Tiếp tục bêu tên nhiều dự án kém hiệu quả, lãng phí

Đó là nội dung đáng chú ý trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đối với báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 19-4. Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày.

Lãng phí khắp nơi

Theo báo cáo này, thời gian qua, nhiều địa phương tổ chức lễ kỷ niệm thành lập tỉnh, tái lập tỉnh (đơn cử mới đây tỉnh Vĩnh Phúc chi 65 tỉ đồng để mua quà tặng dịp thành lập tỉnh) đã gây lãng phí, tốn kém. Việc in các kỷ niệm chương (ví dụ như Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam yêu cầu các đơn vị bỏ ra hàng chục tỉ đồng mua kỷ niệm chương 80 năm ngày truyền thống) cũng gây ra tình trạng tương tự.

Mặc dù ghi nhận việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có chính sách chỉ đạo quyết liệt để hạn chế lãng phí trong việc mua sắm tài sản nhà nước nhưng Ủy ban Tài chính - Ngân sách vẫn cho rằng: “Việc mua sắm, sử dụng tài sản nhà nước còn tình trạng chưa phù hợp và vượt tiêu chuẩn quy định. Tình trạng chấp hành quy định về tiêu chuẩn, định mức, chế độ sử dụng phương tiện, thiết bị làm việc, ô tô công có lúc, có nơi chưa nghiêm. Việc xử lý, thanh lý tài sản còn xảy ra thất thoát, lãng phí, nhất là đối với ô tô công, gây nhiều bức xúc trong nhân dân...”.

Dẫn ra tài liệu tuyên truyền về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí của Ban Tuyên giáo Trung ương, ông Hải cho biết: “Sau khi thực hiện các quy định mới về chế độ trang bị, sử dụng ô tô công, dự kiến sẽ dôi ra khoảng 7.000 chiếc”.

Theo ông Hải, tình trạng mua sắm công không thực hiện đúng quy định của pháp luật về đấu thầu, xác định giá gói thầu không hợp lý dẫn đến giá mua sắm cao bất hợp lý, nhất là trong lĩnh vực y tế như tại tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Bắc Kạn...

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: “Các địa phương, bộ, ngành tổ chức quá nhiều lễ kỷ niệm, festival”. Ảnh: QH

Giảm hơn 100 năm... thu phí

Những lãng phí trong các công trình giao thông BOT cũng không nằm ngoài báo cáo thẩm tra nói trên. “Nhiều dự án trong 27 dự án BOT được kiểm toán phải rút ngắn từ năm đến bảy năm thu phí, tổng cộng tất cả dự án phải giảm hơn 100 năm thu phí” - ông Hải cho hay.

Cũng chính bởi lý do này mà Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nêu lên việc nhiều trạm thu phí BOT được đặt ở những vị trí không hợp lý gây bức xúc trong nhân dân ở nhiều địa phương như Hòa Bình, Phú Thọ, Nghệ An và Thái Bình. Những trạm thu phí được nêu tên trong báo cáo bao gồm: Trạm thu phí tại cầu Bến Thủy 1 và Bến Thủy 2 tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An, Trạm thu phí Tam Nông tỉnh Phú Thọ, Trạm thu phí Thanh Nê tỉnh Thái Bình.

Báo cáo của Ủy ban Tài chính - Ngân sách tiếp tục bêu tên hàng loạt công trình, dự án kém hiệu quả, kéo dài gây lãng phí. “Dự án tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân được khởi công xây dựng từ năm 2005 với tổng mức đầu tư 1.510 tỉ đồng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội được khởi công từ năm 2006 với tổng mức đầu tư ban đầu được phê duyệt 18.408 tỉ đồng, tuy nhiên qua nhiều lần điều chỉnh đến nay tổng mức đầu tư đội lên thành 36.000 tỉ đồng và chưa ấn định được thời gian hoàn thiện dự án”.

Cùng đó là những đại dự án “đắp chiếu, trùm mền” nhắc đến bấy lâu nay được xem như điển hình của lãng phí với số vốn lên đến khoảng 30.000 tỉ đồng. Đó là những nhà máy, dự án như Vinashin, giấy Phương Nam, xơ sợi Đình Vũ, các dự án nhiên liệu sinh học, Nhà máy đạm Ninh Bình, Nhà máy đạm Hà Bắc, Nhà máy bột giấy Phương Nam, Nhà máy gang thép Thái Nguyên.

“Một số dự án đầu tư của DNNN trong giai đoạn trước không đạt hiệu quả kinh tế, không có khả năng thu hồi vốn, gây lãng phí, thất thoát lớn tài sản nhà nước chưa được khắc phục”. Ông Hải nói thế và dẫn chứng về Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) gắn với vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh cho thấy sự buông lỏng chức năng quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại DNNN gây thất thoát tiền và tài sản nhà nước.

Lễ kỷ niệm, festival còn nhiều quá

Nêu ý kiến tại phần thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: Cần phải định lượng cụ thể những mặt được và chưa được nhằm làm rõ những tiến bộ của việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

“Nói chung tình hình lãng phí còn khá phổ biến trong cơ quan nhà nước và xã hội” - Chủ tịch Quốc hội nói.

Bà Ngân cũng cho rằng các địa phương, bộ, ngành tổ chức quá nhiều lễ kỷ niệm, festival… “Dù là thực hiện theo phương thức xã hội hóa thì cũng là huy động DN, người dân và đó là nguồn lực của quốc gia” - chủ tịch Quốc hội nhận định.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đến vấn đề đạo đức công vụ, tinh thần phục vụ dân để không lãng phí thời giờ, công sức của người dân, DN.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng: Cần phải nêu những điển hình về tiết kiệm ở các địa phương để động viên. “Thực tế có những huyện có nhiều cải cách giảm chi được đến mấy chục tỉ đồng/năm. Nếu thống kê được thì cũng động viên địa phương. Có những bệnh viện ở TP.HCM giảm được biên chế rất nhiều. Quảng Ninh có những bệnh viện 350 giường mà chỉ có 100 biên chế” - ông Định nêu.

Kiểm soát chặt việc xây dựng mới trụ sở làm việc

Báo cáo của Chính phủ cho hay các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ tiêu chuẩn, định mức trong đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng trụ sở làm việc. Tính đến tháng 12-2016, cả nước đã thực hiện báo cáo kê khai, đề xuất phương án xử lý đối với trên 154.000 cơ sở nhà, đất. Đồng thời các cấp có thẩm quyền đã duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý trên 123.000 cơ sở nhà, đất.

Số tiền thu được từ bán tài sản, chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất qua công tác sắp xếp lại, xử lý trụ sở làm việc là trên 50.000 tỉ đồng. Công tác quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên được chú trọng hơn. Hệ thống pháp luật về tài nguyên, môi trường, biển và hải đảo tiếp tục được hoàn thiện...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm