‘Thủy triều đỏ’ không thể làm cá chết quy mô lớn

“Nếu cho rằng “thủy triều đỏ” khiến cá chết hàng loạt ở các tỉnh Trung Trung Bộ thì cũng phải xác định nguồn thải nào tạo ra hiện tượng này. Nguồn thải sinh hoạt từ dân cư không thể gây ra hiện tượng như thế được” - PGS-TSKH Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, hiện là Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam (ảnh), nhấn mạnh với Pháp Luật TP.HCM, ngày 28-4.

“Bất ngờ với kết luận”

. Phó giáo sư nghĩ gì về thông tin cho rằng nguyên nhân làm cá chết hàng loạt ở ven biển Trung Trung Bộ là do hiện tượng “thủy triều đỏ”?

+ PGS-TSKH Nguyễn Tác An: Tôi bất ngờ với kết luận như vậy. Tôi thấy lạ vì đã hơn 20 ngày xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt mà người ta lại cho rằng do “thủy triều đỏ”. Bởi trên thực tế lâu nay, trước khi “thủy triều đỏ” gây chết sinh vật biển thì người dân đều đã phát hiện ngay.

“Thủy triều đỏ” là hiện tượng xảy ra do nước thừa dinh dưỡng. Gặp điều kiện thời tiết thuận lợi, một số loài tảo, thực vật đơn bào phát triển bùng nổ, nở hoa nhiều đến mức làm thay đổi màu sắc của nước. Có những loài làm nước biển chuyển sang màu đỏ, có những loài làm nước có màu vàng sẫm hay xanh ngát.

Thông thường, hễ xuất hiện “thủy triều đỏ” thì người dân ở vùng biển đó hay tàu bè qua lại thấy ngay, biết trước cả các nhà khoa học. Thậm chí nhiều loại sinh vật cũng tránh được. Vì mỗi khi “triều đỏ” xuất hiện, 2-3 ngày sau nước sẽ đổi màu sắc, mùi vị gây nên những hiện tượng bất thường mà con người, sinh vật ở đó cảm nhận được. Sau đó mới dẫn đến cá tôm, sinh vật biển chết, nổi lên.

Đặc biệt, hiện nay có ảnh vệ tinh, nếu vùng nào xuất hiện “thủy triều đỏ” là các cơ quan nghiên cứu về biển dễ dàng phát hiện, cảnh báo ngay chứ không để xảy ra hậu quả lớn như vậy.

. Trên thực tế liệu có thể xảy ra hiện tượng “thủy triều đỏ” gây hậu quả nặng nề đối với các tỉnh miền Trung như vừa qua không?

+ Tôi khẳng định không thể có hiện tượng “thủy triều đỏ” gây ra cá chết hàng loạt với quy mô địa lý lớn như vừa qua được. Còn nếu đã xác định nguyên nhân cá chết do “thủy triều đỏ” thì phải lý giải cho thuyết phục, phải xác định vì sao có “thủy triều đỏ”, tức phải xác định được nguồn thải từ đâu ra. Nếu cho rằng nguồn thải từ dân cư thì chắc chắn không thể có vì khu vực ven biển các tỉnh Trung Trung Bộ có dân cư ít, không thể thải ra nguồn dinh dưỡng lớn tạo nên hiện tượng “thủy triều đỏ”.

Một con cá lớn sống ở nước sâu chết dạt vào biển Thừa Thiên-Huế. Ảnh: L.TÙNG

Khoanh vùng xác định rất đơn giản

. Ở Việt Nam đã xảy ra hiện tượng “thủy triều đỏ” làm cá chết hàng loạt với quy mô lớn như hiện nay chưa, thưa ông?

+ Ở Việt Nam đã từng có hiện tượng “thủy triều đỏ” làm cá chết nhưng chết hàng loạt với quy mô địa lý lớn như thế này thì chưa bao giờ xảy ra. Có những vùng biển thường xuất hiện “thủy triều đỏ” nhưng trong thời gian không dài, phạm vi ảnh hưởng không lớn.

Ở các nước công nghiệp đã từng xảy ra hiện tượng cá chết quy mô lớn và đều gắn liền với tác động thải của con người, chủ yếu là do hoạt động công nghiệp. Chỉ có hoạt động công nghiệp mới tạo ra những sự cố môi trường lớn như vậy.

. Ông nghĩ gì về nhóm nguyên nhân cá chết do tác động của con người?

+ Những xáo trộn môi trường thông thường là do tác động từ hoạt động của con người gây ra. Bản thân thiên nhiên có một cơ chế tự làm sạch, tự điều chỉnh để tạo ra sự cân bằng. Tuy nhiên, từ khi có hoạt động công nghiệp, tốc độ gây ra đối với môi trường quá mạnh, vượt qua khả năng tự làm sạch của tự nhiên thì sẽ sinh ra những sự cố môi trường.

Với sự cố môi trường ở các tỉnh Trung Trung Bộ, tôi khẳng định nguồn chất thải đó chỉ có do hoạt động công nghiệp tạo ra mà thôi. Kết quả phân tích nước biển ở Thừa Thiên-Huế có hàm lượng kim loại cao cũng cho thấy điều đó. Vậy kim loại nặng trong nước đó ở đâu ra, trong khi nguồn thải sinh hoạt của con người chủ yếu là hữu cơ. Việc khoanh vùng xác định rất đơn giản. Ở đâu có khu công nghiệp càng rất dễ xác định nguồn thải.

. Với góc nhìn của một nhà khoa học, phó giáo sư lo lắng điều gì nhất trong sự cố môi trường này?

+ Điều tôi lo lắng nhất không chỉ là cá chết nổi lên mà toàn bộ hệ sinh thái tầng đáy đã bị phá hủy. Hậu quả này sẽ kéo dài rất nặng nề, vài chục năm chưa chắc hồi phục được.

. Xin cám ơn ông.

Bộ trưởng Bộ TN&MT nhận khuyết điểm

Ngày 28-4, ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ TN&MT, đã dẫn đầu đoàn công tác trực tiếp về vùng biển Vũng Áng, Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Đoàn công tác đã tới vị trí ống xả thải của Công ty Formosa để lấy mẫu nước ở tầng mặt nước và tầng đáy, đồng thời lấy mẫu trầm tích để truy tìm nguyên nhân dẫn tới hiện tượng cá chết hàng loạt vừa qua. Tiếp đó, đoàn cũng đã kiểm tra hệ thống xử lý nước thải, quan trắc môi trường và Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng.

Trao đổi với báo chí, ông Trần Hồng Hà nói: “Hiện Bộ TN&MT cùng các bộ, ngành liên quan và các nhà khoa học đang tích cực xác định chính xác nguyên nhân trên cơ sở khoa học để có hướng xử lý kịp thời. Sau khi có kết luận cuối cùng thì Bộ sẽ có những hướng dẫn cụ thể về vấn đề tiếp tục đánh bắt, tiêu dùng các loại hải sản.

Đây là sự cố môi trường hết sức nghiêm trọng lần đầu xảy ra ở Việt Nam. Do thiếu kinh nghiệm nên việc điều phối, triển khai xử lý sự cố còn lúng túng, chưa đáp ứng được kỳ vọng của công luận. Với tư cách là bộ trưởng, tôi xin nhận khuyết điểm trước sự việc này”.

NB

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm