Phát hiện tham nhũng, khó đến thế sao?!

Báo cáo thẩm tra Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng 2016 của Ủy ban Tư pháp đã nhận xét thẳng thắn như thế.

Khi trình bày báo cáo này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đã không ngần ngại cho biết: Ba năm gần đây số vụ án tham nhũng được phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đều giảm dần. Hành vi tham nhũng được phát hiện và xử lý chủ yếu là các vụ án tham nhũng nhỏ, ở cấp xã hoặc những vụ tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng được dư luận xã hội quan tâm. Còn những khu vực tham nhũng nghiêm trọng thì rất ít khi được phát hiện và xử lý.

Điều đó cũng có nghĩa là việc chống tham nhũng chưa tương xứng với tình hình tham nhũng, được xem là rất nghiêm trọng và ngày càng phức tạp như nhận định của Chính phủ.

Các đại biểu Quốc hội khi thảo luận về báo cáo phòng, chống tham nhũng cũng đều có ý tương đồng với Ủy ban Tư pháp rằng: Vẫn còn biểu hiện nể nang, ngại va chạm khi báo cáo của Chính phủ vẫn liệt kê một cách chung chung về tham nhũng rằng: “Có một số nơi”, “có một bộ phận”, “một số người đứng đầu”, “một số cơ quan, đơn vị”… mà không có địa chỉ cụ thể nên không xác định được trách nhiệm cá nhân và không có tác dụng mạnh mẽ để chỉnh đốn, thay đổi.

Thực trạng này rất tương thích với nhận xét của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi nói về khó khăn trong chống tham nhũng. Tổng Bí thư coi tham nhũng là “nội xâm” và nhận xét: “Nhiều người bảo chống nội xâm càng khó là vì tự ta đánh vào ta… ”. 

Phải, chính vì chống tham nhũng là “ta tự đánh vào ta” nên việc tự phát hiện tham nhũng vẫn là khâu rất yếu. Thật khó giải thích cho người dân khi năm 2016, Kiểm toán Nhà nước đã kết luận 115 cuộc kiểm toán, phát hiện nhiều sai phạm về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước và kiến nghị xử lý tài chính hơn 14.700 tỉ đồng nhưng không phát hiện tham nhũng. Thanh tra đã ban hành gần 139.000 quyết định xử phạt hành chính với số tiền hơn 13.000 tỉ đồng nhưng chỉ chuyển sang cơ quan điều tra xử lý 69 vụ/107 đối tượng có dấu hiệu tội phạm, trong đó có 49 vụ/95 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng.

Đặc biệt chính lực lượng chống tham nhũng cũng… tham nhũng. 16 vụ tham nhũng mà VKSND Tối cao đã khởi tố trong lĩnh vực hoạt động tư pháp có lẽ chưa phải là con số cuối cùng nếu pháp luật về phòng, chống tham nhũng được áp dụng nghiêm minh hơn nữa.

Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao, từng yêu cầu rằng: Công tác phòng, chống tham nhũng cốt ở nghiêm minh. Nếu có 100 người tham nhũng thì phải xử lý cả 100 người với những mức độ tương xứng với hành vi tham nhũng. Thế mới có tác động răn đe đến các thế lực “nội xâm” này.

Xét cho đến cùng, quyết tâm chống tham nhũng dù có cao đến đâu nhưng nếu những kết quả đạt được vẫn còn cách xa so với thực tế thì sẽ rất khó thuyết phục được dân chúng. Trên con đường đầy chông gai này, một lần nữa, buộc chúng ta đặt tất cả trọng tâm vào “hành động”. Và chỉ còn cách duy nhất là hành động một cách mạnh mẽ hơn nữa, toàn diện hơn nữa mới làm tình hình xoay chuyển thực sự!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm