Thông xe cầu Mỹ Lợi: Rút ngắn 75km từ Tiền Giang đến TP.HCM

Sáng ngày 29-8, cầu Mỹ Lợi nối liền hai tỉnh Tiền Giang và Long An chính thức thông xe. Lễ thông xe được Bộ Giao thông Vận tải tổ chức tại đầu cầu tỉnh Tiền Giang, thuộc xã Bình Đông, thị xã Gò Công.

Bà Nguyễn Thị Kim Nguyên, 65 tuổi nhà ngay tại đầu cầu Mỹ Lợi thuộc xã Bình Đông cùng cả nhà đứng xem lễ thông xe cho hay bà rất mừng khi có cây cầu này vì từ trước đến nay mỗi lần muốn qua bên kia (huyện Cần Đước- Long An) người dân  phải đi phà Mỹ Lợi qua sông Vàm Cỏ, nay việc đi lại của người dân hai địa phương rất thuận lợi.

“Mỗi lần đi phà mất ít nhất nửa tiếng, thứ 7 chủ nhật bị kẹt phà có khi mất cả tiếng mới qua được sông”, bà kể. Bà Nguyên cho hay khi có cầu Mỹ Lợi. Con gái tui làm việc ở TP muốn về thăm nhà cũng khỏe, bữa nào trễ trễ 10h tối nó cũng đi được”, bà vui vẻ chia sẻ.

 Gia đình bà Nguyễn Thị Kim Nguyên đứng xem lễ thông xe cầu Mỹ Lợi

Cậu thanh niên Lê Duy Tường quê Tiền Giang nói đọc báo nghe tin hôm nay thông xe cầu Mỹ Lợi nên từ sáng sớm đã chạy xe máy từ quận 8 về để xem lễ, chạy tham quan cầu rồi quay lại TP làm việc. 

Đứng tránh nắng trong một ngôi nhà gần đó, anh Nguyễn Văn Tấn, nhà tại chợ Tân Phước xã Tân Phước ( thị xã Gò Công) cũng cho biết lâu nay mỗi lần có việc anh đều phải qua phà Mỹ Lợi, đóng phí 4.000 đồng. Theo anh số tiền này không nhiều nhưng cực vì phải chờ đợi rất mất thời gian. “Nghe nói trưa nay là xe được chạy qua cầu. Tui tính chạy xe qua bên kia coi cái cầu rồi chạy về lại bên này”, anh vui vẻ cho biết.

Trước khi có cầu Mỹ Lợi, người dân từ Gò Công đến TP.HCM phải đi theo đường vòng qua quốc lộ 1 và đường cao tốc TP.HCM- Trung Lương. “Bây giờ có cầu Mỹ Lợi thì từ đây đi thẳng tới ngã tư Nguyễn Văn Linh chưa tới 30km. Con trai tui làm công nhân ở Bình Chánh về sướng rồi”, anh Tân cười cho biết.

Những chiếc xe đầu tiên qua cầu Mỹ Lợi trong lễ thông xe ngày 29-8 

Đại diện chủ đầu tư dự án cầu Mỹ Lợi, ông Nguyễn Văn Đạt- Chủ tịch HĐQT công ty Cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt đánh giá, cầu Mỹ Lợi có ý nghĩa đặc biệt với người dân hai tỉnh Long An, Tiền Giang, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của hai tỉnh này và những khu vực lân cận. Ông cho hay nắm bắt được thông tin dự án cầu Mỹ Lợi sẽ khởi công, nhiều nhà đầu tư trong, ngoài nước đã chú ý khu vực này. Hiện gần 6.000 ha đất ở các địa phương ven biển quanh năm nghèo khó như Tân Thành, Vàm Láng, Gia Thuận, Bình Đông, Bình Xuân… được đăng ký thuê để xây nhà máy đóng tàu, bến cảng, kho bãi dịch vụ, khu đô thị mới, khu công nghiệp hoá dầu, cụm công nghiệp và dịch vụ du lịch biển. Riêng Tổng công ty Công nghiệp Tàu thuỷ Vinashin đã tiếp nhận 280ha đất để xây nhà máy đóng tàu biển và đang san lấp hơn 100 ha.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết dự án cầu Mỹ Lợi đã được Bộ duyệt từ năm 2009 bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ nhưng dự án bị tạm dừng giãn tiến độ theo Nghị quyết 11 do ngân sách khó khăn. Sau đó Bộ chuyển đổi hình thức đầu tư B.O.T và lựa chọn liên doanh trên để thực hiện.

Cầu Mỹ Lợi được triển khai xây dựng trong 18 tháng, bắt đầu từ tháng 1-2014 và hoàn thành đúng tiến độ cam kết. Tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng do liên danh công ty Cổ phần phát triển BĐS Phát Đạt và công ty Cổ phần Phát triển hạ tầng 620  thực hiện theo hình thức B.O.T. Dự kiến cầu Mỹ Lợi sẽ thu phí từ tháng 11-2015 và thời gian hoàn vốn là 28 năm 4 tháng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm