Vé giả và chuyến tàu sum họp

Những người tha hương làm công nhân ở TP.HCM hay các tỉnh phía Nam khá đông đảo. Cả năm họ nai lưng ra làm việc, tích cóp, tiết kiệm gửi về quê hoặc chăm lo cho gia đình mình. Tết đến, niềm mong ước của họ là có tấm vé tàu về quê sum họp gia đình sau một năm vất vả, miệt mài.

Ấy thế nhưng ước mơ giản dị của những người lao động chân chính ấy lại có nguy cơ bị ngăn chặn bởi sự vô lương của những kẻ làm vé giả. Trong khi tình trạng vé tuồn ra “chợ đen” chưa được ngăn chặn thì nạn vé giả khiến tình hình ngày càng thêm phức tạp. Những kẻ làm vé giả đã mua vé thật, rồi cào xóa, chỉnh sửa thông tin thành một tấm vé mới, bán lại hưởng chênh lệch 200.000 đồng/vé.

Những kẻ làm vé giả có thêm 200.000 đồng, còn người dân mua vé giả sẽ lỡ một chuyến tàu sum họp. Những kẻ làm vé giả sẽ có một chút niềm vui khi thu lời bất chính nhưng người mua phải vé giả sẽ gánh nỗi buồn chia xa. Công luận và pháp luật chắc chắn không thể dung dưỡng cho hành vi làm vé giả. Bởi đó không chỉ là hành vi bị cấm mà còn là hành vi làm trầm trọng thêm tình trạng gian dối trong xã hội.

Chỉ có điều trong khi tình trạng vé giả, vé chợ đen đã tồn tại rất lâu nhưng ngành đường sắt cũng như các cơ quan hữu quan vẫn chỉ dừng lại ở mức độ khuyến cáo. Còn người dân có nhu cầu sum họp ngày tết vẫn phải thường trực đương đầu với những tệ nạn vô lương.

Ngành đường sắt nhiều năm nay đúng là luôn tìm cách cải tiến các phương thức bán vé nhằm tạo thuận lợi cho người dân, nhất là mỗi dịp hè về, tết đến. Các cơ quan chức năng cũng dồn sức chống “cò lừa” hành khách. Nỗ lực là không thể không ghi nhận. Nhưng sẽ rất khó thuyết phục được công luận khi cứ mỗi lần mở đợt bán vé tàu tết, người dân cứ đến ga thì hết vé, dù số vé bán ra được thông báo lên đến 1,3 triệu như đợt đầu tiên. Trước ga Sài Gòn hầu như lúc nào cũng có “cò” vé… “Cò” lúc nào cũng có vé bán cho hành khách, bất chấp những cải tiến nhằm quản lý chặt chẽ dòng vé ra ngoài của ngành.

Nhu cầu đi lại, mà thực chất là về quê hưởng tết sum vầy, vào thời điểm cuối năm tăng đột biến. Đó là thực tế đã diễn ra hàng chục năm nay. Năm nào các hãng vận tải cũng đưa thông tin tăng số chuyến, tăng lượng hành khách, thế nhưng năm nào cũng diễn ra tình trạng “cháy” vé, thiếu vé, người dân nhốn nháo. Phải chăng đây chính là môi trường thuận lợi để vé giả phát sinh?

Hay vé giả chính là hậu quả của lương tâm giả?

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm