THỢ LẶN CỬA CẤM - BÀI 1

Thông luồng Bạch Đằng và “giải cứu” cầu Bính

Họ cũng vớt lên cả trăm thi thể người xấu số bị thủy thần bắt đi. Cuộc mưu sinh của thợ lặn đầy rủi ro, một chút sơ sểnh là phải đổi bằng mạng sống.

Trong đêm, con tàu chở 15 container đi trên cửa sông Bạch Đằng bị chiếc tàu Tây đâm đứt làm hai đoạn. Luồng Bạch Đằng bị tắc nghẽn, Cảng vụ Hải Phòng giao việc giải phóng luồng cho nhóm thợ lặn cửa Cấm.

Vớt tàu thông luồng

10 giờ sáng, ba con tàu trục vớt có gắn cẩu tời trước mũi đến hiện trường. Một tàu vớt container chìm, hai chiếc còn lại neo sát nhau vớt xác tàu đắm. Đợi máy nén khí cấp khí thở khởi động xong, hai thợ lặn trẻ là Chinh và Tràng buộc dây hơi ngang bụng, chụp mặt nạ vào đầu. Nháy mắt, họ nhảy ùm xuống sông, mất hút trong dòng nước ngầu đỏ. Họ quét qua quét lại, dựa vào cảm giác của đôi tay lần tìm. Ống cấp hơi thả dần theo bước chân họ. Hơn chục phút sau, Chinh trồi lên, tháo mặt nạ reo to: “Thấy phần đuôi tàu rồi, dài khoảng 30 m, bị lật úp, trong khoang còn một container”. “Đặt bốn đường cáp, lật ngửa lên rồi kéo” - đội trưởng Hiển ra lệnh.

Thông luồng Bạch Đằng và “giải cứu” cầu Bính ảnh 1

Nổ máy tời đưa cáp xuống sông trục vớt. Ảnh: KIM LINH

Trên boong, nhóm thợ chia nhau vào các vị trí, người chạy máy tời, người leo lên mũi chuẩn bị cáp. Chinh và Tràng mỗi người ôm một ống thổi bùn bằng bắp đùi lặn xuống. Họ chĩa ống hơi thổi lớp bùn đáy sông, mở dần đường hầm bằng miệng thúng dưới thân tàu. Khoét đến đâu, họ trườn theo tới đó, khi chui ngang qua đáy tàu đường hầm đã thông. Dây cáp được luồn qua hầm, buộc ngang thân tàu. Cuối cùng bốn đường cáp đã xong. Hai con tàu trục vớt tách ra hai bên, hạ cáp tời xuống móc vào tàu đắm. Máy cuốn tời chạy ruỳnh ruỳnh. Thân tàu đắm được lật ngửa lại, nổi dần lên mặt nước dưới sức kéo của hai tàu trục vớt. Nó được giữ yên đợi bơm nước khỏi khoang hàng. Thân tàu đắm đưa được vào bờ thì trời đã tối sẫm.

Trong khi đó, những container chìm dưới đáy sông cũng được những thợ lặn khác tìm ra, cột cáp vào cẩu lên. Nhiều giờ trầm mình trong nước, Chinh và Tràng được nghỉ. Nam và Thiệu thay thế lặn tìm nửa thân tàu còn lại. Trong đêm tối, hai người lần mò dưới đáy sông tiếp tục công việc thổi rãnh đặt cáp để tàu trục vớt hạ cáp tời xuống kéo. Đến gần sáng, phần mũi con tàu cũng được đưa vào bờ an toàn. Sau hơn chục giờ làm việc không ngừng nghỉ, nhóm trục vớt chân đất đã khơi thông luồng Bạch Đằng.

Tổ hợp làng chài

Những thợ lặn này đa phần là dân chài trên “làng nổi” cửa Cấm. Sinh sống trên sông nước, chưa biết chữ họ đã bơi lặn như rái cá. Hơn 20 năm trước, những thợ lặn xóm chài lênh đênh khắp các lòng sông, cửa biển kiếm sống bằng nghề lặn mò sắt vụn. Thi thoảng họ cũng được thuê vớt những con tàu đắm loại nhỏ. Thời ấy chẳng có đồ nghề, họ chỉ dùng mẹo, lợi dụng thủy triều kéo tàu. Sau khi lặn xuống đặt cáp, họ móc nó vào con tàu trục vớt bằng xi măng đã bơm nước đầy khoang ở trên. Chờ thủy triều, họ bơm nước trong khoang tàu ra, thân tàu xi măng nổi dần và trôi theo thủy triều, kéo rê tàu đắm theo. Mất cả tuần mới vớt được một con tàu nhỏ.

Thông luồng Bạch Đằng và “giải cứu” cầu Bính ảnh 2

Giám đốc chân đất Trần Văn Văn chỉ huy trục vớt. Ảnh: KIM LINH

Năm 2000, một thợ lặn của làng chài là Trần Văn Văn đã vay giật mua một con tàu cũ cải tiến thành tàu trục vớt. Văn tập hợp vài ba thợ lặn toàn họ hàng đi làm cùng. Vừa làm nhóm thợ vừa tự nghĩ ra cách cải tiến công nghệ trục vớt bằng cẩu tời và “rùa” (khối bê tông 50-60 tấn) cố định để kéo tàu đắm. Bây giờ, Văn đã lập Công ty Trục vớt Mạnh Nam có bốn tàu trục vớt trên có cầu tời máy chuyên dụng. Hơn 20 thợ lặn xóm chài đầu quân vào công ty, lấy luôn tàu trục vớt làm trụ sở. Thợ lặn làm việc cho Công ty Mạnh Nam theo hình thức hợp tác, không trả lương mà ăn chia theo sản phẩm. Khi nào có việc, giám đốc gọi thì lên tàu ra biển. Sau mỗi hợp đồng cứ thế bổ đầu chia nhau.

Không qua trường lớp nhưng nhóm thợ trục vớt có đầy mẹo mực bắt tàu đắm nổi lên. Bất kể tàu to, tàu nhỏ bị chìm hay mắc kẹt trong sông, ngoài biển họ cũng kéo lên được. Có con tàu 500 tấn bị thủng đáy, họ lặn khảo sát xong, dùng tôn bắt vít kín lỗ thủng, đưa tàu trục vớt kéo lên, bơm nước ra, tàu tự nổi. Họ cũng từng cứu hộ con tàu vài ngàn tấn mắc cạn tận Quảng Ngãi. Thương hiệu Công ty Trục vớt Mạnh Nam nổi lên tỉ lệ thuận với số lần vớt xác tàu thành công. Mỗi khi có tàu đắm, bất kể trong sông hay ngoài biển, Cảng vụ Hải Phòng lại gọi tới đội trục vớt.

Thông luồng Bạch Đằng và “giải cứu” cầu Bính ảnh 3

Thợ lặn lao mình xuống dòng nước tìm kiếm tàu đắm. Ảnh: KIM LINH

Giải cứu cầu Bính

Đêm 17-7-2010, ba con tàu biển bị bão đánh đứt neo, trôi dạt mắc kẹt vào gầm cầu Bính. Lực lượng cứu hộ với năm tàu lai dắt 8.000 sức ngựa chỉ kéo được hai chiếc. Tàu Vinashin Orient vẫn không nhúc nhích, nóc cabin kẹt cứng vào dầm cầu. Trưa hôm sau, Cảng vụ Hải Phòng “đặt hàng” đội trục vớt Mạnh Nam. Giám đốc Trần Văn Văn ra hiện trường xem xét rồi gật đầu: “Em không dám chắc 10 phần nhưng có 8-9 phần tự tin”. Văn được giao khoán, kéo được thì có hàng trăm triệu đồng, ngược lại thì về tay không.

Một nhóm thợ lặn đã đến hiện trường, lặn xuống kiểm tra tình trạng con tàu mắc kẹt. Hai sợi cáp thép được quấn ngang phần đuôi tàu Vinashin Orient, đầu mỗi sợi gắn một chiếc ròng rọc. Buổi tối hai con tàu trục vớt chạy đến. Hai sợi cáp cột chặt vào hai khối “rùa” bê tông 50 tấn bên bờ đối diện, đầu cáp luồn qua tàu mắc kẹt rồi cột vào cẩu tời trên tàu trục vớt. Hơn 1 giờ đêm, hai con tàu trục vớt cắm mũi vào tàu mắc cạn, máy tời trên boong kèn kẹt kéo cáp. Hai sợi dây cáp căng như dây đàn nhưng tàu mắc kẹt vẫn nằm ì tại chỗ.

Bỗng một sợi cáp kéo đứt phựt. Trong ánh sáng lờ mờ, hai thợ lặn nhảy ùm xuống sông tìm cáp nối lại. Máy tời lại ruỳnh ruỳnh xịt khói kéo cáp. Tàu mắc kẹt vẫn không nhúc nhích. Rồi phựt phựt hai tiếng, hai sợi cáp đồng loạt đứt đoạn. Đội trưởng Hiển mặt méo xệch, ra lệnh: “Đấu cáp lại ngay!”. Thợ lặn lao xuống dòng nước đen sẫm nối cáp.

Hơn một giờ sau cáp đã nối xong, máy tời lại nổ, kéo căng đều hai sợi cáp. Đầu trục cuộn cáp bỗng rít lên ùng ùng. Đột nhiên thân tàu Vinashin Orient rung nhẹ, đuôi tàu trôi dần ra. Đám thợ lặn trẻ mắt lóe sáng. Con tàu mắc kẹt xoay nghiêng rồi tách ra khỏi gầm cầu. Dưới bàn tay đội thợ trục vớt chân đất, đến 5 giờ 30 sáng cuộc giải cứu tàu mắc kẹt đã thành công ngoài sức tưởng tượng của nhiều người. Nguy cơ đe dọa sự an toàn của cầu Bính được gỡ bỏ.

KIM LINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm