Tạo đề kháng trước hành vi xâm phạm chủ quyền

Sự kiện Air China phát hành ấn phẩm có in “đường lưỡi bò” ngay tại một buổi lễ ra mắt ở Việt Nam một lần nữa cho thấy Trung Quốc đang tận dụng mọi diễn đàn để “quảng bá” cho quan điểm sai trái của họ về chủ quyền trên biển Đông, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam. Trong khi đó, có vẻ như chúng ta lại chưa được chuẩn bị đầy đủ về kiến thức, thông tin… để có thể kịp thời phát hiện và ứng xử phù hợp trước những hành vi như vậy. Pháp Luật TP.HCM phỏng vấn nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc xung quanh vấn đề này.

Nhu chứ không nhược

. Phóng viên: Thưa ông, những sự kiện gần đây như giám đốc một chi nhánh ngân hàng ở Ninh Bình đặt mua quả địa cầu in “đường lưỡi bò” tặng khách hàng, một số nhà xuất bản cho in sách có in cờ Trung Quốc hay mới nhất là việc Air China phát ấn phẩm in “đường lưỡi bò”… nói lên điều gì?

Tạo đề kháng trước hành vi xâm phạm chủ quyền ảnh 1
+ Nhà nghiên cứuĐinh Kim Phúc (ảnh): Nếu tôi nhớ không lầm thì từ năm 2009 ở Việt Nam đã xuất hiện những sự kiện kiểu này. Nhưng cho đến nay, việc phát hiện chủ yếu là do người dân, các cơ quan chức năng phát hiện rất ít.

Nguyên nhân của vấn đề này cũng dễ hiểu. Cách đây vài năm, việc đề cập đến biển Đông, Hoàng Sa - Trường Sa đều bị coi là những vấn đề “nhạy cảm” nên nhiều người rất ngại trừ giới nghiên cứu về biển Đông. Nhưng điều quan trọng hơn hết là những câu nói xuất phát từ các cơ quan chức năng kiểu như “việc này đã có ở trên lo” dường như đã góp phần làm triệt tiêu ý thức phản xạ của xã hội đối với những vấn đề liên quan đến chủ quyền của đất nước.

. Vì sao vậy, thưa ông?

+ Trung Quốc luôn nói là họ có chủ quyền ở biển Đông từ hàng ngàn năm nay. Họ bịa ra hai địa danh “Nam Sa” và “Tây Sa”. Vấn đề này đã được các nhà nghiên cứu Việt Nam chỉ ra rất rõ rằng: Trong các cổ sử, chính sử, địa phương chí, bản đồ của Trung Quốc từ vài ngàn năm cho đến trước năm 1909 thì cái gọi là “Tây Sa”, “Nam Sa” chỉ là câu chuyện hoang đường. Chỉ những học giả Trung Quốc thống nhất theo quan điểm nhà nước là cho rằng “Tây Sa”, “Nam Sa” là của họ. Thế nhưng những câu chuyện trong lịch sử Trung Quốc như “Tam nhân thành hổ”, “Tăng Sâm giết người” (nói riết rồi điều sai cũng thành điều đúng)… đã được giới cầm quyền Trung Quốc hiện nay áp dụng nhuần nhuyễn và triệt để trong vấn đề biển Đông.

Trong khi đó, để bảo đảm vấn đề ổn định và phát triển đất nước, tôn trọng tình hữu nghị Việt-Trung, phản ứng của ta những năm qua là vừa phải. Có phần nhân nhượng. Nhưng thiết nghĩ, nhân nhượng phải có nguyên tắc chứ không thể mềm yếu, nhu chứ không nhược.

Tạo đề kháng trước hành vi xâm phạm chủ quyền ảnh 2

Thanh niên TP.HCM ký tên ủng hộ chương trình “ Vì học sinh Trường Sa thân yêu”, một hoạt động hướng về biển, đảo của Quỹ học bổng Vừ A Dính và báo Pháp Luật TP.HCM. Ảnh: HTD

Phải làm một cách bài bản

. Vậy chúng ta phải có đối sách gì để tạo ra sức đề kháng và sự phản xạ của xã hội trước các hành vi xâm phạm chủ quyền Việt Nam ngày càng nhiều từ phía Trung Quốc?

+ Một chiến lược tuyên truyền - giáo dục thật sự sâu rộng để đánh thức ý thức chủ quyền trong mọi tầng lớp xã hội lúc này là vô cùng cần thiết. Tuy đã là hơi chậm nhưng không nên trì hoãn, lưỡng lự, ngại ngần chi nữa. Phải làm cho ý thức chủ quyền trở thành sức sống trong mọi cộng đồng của dân tộc Việt Nam.

Muốn thực hiện điều đó đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền phải nhận thức về vấn đề này cho thật thấu đáo. Tư duy của chúng ta cần thay đổi và phải bắt kịp sự phát triển trong mối quan hệ quốc tế ở Đông Nam Á và châu Á-Thái Bình Dương trước những bước đi của Trung Quốc. Không khắc phục được điều này thì hệ quả xấu tất yếu sẽ đến và lỗi này không thuộc về nhân dân.

Cũng phải nói rằng trong thời gian gần đây, nhiều hình thức diễn đàn thông tin đã được mở ra giúp cho việc truyền thông về vấn đề chủ quyền biển, đảo có sức lan tỏa. Nhưng vấn đề là mọi cái vẫn còn chưa có bài bản, mang tính chiến lược lâu dài và trở thành nhận thức chung, hành động chung của toàn xã hội. Cần phải tiến tới điều này thì mới mong huy động toàn sức mạnh của dân tộc, hình thành nên tấm lá chắn mạnh mẽ nhất để bẻ gãy mọi chiêu trò xâm phạm chủ quyền của Việt Nam từ Trung Quốc.

. Xin cảm ơn ông.

Air China thu hồi ấn phẩm in "đường lưỡi bò"

(PL)- Ngày 14-3, đại diện hãng hàng không Air China (Trung Quốc) xác nhận hãng này đã liên hệ lại với các khách mời trong buổi ra mắt đường bay vào ngày 12-3 vừa qua để thu hồi lại toàn bộ ấn phẩm có in bản đồ “đường lưỡi bò”. “Chúng tôi đã liên hệ với các khách mời nhưng có người giữ lại, có người lại bỏ đi rồi. Vậy nên hãng sẽ cố gắng thu hồi lại tất cả ấn phẩm đã phát đi” - đại diện Air China nói. Vị này cũng cho biết đây là sự cố đáng tiếc của hãng và hãng cũng đã có công văn gửi lên Cục Hàng không Việt Nam ngay sau khi Cục lên tiếng phản đối.

Ông Trần Văn Long, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Việt, một trong những vị khách mời đến dự buổi lễ ra mắt hai đường bay của Air China, bức xúc: “Không thể nói họ sơ Xuất là xong. Chúng tôi sẵn sàng không làm đối tác với Air China nữa nếu họ vẫn tiếp tục vi phạm chủ quyền của Việt Nam”.

Trước đó, ngày 13-3, Cục Hàng không Việt Nam cũng đã có công văn phản đối việc Air China phát hành ấn phẩm có in “đường lưỡi bò” xâm phạm chủ quyền Việt Nam.

MAI PHƯƠNG

MINH CƯỜNG thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm