Những ký ức Trường Sa

LTS: Ông Nguyễn Duy Dương (ảnh), giáo viên văn Trường THPT Ngô Quyền, TP Nam Định, từng nhiều năm là chiến sĩ hải quân bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc. Đặc biệt, ông là một trong những người có mặt trong trận hải chiến ác liệt ngày 14-3-1988, khi 73 chiến sĩ hy sinh để giữ chủ quyền của Tổ quốc, bản thân ông bị thương.

Những ký ức Trường Sa ảnh 1
Hiện là phó ban liên lạc Hội đồng đội Trường Sa tại Nam Định, ông vẫn thường xuyên theo dõi tình hình đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước, nhất là trong những ngày vừa qua khi liên tiếp có những sự biến trên biển Đông. Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu bài viết của ông.

Cái nóng của những ngày cuối xuân đầu hạ khiến cho ai nấy đều cảm thấy ngột ngạt. Bên bàn làm việc, tôi phải bật quạt chạy vù vù mới làm cho căn phòng dịu đi. Chợt nhớ những câu thơ của Trần Đăng Khoa viết về đảo Thuyền Chài: “Sớm mở mắt, nắng lùa ngun ngút/ Đêm trong lều như trôi trong mây” lại thấy lòng nao nao với hồi ức về Trường Sa.

1.Chẳng mấy chốc mà đã 36 năm. Trong ký ức của những đồng đội của tôi đã từng đặt chân lên Trường Sa vào những ngày chiến thắng 1975, nơi ấy mãi âm vang kỷ niệm...

Ngày đó, song song với các mũi tiến công giải phóng Sài Gòn, lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam kết hợp với các lực lượng quân sự khác tiến ra giải phóng Trường Sa.

Trường Sa bình yên, Trường Sa giản dị, lặng thầm trong hơn 10 năm sau giải phóng. Hơn 10 năm ấy, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Đoàn 146 thay phiên nhau ra giữ vững chủ quyền quốc gia, bảo vệ bình yên cho đảo. Họ phải chịu nhiều khó khăn, vất vả, thiếu thốn đủ mọi thứ: nước ngọt, rau xanh và cả những lá thư từ quê hương yêu dấu. Họ bị ngăn trở bởi trùng dương sóng dữ và những hiểm nguy từ biển cả luôn rình rập. Mặc dù vậy, các anh vẫn một lòng với đảo, vẫn dũng cảm vượt qua khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ đảo thân yêu như cây phong ba vững vàng trong bão tố. Thậm chí khi trở về đất liền, hoàn thành nhiệm vụ, rời quân ngũ, những khó khăn vẫn song hành cùng họ.

Còn nhớ cuối năm 1987, tôi nhận nhiệm vụ từ Ban Chính sách Bộ Tư lệnh vùng D dẫn mấy chiến sĩ đi lĩnh tiêu chuẩn nghỉ hưu cho Đại tá Cao Đăng, Lữ đoàn trưởng Đoàn 146 - người gắn bó với Trường Sa ngay từ khi giải phóng. Tôi ngậm ngùi khi tiêu chuẩn cấp cho ông chỉ có hai tạ xi măng, bốn cây sắt phi 12 và 0,4 m3 gỗ...

Trường Sa gian khó, Trường Sa nơi đầu sóng ngọn gió nhưng Trường Sa vẫn không xa. Trường Sa vào trong câu hát, vào thơ của các văn nghệ sĩ. Trường Sa vẫn gần lắm trong trái tim mỗi người dân đất Việt, với tán bàng vuông, với cây phong ba lặng thầm trong gió và sóng biển, cùng những người lính trẻ già đều trọc tếu như nhau. Họ như sư cụ hát tình ca trên đảo (*). Họ không hề toan tính, không chùn bước, đêm ngày giữ đảo thân yêu.

Những ký ức Trường Sa ảnh 2

Ngày đêm canh giữ Trường Sa - biển trời thiêng liêng của tổ quốc. Ảnh: Đức Anh

2. Rồi Trường Sa không bình yên. Cuối năm 1987, hải quân Trung Quốc bắt đầu dòm ngó, gây hấn và đến ngày 14-3-1988 thì ngang nhiên xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Trường Sa. Trong cuộc chiến ấy, nhiều chiến sĩ hải quân của ta đã ngã xuống nơi đầu sóng ngọn gió...

Những ngày chênh vênh trên căn nhà chòi giữa mênh mông biển nước ấy, chúng tôi chỉ ngóng trông ngày tàu ra, nhận được lá thư nhà. Nhưng thời ấy, hải quân ta có ít tàu, các quốc gia trong khu vực đang tranh chấp chủ quyền trên các vùng san hô mới được phát hiện, nên phải mấy tháng mới có tàu ra. Tuy nhiên, đâu phải ai cũng nhận được thư. Có khi cả 15 anh em chụm đầu đọc chung lá thư từ đất liền. Nước ngọt thì thiếu triền miên, chỉ dành cho ăn uống. Tắm, giặt đã có nước biển! Nhưng tắm nước biển, khi nằm xuống sàn gỗ thấy nóng rát cả lưng, người cứ nhớp nháp khó chịu. Anh em chẳng ai dám để tóc dài, vì không có nước ngọt gội đầu sẽ sinh chấy rận, không có thì tóc cũng cứng quèo, hung hung như râu ngô đến mùa thu hoạch. Thế là tất cả đều được thành “sư cụ” mà không khoác áo cà sa! Quần áo giặt bằng nước biển cứng như mo nang nên chẳng ai dám mặc quân phục mà chỉ quần đùi, áo lót. Rau xanh không có, trông người rất béo nhưng ấn vào chỗ nào cũng thấy lõm bởi bị phù, luôn phải có sự trợ giúp của thuốc B1. Tất cả chúng tôi đều ngóng trông ngày trở về với đất liền yêu dấu...

Rồi chúng tôi cũng được lệnh rời đảo năm 1989 khi có người thay thế. Hè ấy, nắng như đổ lửa. Biển như tấm gương phẳng khổng lồ, lặng lẽ tiễn chúng tôi! Nhìn lại căn nhà chòi chúng tôi đã gắn bó gần hai năm thấy thân thương quá đỗi. Đến lúc ấy tôi mới nhận ra tình cảm mà mình dành cho đảo lớn đến mức nào. Có con sóng nào cứ dập dềnh dâng trong mắt…

3.Năm 2009, tôi về thăm lại đơn vị cũ sau tròn 20 năm xa cách. Đoàn Trường Sa đã thay đổi khá nhiều. Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và quân chủng Hải quân cùng sự cống hiến không mệt mỏi của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đã làm cho đảo quê hương ngày càng gần gũi gắn bó.

Đại tá Nguyễn Đức Vượng (khi đó là chính ủy đoàn) cho tôi biết kế hoạch phát triển của các đảo, đặc biệt là những đảo đã có dân ở. Thật ngạc nhiên, đâu đây nghe tiếng chuông chùa đang thong thả buông vào chiều, hòa trong tiếng sóng biển, tạo nên sự bình yên cho người dân trên đảo…

Đến hôm nay, 36 năm đã trôi qua, Trường Sa vẫn vững vàng, kiên cường, khẳng định sức sống bất diệt của mình. Trường Sa đã và sẽ mãi là một phần máu thịt của Tổ quốc Việt Nam...

Bây giờ, biển lại động rồi. Ngồi nơi đất mẹ, tôi như đang thấy những con sóng bạc đầu xô vào bờ đá, những đàn cá kình thi nhau rẽ sóng và hơn hết là những người đồng đội đang dũng cảm vượt qua bao gian nan, thử thách, hiểm nguy để giữ vững bình yên cho đảo. Trong tôi vang lên câu hát “Ở đảo xa xôi...”.

NGUYỄN DUY DƯƠNG

(*) Thơ Trần Đăng Khoa, “Lính đảo hát tình ca trên đảo”

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm