Tòa được nghị án… vô thời hạn?

Ngày 13-1, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã không tuyên án vụ nguyên Trưởng Thi hành án dân sự huyện Thống Nhất (nay là huyện Trảng Bom, Đồng Nai) Đỗ Ngọc Chất thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng như đã hẹn mà thông báo rằng ngày 19-1 sẽ đưa vụ án ra xử lại.

Điều đáng nói là vụ án đã được tòa đưa ra xử từ ngày 20-11-2009. Lúc đó, sau khi bị cáo nói lời sau cùng, chủ tọa tuyên bố ba ngày sau sẽ tuyên án. Đến hẹn, tòa lại không tuyên án mà tiếp tục hẹn đến ngày 13-1 như trên. Tính ra, tòa đã nghị án mất gần… hai tháng, cuối cùng lại không ra phán quyết mà quay lại khâu xét hỏi, tranh luận.

Trong lịch sử tố tụng Việt Nam từ trước đến nay, chưa có vụ án hình sự nào có thời gian nghị án kéo dài như trên, kể cả các vụ án lớn như Tân Trường Sanh, Minh Phụng-Epco hay Năm Cam. Vì vậy, nhiều người không khỏi thắc mắc: Theo luật, tòa được nghị án trong thời gian bao lâu? Nếu thời gian nghị án kéo dài đến hàng tháng thì có vi phạm quy định tòa án xét xử liên tục?

Không định thời gian nghị án

Bộ luật Tố tụng hình sự không hề quy định thời gian tối thiểu, tối đa cho việc nghị án của tòa. Vì vậy, nhiều chuyên gia nhìn nhận nếu cứ căng theo luật thì việc nghị án đến gần hai tháng của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM là không có gì sai.

Tòa được nghị án… vô thời hạn? ảnh 1

Với một vụ án phức tạp như vụ điện kế điện tử này, tòa cũng chỉ nghị án trong vài ngày. Ảnh: T.BÌNH

Thẩm phán Nguyễn Anh Tiến (Chánh án TAND tỉnh Quảng Ngãi) cho biết đối với những vụ phức tạp, có khi thẩm phán phải xin ý kiến cấp trên nên chuyện kéo dài thời gian nghị án cũng là chuyện bình thường.

Tương tự, luật sư Trịnh Thanh (Văn phòng Luật sư Người Nghèo) cũng cho rằng cấp phúc thẩm đôi khi cần thời gian khá dài để nghị án. Bởi lẽ ở cấp sơ thẩm, họ có thể trả hồ sơ để điều tra bổ sung khi thấy còn có sự lấn cấn chứ cấp phúc thẩm không có quyền này nên phải thận trọng nghiên cứu, cân nhắc trước khi ra một trong các quyết định hủy, sửa hay y án sơ thẩm.

Không được tham gia vụ án khác

Một vấn đề khác đặt ra là Điều 184 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định tòa án phải xét xử liên tục, trừ ngày nghỉ. Như vậy, thời gian nghị án kéo dài đến hàng tháng liệu có vi phạm quy định trên hay không?

Theo thẩm phán Lê Thành Văn (Phó Chánh án TAND tỉnh Đồng Nai) và thẩm phán Nguyễn Văn Phước (Phó Chánh án TAND tỉnh Khánh Hòa), hội đồng xét xử muốn kéo dài thời gian nghị án bao lâu cũng được nhưng không được tham gia vào bất kỳ giai đoạn tố tụng nào của một vụ án khác. Nếu tham gia có nghĩa là đã vi phạm quy định xét xử liên tục.

Liệu đã hợp lý?

Đến đây, một điều bất hợp lý rất lớn đã phát sinh: Nếu cứ theo tinh thần của luật, một hội đồng xét xử sẽ có quyền nghị án đến… vô thời hạn, miễn là họ không tham gia vào bất cứ một vụ án nào khác. Lúc đó, bị cáo sẽ mang thân phận bị cáo… vô thời hạn, lúc nào cũng đang ở trong một phiên xử nhưng mãi mãi không được tuyên án hay sao?

Nhìn ra điều này, cả thẩm phán Nguyễn Anh Tiến và luật sư Trịnh Thanh đều cho rằng các nhà làm luật nên quy định cụ thể, rõ ràng về thời gian nghị án chứ không bỏ lửng như hiện nay. Dĩ nhiên cũng có vụ đơn giản, vụ phức tạp nên cần quy định trường hợp nào được kéo dài thời gian nghị án, kéo dài trong bao lâu…

Năm 1996, bị cáo Đỗ Ngọc Chất và chấp hành viên Phùng Thế San đã có nhiều sai phạm trong quá trình kê biên, đấu giá nhà của vợ chồng ông Vũ Đức Liêm. Ông Liêm cùng con gái phản ứng việc cưỡng chế tùy tiện thì bị khởi tố.

Vì các sai phạm trong vụ việc trên cùng một số vụ thi hành án khác, năm 2004, Chất và San đã bị khởi tố. Xử sơ thẩm lần đầu, TAND tỉnh Đồng Nai phạt Chất 30 tháng tù, San một năm tù về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Sau khi bản án bị Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM hủy, xử sơ thẩm lần hai, TAND tỉnh Đồng Nai tuyên hai bị cáo không phạm tội. Năm 2008, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM lại tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại theo hướng hai bị cáo có tội. 

Tháng 7-2009, xử sơ thẩm lần ba, TAND tỉnh Đồng Nai đã phạt Chất 30 tháng tù, San 12 tháng tù về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Tòa, viện “cãi” nhau

Tháng 12-2008, TAND quận 1 (TP.HCM) xử sơ thẩm lần ba vụ bị cáo Trương Thị Kim Hoàn bị truy tố về tội mua bán trái phép chất ma túy. Sau khi vào nghị án, tòa không thể tuyên án ngay mà hẹn hai hôm sau. Đến hẹn, tòa hoãn tuyên và hẹn năm ngày nữa. Tiếp đó, tòa lại khất việc tuyên án đến ngày 7-1-2008.

Khi phiên xử mở lại, chủ tọa công bố là sẽ tuyên án thì kiểm sát viên lập tức đề nghị hoãn xử. Theo vị này, việc tòa liên tục hoãn tuyên án như trên đã vi phạm quy định xét xử liên tục. Sau khi hội ý, chủ tọa ra tuyên bố rằng vì có nhiều quan điểm khác nhau trong việc đánh giá chứng cứ nên tòa sẽ quay lại trình tự xét xử ban đầu…

Kiểm sát viên tiếp tục bắt bẻ và đề nghị hoãn xử. Tòa không chấp nhận, yêu cầu kiểm sát viên công bố cáo trạng. Kiểm sát viên phớt lờ yêu cầu của tòa nên tòa phải vào hội ý lần hai. Sau đó, tòa ra tuyên bố chỉ quay trở lại phần xét hỏi nên không yêu cầu VKS công bố cáo trạng nữa, chỉ yêu cầu tham gia xét hỏi. Giữa chừng, kiểm sát viên đã ôm cặp bỏ ngang phiên xử ra về.

Bốn tháng mới viết xong bản án

Phiên xử sơ thẩm vụ Năm Cam cùng đàn em của TAND TP.HCM bắt đầu từ tháng 2-2003. Sau bốn tháng xét xử liên tục, tòa mới nghị án và bốn tháng nữa tòa mới tuyên án. 

Thật ra, thời gian để tòa nghị án không lâu mà chủ yếu là thời gian để tòa viết bản án (dài tổng cộng hơn 600 trang). Có chuyện này bởi vụ án rất lớn và phức tạp với 55 bị cáo bị truy tố về 23 tội danh khác nhau.

THÁI BÌNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm