Thứ trưởng Bộ Nội vụ: Tuyển đúng người, đúng việc để tránh lãng phí

“Một người tốt nghiệp ngành toán mà đưa về làm tổ chức cán bộ thì không ổn; cũng như một người giỏi nấu ăn mà cho đi trồng rau thì không phát huy được khả năng của họ” - Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nói trong buổi gặp gỡ báo chí thường kỳ do bộ này tổ chức ngày 7-5.

Đào tạo một đằng, bố trí việc một nẻo

Về 30 trường hợp cử nhân, thạc sĩ tốt nghiệp xuất sắc ở nước ngoài nhưng trượt công chức ở Hà Nội, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn nói: Luật Công chức có quy định về chính sách thu hút nhân tài, trong đó có những tiêu chuẩn, điều kiện rất cụ thể nhằm thu hút những người có thể đáp ứng ngay yêu cầu của công việc. “Tôi đã trực tiếp trao đổi với Sở Nội vụ TP Hà Nội, qua kiểm tra thì thấy Hà Nội đảm bảo đúng trình tự, thủ tục xét tuyển cũng như đảm bảo các nguyên tắc khách quan, công bằng” - Thứ trưởng Tuấn nhấn mạnh.

Ông Tuấn cũng cho rằng việc tuyển dụng không qua thi tuyển là chính sách tốt nhưng đòi hỏi ứng viên phải phù hợp với vị trí công việc ấy.

Theo ông Tuấn, nếu tuyển dụng những người tốt nghiệp cử nhân, thạc sĩ ở nước ngoài vào những vị trí không phù hợp chuyên môn và năng lực thì rất lãng phí. Tới đây, Bộ Nội vụ sẽ kiến nghị sửa đổi Nghị định 24/2010 nhằm đảm bảo tính công khai, công bằng, khách quan trong việc sát hạch những ứng viên thuộc diện xét tuyển công chức. Bộ cũng sẽ đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin trong việc thi tuyển công chức; bổ sung quy định quay phim, ghi âm quá trình sát hạch các ứng viên để làm căn cứ giải quyết nếu xảy ra khiếu nại.

Hàng trăm giáo viên ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đang có thể bị cắt hợp đồng. Theo Bộ Nội vụ, huyện này đã làm sai quy định pháp luật. Ảnh: MAI NGUYÊN

Tinh giản biên chế: Chưa quyết đoán

Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế Thái Quang Toản nhấn mạnh, những năm qua vấn đề tinh giản biên chế gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Nhưng do những người đứng đầu nhiều khi chưa quyết đoán nên mục tiêu tinh giản 15% biên chế chưa thực hiện được.

“Tới đây Bộ Nội vụ sẽ đưa ra định mức tinh giản tối thiểu 10% biên chế gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Ngoài ra sẽ có những biện pháp khác để tinh giản biên chế. Chẳng hạn ngoài tỉ lệ 10% công chức sẽ tinh giản thì phấn đấu có thêm 10% công chức không hưởng lương ngân sách” - ông Toản cho biết.

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn bổ sung, tới đây Chính phủ sẽ ban hành quy định về đánh giá, phân loại cán bộ, công chức để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc tinh giản biên chế. “Việc tinh giản biên chế phải thể hiện tính nhân văn đối với những người bị tinh giản. Cần coi việc tinh giản biên chế như là quá trình chuyển đổi công việc để người khác phát huy tài năng” - ông Tuấn nói.

Huyện Kỳ Anh làm sai luật?

Trả lời Pháp Luật TP.HCM về việc hàng trăm giáo viên ở huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh có nguy cơ bị cắt hợp đồng, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn nói: Trường hợp này giống như trường hợp các giáo viên ở huyện Yên Phong, Bắc Ninh. Địa phương này cứ ký hợp đồng lao động với giáo viên nhưng không tổ chức tuyển dụng, dù có giáo viên làm việc năm năm, 10 năm, đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi. Sở dĩ như vậy là vì “khi ký hợp đồng lao động, UBND huyện nói gì đội ngũ giáo viên cũng phải nghe, trả lương mức nào họ cũng phải chấp nhận. Trong khi nếu được tuyển dụng viên chức thì hằng năm giáo viên sẽ được tăng lương, các quyền lợi được bảo đảm” - Thứ trưởng Tuấn lý giải.

Ông Tuấn cho rằng có thể UBND huyện Kỳ Anh đã được phân cấp cho tổ chức tuyển dụng viên chức nhưng họ không làm mà chỉ ký hợp đồng lao động với các giáo viên. Những giáo viên đã làm việc năm năm, 10 năm nếu tổ chức thi tuyển có thể sẽ không trúng tuyển. Do vậy, “UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo chấm dứt hợp đồng lao động với các giáo viên là đúng vì đây là biện pháp bảo vệ quyền lợi lâu dài cho họ. Mục đích của việc này là để UBND huyện Kỳ Anh, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức, hằng năm phải tổ chức thi tuyển” - ông Tuấn nhấn mạnh.

Ông Tuấn thông tin thêm, thực tế nhiều địa phương có chỉ tiêu tuyển dụng viên chức nhưng không chịu tuyển. Sau vụ việc ở Yên Phong (Bắc Ninh), đích thân ông đã ký một công văn gửi các địa phương yêu cầu hằng năm phải tuyển dụng viên chức theo quy định của pháp luật chứ không được ký hợp đồng lao động.

Trong ngày 7-5, ông Nguyễn Văn Bổng, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh, cho biết huyện đang yêu cầu các trường rà soát, báo cáo tình trạng thừa, thiếu giáo viên chứ chưa cắt hợp đồng, chưa đưa ra một quyết định cụ thể nào. Theo ông Bổng, nếu trường nào thừa giáo viên thì sẽ cắt hợp đồng, bổ sung sang các trường thiếu. Những trường hợp huyện không thể giải quyết thì sẽ xin ý kiến của Sở Nội vụ và UBND tỉnh Hà Tĩnh.

C.LUẬN - Đ.LAM

Không để cán bộ và người thân dùng chức vụ trục lợi

Bộ Nội vụ đang khẩn trương hoàn chỉnh đề án Quy định thực hiện Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức. Đề án này nhằm mục đích không để cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và người thân lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi dưới mọi hình thức. Đặc biệt, Bộ Nội vụ sẽ rà soát tình hình xử lý sai phạm trong tuyển dụng công chức, viên chức tại một số bộ, ngành, địa phương như Hà Nội, Bắc Ninh, Thanh Hóa và Bộ Công Thương.

Ông NGUYỄN TIẾN THÀNH, Chánh văn phòng Bộ Nội vụ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm