Truyền thông xông trận bảo vệ biển, đảo

Từ “tàu lạ” đến chỉ đích danh

Thời kỳ đầu báo chí hầu như im lặng hoặc chỉ đưa tin “tàu lạ”, “tàu nước ngoài” vi phạm chủ quyền, bắt bớ và hành hung ngư dân ta trên biển ta. Giờ đây truyền thông đã kịp thời công khai hóa các vụ gây hấn có hệ thống của đủ các loại tàu vũ trang trá hình của Trung Quốc ở biển Đông, từ tàu cá, ngư chính đến hải tuần, hải giám… Ngay từ đầu năm 2010, nhiều tờ báo điện tử và báo viết đã sớm khuyến nghị Nhà nước hãy công khai hóa mọi âm mưu/hành động của Trung Quốc. Bên cạnh song phương, cần đẩy mạnh đa phương hóa vấn đề bảo vệ chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa.

Hậu trường ngoại giao không còn là nơi “kín cổng cao tường”. Nhiều tờ báo từ lâu đã đề xuất các chủ trương lúc đầu có thể nghe hơi “nghịch nhĩ” nhưng những ngày này mới thấy hết tính cấp bách của việc giải thích và vận động dư luận thế giới. Không thể có sự ủng hộ của dư luận quốc tế nếu chính bản thân quốc gia bị xâm hại, có chính nghĩa lại không chủ động phản ứng thích đáng, kịp thời. Sự chủ động của truyền thông trong nước vì vậy có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Và hạt giống đầu mùa đã cho vụ gặt. Cả thế giới những ngày qua đã theo dõi và bước đầu có phản ứng. Chính giới và các nhà hoạch định chính sách bày tỏ quan điểm, công luận cũng lên tiếng: Trung Quốc hãy xử sự như một nước lớn có trách nhiệm (báo chí Nhật)! Mỹ phản ứng quá yếu ớt trước các hành động gây hấn của Trung Quốc đối với Việt Nam (dư luận Mỹ)! Từ các nhật báo lớn như Le Monde, New York Times, Financial Times, Independent, Japan Times đến các báo tại Hàn Quốc, Pakistan, Dubai… đều loan tin, rồi tường thuật về các vụ Trung Quốc xâm phạm thềm lục địa của ta và lên án hành động Trung Quốc “bắt nạt” Việt Nam!...

Truyền thông xông trận bảo vệ biển, đảo ảnh 1

Truyền thông xông trận bảo vệ biển, đảo ảnh 2

Những bài báo thông tin về đấu tranh chủ quyền biển đảo trong thời gian qua. Ảnh: HTD

Không rơi vào bẫy khiêu khích

Nhân dân Việt Nam, đất nước Việt Nam có đủ ý chí quyết tâm và sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc để giữ gìn, bảo vệ các vùng biển và hải đảo của mình.

Thủ tướng NGUYỄN TẤN DŨNG

Chúng ta cũng sẵn sàng hiến dâng tất cả để bảo vệ quê hương, bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Chủ tịch nước NGUYỄN MINH TRIẾT

Sau khi Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định quyết tâm của Nhà nước và nhân dân Việt Nam trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, các cơ quan ngôn luận trong nước cũng lần lượt lên tiếng.

Do tính chất phức tạp và nhạy cảm của bang giao Việt-Trung, cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo sẽ còn tiếp tục quyết liệt, lâu dài. Tiến hành đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao năng lực cho các lực lượng, trong đó có truyền thông, là vấn đề rất hệ trọng. Báo chí Việt Nam quyết không mắc lỡm Trung Quốc trong đấu tranh khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa, không để cho Trung Quốc thực hiện chính sách “tằm ăn dâu” ở biển Đông. Mặt khác, chúng ta cũng nhất quyết không rơi vào bẫy khiêu khích.

Hãy phát huy mạnh mẽ hơn nữa, kịp thời hơn nữa tiếng nói của nhân dân! Đó là một lợi khí sắc bén trong kỷ nguyên thông tin toàn cầu!

Truyền thông xông trận bảo vệ biển, đảo ảnh 3

TS ĐINH HOÀNG THẮNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm