TP.HCM: 4 năm liền kéo giảm tội phạm

Đó là một trong những mục tiêu Công an TP.HCM cho hay đang hướng đến trong buổi gặp mặt báo chí thông báo tình hình kết quả công tác đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong năm 2018 và một số công tác trọng tâm năm 2019 tổ chức ngày 5-1.

Xây dựng trung tâm thông tin khẩn cấp

Theo Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP.HCM, trong năm qua Công an TP.HCM đã thu gọn đầu mối theo chủ trương chung của Đề án 106 của Bộ Công an. Theo mô hình mới, Công an TP còn có 35 đầu mối trực thuộc. Riêng 24 quận, huyện vẫn y nguyên. “Công an TP đã giảm được 10 đầu mối trực thuộc. Biên chế, định hướng của tổ chức gọn lại cũng nhằm mục tiêu hướng về cơ sở. Như hiện tại, Bộ Công an chỉ còn 15%, còn lại là dành cho các tỉnh, thành. Cấp tỉnh thì chỉ có 35%, còn lại ở huyện và cơ sở” - ông nói.

Theo Giám đốc Công an TP.HCM, tỉ lệ của Công an TP hiện tại dưới 35%, còn lại hướng lực lượng về cơ sở để phù hợp địa bàn rộng lớn, dân số tăng cơ học nhanh. Chẳng hạn lực lượng 113 (sau đó gọi là phản ứng nhanh), Bộ Công an cho phép TP giữ lại. Tuy nhiên, Thường vụ Đảng ủy Ban giám đốc Công an TP.HCM đã thảo luận và tự nguyện đề nghị Bộ cho sắp xếp lại phòng này. “Lực lượng phản ứng nhanh chủ yếu giải quyết vấn đề ở cơ sở. Nếu tập trung vào cấp TP thì không đáp ứng được yêu cầu phải nhanh chóng có mặt tại địa bàn, hiện trường. Do đó chúng tôi xin lãnh đạo Bộ Công an cho giải thể phòng này và đưa lực lượng này về đội của công an quận, huyện” - ông Phong cho hay.

Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng đô thị thông minh của TP, Công an TP đang có hướng xây dựng trung tâm thông tin khẩn cấp. “Trung tâm Thông tin khẩn cấp xây dựng trên nền tảng công nghệ thông tin nên sự chia sẻ thông tin nhanh chóng, không đứt đoạn” - ông nói. Theo đó, thông tin được kết nối nhanh chóng từ trung tâm chỉ huy và phân bổ tới khu vực xảy ra để điều động lực lượng ngay tại chỗ kịp thời tới hiện trường. Hiện Công an TP.HCM đang đề xuất UBND TP.HCM duyệt phương án để thiết lập dự án. “Việc sử dụng lực lượng này với cách bố trí như vậy sẽ phát huy được hiệu quả phản ứng phù hợp hơn, làm cho người dân yên tâm hơn và cảm thấy công an luôn luôn có mặt, sẵn sàng bảo vệ khi cần thiết. Điều này lý giải tại sao Bộ Công an cho phép giữ lại Phòng Phản ứng nhanh nhưng chúng tôi lại giải thể, chia lực lượng này về 24 quận, huyện” - Giám đốc Công an TP giải thích.

Giám đốc Công an TP.HCM Lê Đông Phong. Ảnh: N.TÂN

Bốn năm liền liên tục kéo giảm tội phạm

Theo Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM, sau hàng loạt biện pháp, phạm pháp hình sự tiếp tục được kiềm chế và kéo giảm. “Năm 2018 là năm thứ tư liên tiếp Công an TP đã đấu tranh có hiệu quả, kéo giảm được hoạt động của các loại tội phạm, tỉ lệ điều tra, phá án liên tục được nâng” - ông nói.

Tuy nhiên, theo ông Quang, hoạt động của tội phạm hình sự vẫn diễn biến phức tạp, tuy kéo giảm nhưng tính chất, cường độ bạo lực lại gia tăng. Trong đó, người phạm tội có độ tuổi ngày càng trẻ, tăng hơn so với năm 2017; đối tượng sử dụng ma túy tăng; xu hướng các đối tượng là người thất nghiệp hoặc việc làm không ổn định, thu nhập thấp, tuổi trẻ.

“Các đối tượng thường manh động, liều lĩnh trong phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội và chống trả khi bị phát hiện, xử lý; lợi dụng kẽ hở của pháp luật để đối phó rất tinh vi, xảo quyệt; tội phạm xâm phạm sở hữu tài sản chiếm tỉ lệ cao trong cơ cấu tội phạm (83,87%); mục đích gây án phần lớn để có tiền mua ma túy và sử dụng, ăn chơi” - ông Quang thông tin. Ngoài ra xuất hiện phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội đan xen giữa các yếu tố về kinh tế, hình sự, ma túy, núp bóng doanh nghiệp, liên kết vùng miền, thể hiện rõ nét tính chuyên nghiệp trong hoạt động và có sự đối phó tinh vi, biến thể dần để thích hợp với cơ chế, điều kiện xã hội.

Công an TP cũng lưu ý hoạt động tín dụng đen gia tăng gây ra hệ lụy, gây ảnh hưởng đến trật tự trên địa bàn TP. Phát sinh các hành vi trái pháp luật liên quan đến hoạt động đòi nợ như cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật, thậm chí giết người. Trong đó, bắt giữ người trái pháp luật đến bảy vụ, thậm chí bốn vụ giết người. Trong năm 2018 đã có hơn 560 vụ việc người dân trình báo bị các đối tượng lạ mặt ném chất bẩn vào nhà, gọi điện thoại đe dọa người vay nợ, người nhà của họ vay tiền chưa trả dưới dạng thức gây áp lực, khủng bố tinh thần…

Theo Phòng Tham mưu Công an TP.HCM, thành phần vay tín dụng đen rất đa dạng, nhưng qua khảo sát các vụ án liên quan hoạt động này cho thấy số vụ vay nợ với yêu cầu chính đáng rất thấp, tỉ lệ hơn 50% số vụ có người vay nợ phục vụ cho các nhu cầu ăn chơi, cờ bạc…

Năm 2018, số vụ phạm pháp hình sự giảm nhiều nhất

Theo báo cáo, năm 2018, Công an TP đã kéo giảm 4,85% vụ phạm pháp hình sự so với năm 2017; điều tra 3.405 vụ phạm pháp hình sự (đạt tỉ lệ 74,41% và là tỉ lệ cao nhất từ trước đến giờ của lực lượng Công an TP). Trong năm, Công an TP đã triệt phá 397 băng nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức, hoạt động chuyên nghiệp; điều tra, khám phá 3.405 vụ phạm pháp hình sự, bắt và xử lý 3.818 đối tượng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm