TP.HCM: Sẽ giải quyết hàng ngàn hồ sơ cấp giấy đang ách

Đó là một trong những nội dung trọng tâm Sở TN&MT thông tin tại buổi trao đổi đối thoại với báo chí về những vướng mắc liên quan đến việc sử dụng đất của người dân, ngày 31-8. 

Nội dung này, trước đây Pháp Luật TP.HCM cũng phản ánh nhiều lần.

Nhiều hồ sơ ách tắc đã được cấp giấy

Theo thống kê của Sở TN&MT tại buổi họp mặt, tại các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè có gần 2.000 trường hợp hồ sơ cấp giấy chứng nhận (GCN) bị tồn đọng do vướng thẩm quyền ký cấp giấy. Những trường hợp này vốn là đất nông nghiệp đã được cấp GCN. Sau đó người dân tự chuyển mục đích, phân lô trái quy định và bán lại cho nhiều người, thậm chí chuyển nhượng nhiều lần bằng giấy tay. Những người mua đã cất nhà không phép trên đất nông nghiệp và nay xin cấp GCN. Tuy nhiên, các hồ sơ vừa qua bị ách tắc do vướng mắc về thẩm quyền ký GCN: Sở TN&MT hay quận, huyện.

Đầu năm 2018, Sở TN&MT đã tham mưu trình TP hướng giải quyết tùy theo từng trường hợp. Đến nay, vấn đề đã được tháo gỡ và các địa phương đang tập trung giải quyết. Theo ông Nguyễn Lê Tuân, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) huyện Bình Chánh, địa bàn huyện có gần 1.000 trường hợp. Đến nay đã giải quyết cấp GCN cho gần 400 hồ sơ. “Từ khi vướng mắc này được tháo gỡ, có tới 3.000 trường hợp tương tự cũng đang nộp hồ sơ xin giải quyết cấp giấy. Người dân rất mừng khi biết tin này sau nhiều năm chờ đợi” - ông Tuân cho hay.

Còn theo bà Trần Huỳnh Châu, Giám đốc Chi nhánh VPĐKĐĐ huyện Hóc Môn, huyện này có gần 900 trường hợp tương tự. Đến nay, chi nhánh này đã chuyển gần 400 hồ sơ thuộc thẩm quyền của huyện để huyện ký cấp giấy cho dân. Một số trường hợp thuộc thẩm quyền của VPĐKĐĐ TP thì chuyển về cho cơ quan này xử lý. Số còn lại gần 500 hồ sơ đang chuyển xuống niêm yết tại các xã để giải quyết tiếp tục.

Ông Dư Huy Quang, Giám đốc VPĐKĐĐ TP, cho hay cơ quan này vẫn đang cùng Sở TN&MT đồng hành với các huyện tiếp tục giải quyết hồ sơ của người dân thuộc diện này.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT, trả lời các câu hỏi của báo chí. Ảnh: VIỆT HOA

Chấn chỉnh nạn trễ hẹn

Đó là trần tình của Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Toàn Thắng về việc có tình trạng chậm trễ trong việc cấp GCN. Ông Thắng thống kê, trong tám tháng kể từ đầu năm 2018, ngành TN&MT nhận 470.000 hồ sơ cấp giấy cho cá nhân, hộ gia đình lẫn các tổ chức. “Đây là số lượng hồ sơ rất khủng khiếp. Trong khi các tỉnh khác trung bình chỉ 200 hồ sơ, mà thời gian giải quyết hồ sơ và bộ máy nhân sự thì như nhau. Cán bộ thụ lý đều phải làm thêm giờ, chứ trong tám tiếng không thể nào kịp” - ông Thắng nói.

Ông Thắng cho biết riêng lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm, theo quy định là thực hiện trong vòng năm ngày nhưng hiện nay các văn phòng đăng ký đang thực hiện trong thời gian ba ngày và tới đây sẽ giảm xuống còn một ngày. “Hiện nay đã có một số chi nhánh thực hiện trong vòng một ngày để tạo thuận lợi cho người dân” - ông Thắng cho hay.

Giám đốc VPĐKĐĐ TP Dư Huy Quang cũng thừa nhận hiện nay tồn tại trong công tác cấp giấy vẫn là tình trạng trễ hạn. “Dù chúng tôi cũng đã rất cố gắng nhưng chưa thể đáp ứng được nhu cầu của người dân” - ông Quang nói. Mới đây, Sở TN&MT đã trình TP và đã được đồng ý ban hành bộ thủ tục hành chính trong lĩnh vực cấp giấy. Ông Quang cho hay việc này cũng là giải pháp để khắc phục tình trạng trễ hạn.

Tuy nhiên, để giải quyết căn cơ, ông Quang cho hay Sở TN&MT đang nghiên cứu trình TP việc ủy quyền cho các chi nhánh được ký cấp giấy mà không phải chuyển về TP. “Trước đây, việc Sở ủy quyền cho văn phòng đăng ký TP ký cấp giấy đã giảm được 5-7 ngày nhưng chỉ ở khâu từ Sở xuống văn phòng đăng ký nên vẫn chưa thể đúng hẹn với người dân. Nếu ủy quyền cho các chi nhánh được ký cấp giấy trong thẩm quyền thì sẽ khắc phục được tình trạng trễ hạn. Cơ chế này cũng đã được TP và các bộ TN&MT, Tư pháp đồng tình. Chúng tôi đang gửi lấy ý kiến 24 quận, huyện để đánh giá tác động trước khi trình TP ký trong đầu tháng 9 tới” - ông Quang cho hay.

Về việc cấp giấy cho nhà xây dựng tạm trong khu vực quy hoạch treo, ông Quang cho hay Sở TN&MT kiến nghị theo hướng: Đối với trường hợp cấp phép xây dựng (CPXD) tạm mà hiện nay phù hợp quy hoạch thì sẽ chứng nhận tài sản gắn liền với đất theo quy định. Nếu hiện nay không phù hợp quy hoạch thì chia thành hai trường hợp: Giấy phép tạm đã quá năm năm: chứng nhận tài sản gắn liền với đất, đồng thời ghi chú hạn chế theo nội dung giấy phép xây dựng. Nếu chưa quá năm năm thì chưa xem xét chứng nhận tài sản. Riêng đối với các trường hợp CPXD tạm theo Quyết định 26/2017 hiện nay vẫn chưa được xem xét do Luật Xây dựng không quy định bồi thường đối với trường hợp CPXD tạm. Nếu kiến nghị của Sở được Bộ TN&MT đồng ý, hàng ngàn công trình được cấp phép tạm tại TP sẽ được gỡ vướng.

Theo thông báo của Sở TN&MT, tính riêng lĩnh vực giao dịch đảm bảo, trong tám tháng ngành TN&MT thực hiện gần 7.200 trường hợp của tổ chức và gần 200 trường hợp là cá nhân, hộ gia đình. Lĩnh vực cập nhật GCN có khoảng 211.000 hồ sơ… 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm