Thua kiện vì thu hồi đất mà không bồi thường

Sau một tuần nghị án kéo dài, sáng qua (8-8), TAND tỉnh Đồng Nai đã tuyên án vụ kiện hành chính giữa Công ty Dâu tằm tơ Tân Lộc (thuộc Tổng Công ty Dâu tằm tơ Việt Nam - Bộ NN&PTNT) và UBND tỉnh Đồng Nai. Tòa chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty Tân Lộc và tuyên hủy cả hai quyết định hành chính về thu hồi đất và không bồi thường, hỗ trợ, di dời của UBND tỉnh Đồng Nai.

Thu hồi là xong

Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, Công ty Tân Lộc là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, có trụ sở tại thị xã Long Khánh. Theo công ty, từ năm 1990 đến nay, họ đã và đang sử dụng hợp pháp gần 3 ha đất cùng nhà xưởng, máy móc (là nơi làm việc của hơn 700 công nhân). Đất này do họ chuyển nhượng từ UBND huyện Xuân Lộc và UBND huyện Long Khánh (cũ) bằng tiền của công ty. Nhưng UBND tỉnh cho rằng đây là đất công nên tháng 9-2008 đã ra quyết định thu hồi toàn bộ diện tích đất trên. Kèm theo đó, ủy ban còn có quyết định không hỗ trợ bồi thường tiền đất và di dời công ty đến nơi khác với lý do công ty không có nhu cầu sử dụng đất nữa.

Sau nhiều lần khiếu nại mà không được trả lời, tháng 6-2012, công ty khởi kiện hành chính, yêu cầu hủy hai quyết định trên. Theo công ty, UBND tỉnh thu hồi đất mà không bồi thường hay hỗ trợ di dời thì hoạt động sản xuất của công ty, công ăn việc làm của hơn 700 lao động sẽ ngưng trệ vì không có địa điểm mới.

Thua kiện vì thu hồi đất mà không bồi thường ảnh 1

Lãnh đạo Công ty Tân Lộc cùng luật sư vui mừng sau khi tòa tuyên án. Ảnh: T.TÙNG

Ngược lại, tại tòa, đại diện UBND tỉnh cho rằng việc thu hồi không bồi thường là đúng vì trước kia công ty chỉ chuyển nhượng tài sản và thành quả trên đất chứ không bao gồm giá trị đất. Thời điểm đó, Luật Đất đai 1987 cũng không cho mua bán đất mà đất đai thuộc sở hữu Nhà nước. Trước đây, UBND tỉnh không có chủ trương giao đất thu tiền nên có thể coi đây là đất công, khi thu hồi không phải bồi thường.

Phát biểu quan điểm, đại diện VKS cũng cho rằng ủy ban thu hồi đất nhưng lại không hỗ trợ di dời Công ty Tân Lộc đến vị trí khác để công ty tiếp tục sản xuất thì liệu đã hợp lý?

Sai cả thủ tục lẫn nội dung

Trong phần tuyên án, HĐXX TAND tỉnh Đồng Nai nhận định: “Thẩm quyền ban hành hai quyết định hành chính trên của UBND tỉnh là đúng nhưng trình tự thủ tục và nội dung là sai”.

Cụ thể, tòa cho rằng đất của Công ty Tân Lộc là đất công sản nên theo Điều 6 Nghị định 84/2007 về thu hồi đất, UBND tỉnh chỉ được thu hồi để chuyển mục đích sử dụng từ mục đích này sang mục đích khác. Đằng này, UBND tỉnh lại thu hồi để thay đổi công năng sử dụng (từ đất sản xuất, kinh doanh của công ty sang làm dự án đền thờ liệt sĩ) là không phù hợp. Tiếp đó, lý do thu hồi đất của UBND tỉnh cũng chưa rõ ràng, lúc thì nói thu hồi để làm dự án đền thờ liệt sĩ, khi thì bảo do công ty vi phạm mục đích sử dụng đất…

Theo tòa, UBND tỉnh ra quyết định về phương án bồi thường hỗ trợ di dời nhưng trong đó không công bố phương án hỗ trợ, di dời để duy trì hoạt động của công ty là vi phạm Điều 21 Nghị định 84/2007. Bởi nếu đã ra quyết định thu hồi đất công sản thì phải xem xét tính toán chính sách bồi thường, hỗ trợ, di dời kèm theo…

Từ những nhận định trên, tòa kết luận cả hai quyết định của UBND tỉnh đều trái với Luật Đất đai và Nghị định 84/2007 nên chấp nhận yêu cầu của người khởi kiện, tuyên hủy cả hai quyết định của người bị kiện - UBND tỉnh Đồng Nai.

Không còn chuyện “phủ bênh phủ, huyện bênh huyện”

Lâu nay người dân hay râm ran chuyện tòa không dám xử ủy ban (nói riêng, cơ quan nhà nước nói chung) vì cả nể, vì ngại đụng chạm. Nhưng thực tế ngày càng có nhiều vụ tòa mạnh dạn tuyên xử ủy ban thua kiện mà vụ trên đây là một ví dụ điển hình.

Theo luật sư Trương Xuân Tám, Ủy viên BCH Liên đoàn Luật sư Việt Nam, nói chưa cần đánh giá đúng sai nhưng việc TAND tỉnh Đồng Nai phân tích những điều bất hợp lý, sai sót trong quyết định để tuyên hủy đã thể hiện sự mạnh dạn cần thiết. Hơn nữa, nó thể hiện đúng tinh thần thượng tôn pháp luật là khi giải quyết vụ án, thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Ngoài ra, nó cũng tạo niềm tin, động lực không nhỏ với người dân và giới hành nghề liên quan đến pháp luật nói chung.

“Bản án này là một tiền lệ rất hay cho các phiên tòa khác. Bởi xuất phát từ thực tế nhiều bản án hành chính hiện nay tòa ngại tuyên hủy quyết định của ủy ban vì cả nể, đôi khi là bị áp lực. Có nhiều vụ thấy ủy ban sai quá, thẩm phán phải hoãn xử lên hoãn xử xuống, thậm chí “tư vấn” cho ủy ban rút lại quyết định để tòa đình chỉ vụ án vì đối tượng khởi kiện không còn. Như thế, tòa không phải xử (ủy ban thua), khỏi mang tiếng” - luật sư Tám nói.

Vì sao thẩm phán phải ngại xử ủy ban cùng cấp như vậy? Một thẩm phán xin không nêu tên tâm sự: “Nói gì thì nói, vuốt mặt phải nể mũi. Những người có thẩm quyền ban hành những quyết định sai ấy là những người có tiếng nói quan trọng trong việc xem xét, thông qua đề xuất tái bổ nhiệm thẩm phán. Mình xử họ thua thì cũng khó ăn khó nói. Đó là chưa nói, dù sao cũng là chỗ quen biết, quan hệ công tác thường xuyên…”.

Quan niệm và suy nghĩ nói trên không phải là cá biệt. Nhưng ở góc độ khác, Phó Chánh án TAND tỉnh Tây Ninh Hoàng Văn Hải nói nếu thấy quyết định rõ ràng trái pháp luật thì thẩm phán cứ mạnh dạn tuyên hủy. Bởi thẩm phán hủy quyết định là bảo vệ cái đúng chứ không bảo vệ người ban hành. “Việc tòa mạnh dạn tuyên xử ủy ban cùng cấp thua kiện đã thể hiện tính chấp hành pháp luật cao của thẩm phán và chánh án. Chúng ta phải có được tư duy pháp lý như vậy thì nền tố tụng mới tiến bộ” - Thẩm phán Hải nói.

Và dĩ nhiên, trong một nền tố tụng văn minh, tiến bộ thì không thể tồn tại chuyện “phủ bênh phủ, huyện bênh huyện”. Đó chính là tín hiệu đáng mừng của bản án mà TAND tỉnh Đồng Nai vừa tuyên xử.

THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm