyệt vọng của những phụ nữ chờ chồng theo thời gian rồi cũng vắng dần, nhường chỗ cho nghị lực bước tiếp hành trình sống. Thời gian 21 năm đủ dài để những đứa trẻ lớn lên hiểu về cơn thịnh nộ của biển cả, hiểu những rủi ro trong mỗi chuyến tàu ra khơi.

Tại đầu cầu TP.HCM, chị Bùi Thị Vân, một trong những phụ nữ mất chồng trong chuyến đi biển giông tố ấy, nhớ lại: “Ngày hôm đó, 9 giờ sáng, tôi xuống cửa biển trông chồng, trông mãi, trông mãi tới 6 giờ tối vẫn không thấy chồng mình và sáu anh em khác về. Tôi tuyệt vọng, ngã quỵ. Lúc đó tôi mới sinh đứa nhỏ 26 tháng và đang mang thai sáu tháng. Cửa biển không có người đàn ông thì làm sao bình yên đây. Tôi chỉ muốn chết...”. Nghẹn ngào, chị không nói được nữa. Người dẫn chương trình động viên hỏi điều gì đã giúp chị vượt qua. “Tôi nghĩ đến con! Tôi gắng gượng qua. Rồi hai đứa con gái cũng lớn lên, học giỏi, ngoan, hiếu thảo”.

Ngư dân yên lòng mang lưới ra khơi ảnh 1

Mẹ con chị Bùi Thị Vân tại cầu truyền hình TP.HCM. Ảnh: THANH MẬN

Không chỉ có bão tố từ thiên tai, những chuyến đi biển ra ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa của ngư dân Lý Sơn còn gặp nhiều bất trắc từ nhân tai. Ngồi ở phim trường tại bến tàu, ông Lê Vinh ngậm ngùi cho biết cách đây ba tháng, tàu của ông đã bị tàu Trung Quốc bắt giữ, tịch thu. Ông chỉ là một trong số rất nhiều người bị gặp nạn trên biển vì nhân tai như thế.

Tàu bị mất, ngư cụ bị tịch thu. Họ cảm thấy tay chân mình như bị ai đó đánh cắp - lời bình của người dẫn chương trình tại phim trường làm nhiều người thổn thức.

Vẹn tình với biển

Ở vùng đất thừa nắng gió, bão táp như Lý Sơn, ngư dân luôn biết dựa vào nhau để gắng vượt qua giông bão.

Từ khi chồng mất, chị Vân nuốt nước mắt vào trong, không từ chối bất cứ công việc gì, từ buôn cá, bán nước mắm, làm thuê… để nuôi con. Chị động viên những phụ nữ cùng cảnh ngộ ở xã rằng nước mắt phụ nữ góa bụa như mình cũng đã cạn khô, nén lại nỗi đau để lo làm ăn, giáo dục con cái nên người. Các chị em đều xắn tay áo làm lụng nuôi con ăn học. Chị chia sẻ: “Sống bên biển thì phải bám biển mà sống. Chồng tôi chết vì thiên tai. Hiện nhiều chị em có chồng đi biển rất lo và sợ hãi, không phải vì bão tố mà vì tàu lạ. Nhưng họ vẫn ra khơi”. Chị hy vọng những nỗi lo sợ, những khó khăn đó được các nhà hảo tâm tiếp sức.

Lần đầu tiên theo mẹ Vân vào phim trường TP.HCM, Nguyễn Thị Thu Lệ chia sẻ cảm xúc: “Đối với những người đã sinh ra ở biển như em và em gái em, em vẫn muốn sống gần biển, ráng góp phần công sức nhỏ nhất, dù chỉ là một viên đá xây Trường Sa”.

Quỹ Chung một tấm lòng của Đài Truyền hình TP.HCM trao tặng 20 triệu đồng để giúp hai chị em học hết đại học.

Từ cầu truyền hình trên đảo Lý Sơn, “sói biển” Mai Phụng Lưu nói: “Khi đàn ông đi biển, vợ cứ ra cửa biển ngóng chồng. Cứ thấy ngày hẹn mà không về thì biết là bị bão giông hoặc tàu lạ bắt bớ. Biết vợ lo nhưng tụi tui giấu bớt những khó khăn, cực khổ cho vợ con yên tâm hơn để tụi tui bám biển cho vững vàng”.

Anh Lưu cho biết anh đi biển từ năm 14 tuổi, gặp bao bão tố, bất trắc nhưng anh vẫn cứ ra khơi, cứ đi về phía biển. Anh đã từng ra tận Hoàng Sa thắp hương cho các bậc tiền nhân từng ra đây làm ăn, xác lập chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, đã mang đất, cát trên đảo về đổ vào lư nhang để thờ cúng ông bà. Đã bốn lần bị Trung Quốc vô cớ lấy ngư cụ, bị mất cả tàu nhưng anh nói mình vẫn cứ ra khơi. “Biển, đảo của tổ tiên, cha ông để lại, con cháu chúng tôi có quyền và có nghĩa vụ phải ra đó làm ăn và giữ gìn” - “sói biển” Mai Phụng Lưu quả quyết nói.

Và sau buổi giao lưu này, anh lại vẫn ra khơi, vẫn theo dấu cha ông mà đi về phía biển.

Ông Đặng Ngọc Tùng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động VN, cho biết những năm gần đây, tình hình sản xuất của ngư dân đánh bắt, khai thác trên ngư trường Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam gặp nhiều khó khăn, bất trắc. Hàng trăm tàu cá của ngư dân bị tấn công, bắt bớ, giam cầm đòi tiền chuộc; nhiều chủ tàu và hàng trăm ngư dân bị mất hết tài sản, cuộc sống khó khăn trăm bề.

Để sát cánh cùng ngư dân, Tổng Liên đoàn Lao động VN và báo Người Lao Động đã phát động chương trình Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa. Chương trình kêu gọi các cơ quan, đơn vị, công đoàn viên và đồng bào cả nước tích cực ủng hộ nhằm giúp ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa khắc phục khó khăn, yên tâm tiếp tục bám biển, giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Đến cuối giờ, chương trình đã nhận trên 40 tỉ đồng và một tấn lưới.

Mọi đóng góp xin gửi về Quỹ Tấm lòng vàng Người Lao Động,123 Võ Văn Tần, phường 6, quận 3, TP.HCM. Số tài khoản: 1411.00000.39427 tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam.Hoặc soạn tin nhắn “nd”gửi đến 1407, mỗi một tin nhắn đã đóng góp 14.000 đồng.

THANH MẬN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm