Tiểu thương lo khi xây mới chợ Tân Bình

Bức xúc, lo lắng là tâm trạng chung của nhiều tiểu thương tại chợ Tân Bình khi trao đổi với chúng tôi về thông tin UBND quận Tân Bình thông báo kế hoạch dự án xây dựng Trung tâm thương mại dịch vụ đa năng và chợ truyền thống Tân Bình.

Nỗi lo mất “miếng cơm manh áo”

Ngày 21-9, bà Phạm Thị Lan, chủ tiệm vải Lan Khiêm, sạp KC9/1, người đã hơn 30 năm kinh doanh tại chợ, nói: “Hiện mỗi sạp có diện tích 3 m² tại chợ khi sang nhượng khoảng 2 tỉ đồng, có sạp lớn hơn, giá sang nhượng lên tới cả chục tỉ đồng nhưng phương án bồi thường cho mỗi sạp tối đa chỉ 30 triệu đồng nếu không kinh doanh tại chợ. Tôi không biết dựa vào đâu mà quận đưa ra con số này. Đó là chưa kể sau khi xây chợ mới, mỗi sạp phải đóng tiền thuê mặt bằng cao nhất là 400.000 đồng/m². Ví dụ, sạp có diện tích 3 m² thì tiểu thương phải đóng 1,2 triệu đồng/tháng, theo phương án 30 năm là phải đóng 432 triệu đồng. Các sạp càng lớn thì đóng tiền càng nhiều”.

Bà Lê Thị Duyên, tổ trưởng đồng thời là tiểu thương tại chợ Tân Bình, cho biết: Sáng 18-9, các tổ trưởng được triệu tập họp với ban quản lý chợ và UBND quận Tân Bình về việc xây chợ mới. Tại cuộc họp, các tổ trưởng không đồng tình với việc xây chợ mới và phương án bồi thường, bố trí kinh doanh. Bởi lẽ từ năm 1981, chợ Tân Bình còn là bãi đất sình lầy. Đến năm 1988, chính quyền huy động tiểu thương góp tiền xây dựng chợ. “Khi đó mỗi tiểu thương đều được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng sạp. Đến năm 2001, quận cấp lại giấy phép kinh doanh. Ban quản lý chợ thời điểm đó và bây giờ cũng thừa nhận nó như là giấy phép kinh doanh cố định. Tiểu thương có quyền sang nhượng lại. Nhiều gia đình bán hết đất đai, nhà cửa để mua lại sạp. Hiện khu chợ truyền thống, tiểu thương đều được cấp giấy phép kinh doanh không thời hạn, không phải trả tiền thuê sạp, chỉ phải trả tiền hoa chi, bảo vệ, tiền điện chỉ vài trăm ngàn đồng mỗi tháng” - bà Duyên nói.

Chợ Tân Bình sắp được phá bỏ để xây thành chợ mới. Ảnh: QH

“Lên lầu là chết”

Phương án tái bố trí địa điểm kinh doanh ở chợ mới cũng làm nhiều tiểu thương bức xúc. Theo phương án này, những người có sạp từ 3 m² trở xuống ở chợ cũ sẽ được bố trí tối thiểu một sạp tại chợ mới. Những tiểu thương có sạp ở chợ cũ lớn hơn 3 m² sẽ được bố trí diện tích tương đương.

Nhiều tiểu thương cho biết: Với phương án trên, tưởng rằng tiểu thương không mất gì vì diện tích sạp giữ nguyên, chỉ tốn tiền thuê sạp ở chợ mới. Tuy nhiên, đa số tiểu thương phải dọn lên lầu, hàng vải sẽ từ lầu ba trở lên, rất bất tiện, sẽ không còn khách.

Anh Đôn, chủ sạp Lan Đôn - KC8B, chợ Tân Bình, dẫn chứng: “Không nói đâu xa, hiện nay lầu hai của chợ Tân Bình vắng hoe khách. Khi xây mới chợ Tân Bình lên sáu tầng thì việc kinh doanh từ tầng hai trở lên có thực sự hiệu quả? Một lãnh đạo quận “cảm nhận” trong buổi họp ban quản lý chợ rằng “Khi xây dựng chợ mới thì sẽ kinh doanh được”. Liệu xây dựng chợ mới theo cảm nhận mà không đúng, ai phải chịu trách nhiệm? Chúng tôi không chấp nhận xây chợ mới, còn nếu quận cứ xây thì phải bồi thường theo giá thị trường, giá trị sang nhượng sạp là 2 tỉ đồng thì bồi thường 2 tỉ đồng, thậm chí phải cao hơn. Còn chúng tôi đang kinh doanh tầng trệt thì chợ mới vẫn phải là tầng trệt”.

Sẽ tiếp xúc với tiểu thương

Trao đổi với báo chí, ông Lê Sơn, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình, giải thích đối tượng được hỗ trợ bồi thường là những cá nhân đang kinh doanh tại chợ, có điểm kinh doanh cố định, có hợp đồng thuê điểm kinh doanh với ban quản lý chợ, có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, có mã số thuế… Đối với đất, Nhà nước không giao đất, không thu tiền sử dụng đất của các hộ kinh doanh. Do đó khi thu hồi không tính bồi thường hỗ trợ về đất. Đối với các sạp, nhà lồng chợ và tài sản khác do cá nhân tự đầu tư xây dựng bằng vốn của mình và không thể tháo rời di chuyển thì tính bồi thường cho đơn vị cá nhân đó. Đối với trường hợp cá nhân kinh doanh có hợp đồng thuê quyền sử dụng điểm kinh doanh và đã trả trước tiền thuê thì được hoàn trả số tiền thuê đã nộp trên cơ sở giá thuê và thời gian sử dụng điểm kinh doanh còn lại theo hợp đồng.

Ông Sơn giải thích thêm: “Xây chợ truyền thống có nhiều lầu hiệu quả ra sao cũng là lo lắng của quận. Chúng tôi đã cân nhắc, bố trí để bà con thuận tiện kinh doanh. Chợ mới có nhiều thang máy, thang cuốn và chúng tôi xác định đây là chợ sỉ nên dù chưa xây dựng và chưa hoạt động nhưng cảm nhận của ban chỉ đạo là có hiệu quả và nhà đầu tư cũng cam kết với chúng tôi là sẽ có hiệu quả”.

Ông cũng cho biết từ khi xây dựng chợ đến nay quận chỉ cấp giấy chứng nhận kinh doanh chứ không cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu sạp. “Quận sẽ giải thích rõ hơn về dự án và phương án hỗ trợ tại buổi tiếp xúc tiểu thương vào ngày 25 và 26-9 tới và sau đó có nhiều buổi tiếp xúc khác với tiểu thương để lắng nghe, trao đổi về những thông tin liên quan” - ông Sơn nói.

QUANG HUY - TÚ UYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm