TP.HCM: Khắc phục hậu quả đường cao hơn nhà dân

Sáng 8-6, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đã có buổi làm việc với Huyện ủy Nhà Bè về tình hình kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng và công tác xây dựng Đảng trên địa bàn. Ông đã chỉ đạo nhiều vấn đề đang gây bức xúc cho người dân.

Làm đường cao hơn nhà phải “hài hòa”

Tại buổi làm việc, Bí thư Thăng bất ngờ yêu cầu ông Bùi Xuân Cường - Giám đốc Sở GTVT giải thích về hiện tượng đường cao hơn nhà dân và đường thấp hơn nhà dân xảy ra trên địa bàn TP.HCM đang gây bức xúc cho người dân.

Theo ông Cường, đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân) và đường Bạch Đằng nối từ sân bay Tân Sơn Nhất ra đường Phạm Văn Đồng (quận Tân Bình) nâng cấp cao hơn nhà dân. Việc nâng đường Kinh Dương Vương cao hơn nhà dân là dựa trên cơ sở tính mức triều cao nhất là 1,68 m. Từ đó mép vỉa hè được nâng lên 1,7 m. “Thực tế cốt cao độ trên trục Kinh Dương Vương rất thấp, chỉ từ 1 m trở xuống. Do đó, khi nâng đường lên thì xảy ra hiện tượng mà báo chí phản ánh” - ông Cường nói.

Cũng theo ông Cường, chủ tịch UBND TP đã đi kiểm tra và họp để đưa ra phương án giải quyết nhằm đảm bảo cuộc sống cho người dân. “Quan điểm xử lý của Sở GTVT là sẽ phải hài hòa giữa việc hạ độ cao cốt nền kết hợp với việc kiểm soát triều cường” - ông Cường nói.

Lý giải dự án nhà cao hơn đường 1,6 m tại đường Bạch Đằng (quận Tân Bình), ông Cường cho biết là do chậm giải phóng mặt bằng dẫn tới dự án cải tạo đường chưa thực hiện được. Theo ông Cường, dự án này dự tính khởi công năm 2008 và năm 2012 hoàn thành nhưng rất lâu sau mới được khởi công. Ngay từ năm 2008, Khu Quản lý giao thông số 1 đã thông tin về độ cao cốt nền cho UBND quận Tân Bình. Còn việc cung cấp thông tin cho người dân như thế nào là việc của quận.

Ông Cường cũng thông tin thêm, Sở GTVT đã đi kiểm tra và đưa ra phương án làm vỉa hè trước. Một số nhà dân đang xây dựng cũng được khuyến cáo để kịp thời hạ cốt nền. Với những nhà đã làm rồi thì sẽ có những bậc thang kết nối lên nhà dân hoặc mỗi đoạn 5-7 hộ sẽ có đường đi xuống - ông Cường nói.

Sau khi nghe, Bí thư Thăng yêu cầu Sở GTVT phải đôn đốc việc khắc phục, công khai thông tin cho người dân, báo chí biết.

Nhiều nhà trên đường Bạch Đằng, phường 2, quận Tân Bình (TP.HCM) phải bắc cầu thang lên xuống. Ảnh: HOÀNG GIANG

Kiến nghị tách thửa đất ở

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Lưu, Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, kiến nghị với bí thư Thành ủy cho phép người dân xã Hiệp Phước được chuyển đổi mục đích và tách thửa đất ở.

Theo ông Lưu, năm 2013, UBND TP đã phê duyệt quy hoạch đồ án quy hoạch chung khu đô thị Hiệp Phước (xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, diện tích 1.354 ha), nằm trong tổng thể khu đô thị cảng Hiệp Phước. Vì vậy diện tích này không được chuyển mục đích sang đất ở và tách thửa theo quy định. “Mong các ngành chức năng xác định ranh các khu vực dân cư hiện hữu nằm trong 1.354 ha thuộc quy hoạch khu đô thị cảng để làm cơ sở giải quyết chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở và tách thửa, phục vụ nhu cầu về chỗ ở của người dân” - ông Lưu đề nghị.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc TN&MT, cho biết trong tháng 6 sẽ khoanh khu dân cư hiện hữu tại xã Hiệp Phước để giải quyết quyền lợi cho người dân.

Về kiến nghị cơ chế, chính sách giúp huyện Nhà Bè thuận lợi hơn trong việc kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng kỹ thuật ba tuyến đường theo trục Đông-Tây (đường kho B, kho C và đường Vĩnh Phước Cây Khô), Bí thư Thăng chỉ đạo các dự án có nguồn vốn rồi thì huyện và các đơn vị phối hợp, tập trung làm.

Chủ tịch UBND TP đi khảo sát dự án nâng đường

 “Giải pháp chống ngập nửa vời, các đơn vị khi làm không triển khai đồng bộ các giải pháp khác. Tôi có cảm tưởng chủ đầu tư chỉ làm cho được dự án” - Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nói khi đi khảo sát thực địa dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân) sáng 8-6.

Ông Phong cho rằng các đơn vị liên quan chưa tính toán đồng bộ để tìm ra giải pháp hợp lý và ít ảnh hưởng nhất với người dân.

Ông cũng cho rằng dù các đơn vị đã lấy ý kiến công khai từ năm 2012 nhưng năm 2016 khi thực hiện công trình thì không tiếp tục lấy ý kiến người dân. Người dân không thể biết được việc nâng đường cao như thế nào mà họ chỉ biết nâng đường cao để không còn ngập nên đồng ý.“Do dự án đã triển khai rồi nên phải làm đến cùng nhưng các đơn vị cần phải tìm giải pháp đồng bộ để giảm cao độ vỉa hè, phối hợp với việc bố trí mương hở, van ngăn triều, hệ thống bơm nước để giải quyết ngập cho cả lưu vực 96 ha ở quận Bình Tân. Các ngành phải tính toán mức hỗ trợ và giải thích cho dân chứ không phải cầm tiền đến đưa cho dân là được” - ông Phong yêu cầu.

Ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP.HCM, cho biết dự án sẽ tạm dừng để tìm ra phương án giảm cao độ tuyến đường và các giải pháp đồng bộ giảm thiệt hại thấp nhất cho người dân theo chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP.

• Sau khi nghe Nhà Bè báo cáo tình trạng đảng viên bỏ sinh hoạt Đảng vì đi làm ăn xa, Bí thư Thăng đề nghị Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Tô Đại Phong xem xét có thể cho đảng viên đi làm ăn xa sinh hoạt Đảng qua mạng. “Nếu cần Thành ủy có thể tổng hợp báo cáo Ban Bí thư xin ý kiến…” - ông nói.

• Về tình trạng số nhà siêu xuyệt, Sở Xây dựng cho biết đang hoàn thiện đề án, tuần sau sẽ báo cáo UBND TP để chấm dứt tình trạng này.

• Về việc học thêm, dạy thêm, Bí thư Thăng nêu rõ thầy cô giáo dạy thêm để phụ đạo cho học sinh yếu, bồi dưỡng cho học sinh giỏi không lấy tiền sẽ được hoan nghênh. “Không bắt học sinh phải đi học thêm nhằm tăng thu nhập cho giáo viên” - ông nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm