Thiếu vắng bài phân tích chính sách có chất lượng

TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, ĐH Fulbright Việt Nam đã có ý kiến đánh giá như vậy tại tọa đàm "Nâng cao chất lượng nội dung chính sách trên báo chí" do Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông Phát triển (RED) tổ chức thành viên thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức tại TP.HCM, ngày 13-12. 

Phản biện chính sách còn thụ động

Về vai trò hợp tác của chuyên gia với báo chí trong hoạch định chính sách, TS Tuấn đánh giá, vai trò báo chí ngày càng tăng; báo chí có khả năng định hướng dư luận rất lớn; có lợi thế nhờ tính chính danh; hình thành nhiều diễn đàn chính sách quan trọng…

Tuy nhiên, các bài viết về chính sách chủ yếu là cung cấp thông tin, chất lượng phân tích và phản biện chính sách còn hạn chế, thiếu vắng bài phân tích chính sách thực sự; kỹ năng phân tích, phản biện chính sách công còn hạn chế, thiếu các công cụ phân tích chính sách công…

Ngoài ra nhiều bài chủ yếu là giật tít, chạy theo thị hiếu, chủ yếu gây tò mò người đọc, ngược lại nội dung không tương thích với tiêu đề…

Thiếu vắng bài phân tích chính sách có chất lượng ảnh 1
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương nêu những băn khoăn tại sao người làm chính sách ngại tiếp xúc với nhà báo. Ảnh: P.ĐIỀN

Về vai trò của đội ngũ chuyên gia, TS Tuấn cho rằng lực lượng khá đông đảo, có trình độ chuyên môn nhiều lĩnh vực. Đội ngũ chuyên gia góp phần quan trọng vào việc định hình các quan điểm của công chúng và cả tiến trình hoạch định chính sách của chính phủ.

Tuy nhiên, vai trò phân tích và phản biện chính sách còn hạn chế. Một số còn thụ động, thiếu tự tin, tỏ ra bàng quan trước nhiều vần đề chính sách quan trọng.

Nâng cao hàm lượng chính sách trong sản phẩm báo chí 

Chia sẻ kinh nghiệm về tổ chức các đề tài báo chí viết về chính sách, Tổng Thư ký tòa soạn báoPháp Luật TP.HCM Nguyễn Đức Hiển cho rằng: Nâng cao hàm lượng nội dung chính sách trong các sản phẩm báo chí là một yêu cầu, hơn thế là một công cụ để thực hiện tôn chỉ, mục đích của báo Pháp Luật TP.HCM - đấu tranh để mọi người, mọi cơ quan tổ chức chấp hành pháp luật, đấu tranh phản biện để hoàn thiện pháp luật. 

Ông Hiển cho biết để làm được điều đó, trong 25 năm từ ngày thành lập báo và đặc biệt từ năm 1996 đến nay, báo Pháp Luật TP.HCM đã thực hiện xuyên suốt, có hiệu quả, thường xuyên việc phản biện, đóng góp hoàn thiện chính sách. 

Thiếu vắng bài phân tích chính sách có chất lượng ảnh 2
Tổng Thư ký tòa soạn báo Pháp Luật TP.HCM chia sẻ kinh nghiệm tổ chức các đề tài báo chí viết về chính sách. Ảnh: P.ĐIỀN

Trong đó, chủ trương và cách xây dựng đề tài về chính sách của tòa soạn là bám sát thực tiễn hoạt động lập pháp, quá trình biên soạn văn bản của các cơ quan chính quyền đối với các nội dung: Liên quan đến những vấn đề dân sinh của thành phố; cải tổ bộ máy nhà nước; cải cách tư pháp; những văn bản liên quan đến quyền lợi doanh nghiệp...

Tương ứng với đó là việc thực hiện theo dõi thực tiễn vận dụng của các chính sách để kịp thời phản ảnh những bất cập và gợi giải pháp khắc phục, hoàn thiện các quy định nói trên. 

"Việc theo dõi thường xuyên các hoạt động này sẽ giúp phóng viên có nguồn đề tài phong phú, kịp thời chuyển tải những thông tin là sự quan tâm của số đông dân chúng; nó cũng trang bị cả lý luận lẫn thực tiễn để mỗi phóng viên và tòa soạn ngày càng nâng cao kiến thức lẫn tay nghề" - ông Hiển đánh giá. 

Theo ông Hiển, nguồn đề tài báo chí về chính sách chia làm bốn nhóm, gồm: Thứ nhất chương trình lập pháp của Quốc hội và xây dựng văn bản của cơ quan nhà nước thuộc các tuyến chủ đề trên được chọn lựa, sàng lọc để đầu tư chuyên sâu những vệt bài cho mỗi năm, bằng cách lên kế hoạch ngay từ cuối năm trước. Thứ hai qua theo dõi của phóng viên và tổng kết thực tiễn của các cơ quan chức năng. Thứ ba từ phát hiện, trao đổi của các chuyên gia, trong những lĩnh vực liên quan. Thứ tư vấn đề pháp lý trong các sự kiện.

Tại sao người làm chính sách ngại tiếp xúc nhà báo?

Những người làm chính sách ngại tiếp xúc nhà báo do họ thiếu kỹ năng giao tiếp, đối thoại, thậm chí bất hợp tác; có vấn đề trong công việc do chưa hoàn thiện; do đã từng dính “phốt” với báo chí; do nhìn gương báo chí đối xử với người khác.

Tuy nhiên, người làm chính sách muốn báo chí phản ánh đúng sự thật, không cần tâng bốc, cắt xén hoặc đừng cố tình giật tít sai bản chất. Đồng thời báo chí cần có cái nhìn khách quan, bổ túc kiến thức về lĩnh vực mình viết và hãy đặt mình vào vị trí người làm chính sách.

Ông TRẦN THANH HẢI, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm