‘Trên nóng dưới lạnh’ sao cải cách?

Hồi đầu tháng 2, trong cuộc họp chuẩn bị cho cuộc gặp của Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp sắp diễn ra vào tháng 3, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nêu tình trạng: “Chính phủ và các bộ, ngành thì hừng hực cải cách nhưng xuống địa phương thì lạnh lẽo lắm!”.

Ông Lộc nói điều này khi đề cập đến việc thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Nghị quyết này nhằm mục đích tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, thân thiện. Đây cũng là nghị quyết đầu tiên đặt ra mục tiêu cả nhiệm kỳ và với giải pháp cụ thể được cộng đồng DN đánh giá cao.

Thực hiện nghị quyết này, một số bộ, ngành trung ương đã ráo riết thực hiện những biện pháp rất mạnh. Chẳng hạn Bộ Công Thương đã xóa bỏ 15 thủ tục hành chính và đơn giản hóa 108 thủ tục trong tổng số 443 thuộc phạm vi Bộ quản lý.

Hay như Bộ KH&ĐT cũng nhanh chóng soạn thảo nghị định về cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp; trình sửa đổi các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh; quyết liệt bảo vệ Luật Quy hoạch trước những ý kiến không đồng thuận vì sợ mất quyền lợi.

Thủ tướng, Chính phủ và Tổ công tác của Thủ tướng ngoài những tuyên bố chính trị rất mạnh mẽ theo hướng cải cách thì cũng trực tiếp chỉ đạo quyết liệt trong những sự vụ cụ thể, đồng thời phê bình những bộ, ngành, địa phương không thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân, không lên tiếng trước những vấn nạn của cuộc sống.

Nhưng thực tế thì đúng như ông Vũ Tiến Lộc nói: Tình trạng “trên nóng dưới lạnh lẽo” là thách thức lớn nhất hiện nay. Có lẽ cũng chính vì vậy mà tại cuộc làm việc với Nghệ An khi tham dự hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư vào tỉnh này vào hôm qua, 19-2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt vấn đề: “Ông chủ tịch nói cải cách nhưng sở, huyện, phòng, chuyên viên của ông có cải cách tốt hơn không. Cả hệ thống có chuyển động để phục vụ sự phát triển không”.

Đặt vấn đề rồi Thủ tướng nhấn mạnh: “Phải sát dân, sát việc, phải đổi mới từ nhận thức đến hành động”.

Từ nhận thức đến hành động là một quá trình và yêu cầu của phát triển đòi hỏi quá trình ấy phải được tiến hành nhanh hơn, quyết liệt hơn. Tinh thần cải cách của Thủ tướng và Chính phủ phải thấm đẫm vào từng nếp nghĩ, từng hành động của mỗi cán bộ, công chức trong hệ thống công quyền. Nếu không, tất cả những tuyên bố hay hành động cải cách của trung ương cũng không thể mang lại kết quả tốt lành cho người dân ở cả phương diện xã hội lẫn kinh tế.

Chỉ một thủ tục được bãi bỏ thì hàng ngàn tỉ đã được tiết kiệm cho doanh nghiệp và người dân. Chỉ một hành động đúng của mỗi cán bộ, công chức thì nền hành chính đã tiến một bước dài trên con đường tiệm cận với dân chủ. Nhưng ý thức này làm sao để cả hệ thống hành pháp nhận thức được? Đó vẫn là một vấn nạn mà trung ương cần lời giải đáp bằng hành động cụ thể.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm