Tòa Tối cao phải là cơ quan tư pháp cao nhất

Tòa Tối cao phải là cơ quan tư pháp cao nhất ảnh 1

Hiến pháp năm 1946 quy định: Cơ quan tư pháp của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa gồm Tòa án Tối cao; Các tòa án phúc thẩm; Các tòa án đệ nhị cấp và sơ cấp. Mô hình, tên gọi các tòa trên vẫn còn nguyên giá trị, mang đậm tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền. Vì thế khi cải cách tổ chức, hoạt động ngành tòa án nên giữ tư tưởng uyên bác này của Người.

Trong cải cách tư pháp thì vấn đề cải cách tổ chức và hoạt động của tòa án theo tinh thần Nghị quyết số 49NQ/TW ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị là một vấn đề rất quan trọng, đặc biệt là ở Tòa án Tối cao. Trước tiên, phải xác định Tòa án Tối cao là cơ quan tư pháp cao nhất chứ không chỉ là cơ quan xét xử cao nhất. Đây là cơ quan thực thi quyền tư pháp mà không một cơ quan, tổ chức nào trong hệ thống chính trị có quyền này. Theo Nghị quyết 49, đây là tòa có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm. So với chức năng, nhiệm vụ hiện hành thì TAND Tối cao sau khi cải cách sẽ không còn chức năng xét xử phúc thẩm, thêm nhiệm vụ “phát triển án lệ”.

Về tổ chức con người của Tòa án Tối cao sau khi cải cách có sự thay đổi lớn so với bộ máy hiện hành theo hướng tinh, gọn (không quá 20 thẩm phán tối cao). Cơ quan này phải tập hợp không chỉ các thẩm phán là những chuyên gia đầu ngành mà còn tập hợp các chuyên gia đầu ngành về các lĩnh vực pháp luật. Nếu Tòa án Tối cao không có đội ngũ chuyên gia đầu ngành thì không thể đảm đương được nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ như yêu cầu của Nghị quyết 49.

Cạnh đó, để thực hiện tốt vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Tòa án Tối cao theo tinh thần Nghị quyết số 49 thì vấn đề tổ chức lại các tòa chuyên trách thuộc TAND Tối cao và các đơn vị giúp việc là rất quan trọng. Hiện nay nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ án hình sự do nhiều đơn vị đảm nhiệm: Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Kinh tế, Tòa Hành chính, Tòa Lao động, Ban Thanh tra, Ban Thư ký, Viện Khoa học xét xử. Tuy nhiên, công tác giám đốc việc xét xử các vụ án mà bản án đã có hiệu lực pháp luật và hướng dẫn tòa án các cấp áp dụng thống nhất pháp luật đối với các vụ án cụ thể, chủ yếu do các tòa chuyên trách đảm nhiệm có sự phối hợp với các đơn vị liên quan. Vì thế, việc cải cách bộ máy của Tòa án Tối cao nói chung và các tòa chuyên trách Tòa án Tối cao nói riêng cần phải được xác định cụ thể, rõ ràng, không thể nêu chung chung.

Cùng với việc cải cách ở Tòa án Tối cao, các tòa án khác như tòa án sơ thẩm khu vực, tòa án trung cấp, tòa án cao cấp cũng phải được nghiên cứu thấu đáo theo hướng vừa bảo đảm việc xét xử vừa thuận tiện cho dân khi có việc phải đến tòa. Chẳng hạn tòa án trung cấp (có ý kiến cho là tòa án đệ nhị cấp), cần được tổ chức gọn nhẹ hơn tòa án cấp tỉnh hiện nay; không có Ủy ban Thẩm phán và các tòa như tòa án cấp tỉnh mà chỉ có các ban (Ban Hình sự, Ban Dân sự...). Còn tòa án cao cấp (tòa thượng thẩm) được tổ chức theo khu vực, chỉ có nhiệm vụ xét xử phúc thẩm, không thuộc TAND Tối cao như hiện nay mà là một cấp tòa án.

Góc của ĐINH VĂN QUẾ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm