Tràn lan dự án lấp kênh rạch

Đó là nhận định của Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm tại chương trình Lắng nghe và Trao đổi tháng 11 với chủ đề “Giảm ngập nước - mục tiêu và giải pháp” do HĐND TP.HCM phối hợp với Đài Truyền hình TP tổ chức, sáng 8-11.

Đã san lấp hơn 440.000 m2

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng thời gian qua TP.HCM đã đưa ra nhiều giải pháp chống ngập nhưng tính bền vững chưa cao, hiệu quả còn hạn chế. Theo bà Tâm, tình hình lấp kênh rạch thật sự rất nghiêm trọng, đòi hỏi cần có giải pháp xử lý.

Về tình trạng lấn chiếm kênh rạch, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP, cho hay: “Theo báo cáo của Sở GTVT và Sở NN&PTNT - hai cơ quan được giao quyền san lấp cho các chủ đầu tư, từ năm 2007 đến nay, hai cơ quan này đã thỏa thuận với nhà đầu tư san lấp sông, kênh rạch cho 159 dự án”. Theo ông Tuấn, qua khảo sát thực tế, trong 159 dự án đó thì 111 dự án là chủ đầu tư chưa triển khai việc san lấp theo thỏa thuận này. Còn 48 dự án, chủ đầu tư đã và đang triển khai san lấp theo thỏa thuận. Quy mô san lấp đã được 91,6%”.

Mặt khác, ông Tuấn cũng thông tin đối với các dự án đã san lấp theo quy định phải có 24/48 hồ điều tiết nhưng đến nay chỉ có 4/24 dự án đã hoàn tất xây dựng hồ điều tiết, bốn đang xây dựng, 16 chưa xây dựng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, diện tích mà 48 dự án trên san lấp là khoảng 480.000 m2, đến nay đã thực hiện san lấp 440.000 m2 trong số đó (diện tích kênh rạch san lấp nhiều nhất là ở huyện Bình Chánh với hơn 57.000 m2). Mặt khác trong số này có nhiều chủ đầu tư chỉ lập hồ sơ tính toán khối lượng san lấp trên thực tế nhưng không lập hồ sơ thiết kế san nền, không thiết kế hệ thống thoát nước tạm nên trong quá trình thi công gây ngập cho khu vực xung quanh.

Trao đổi với chúng tôi, một thành viên trong đoàn kiểm tra thực tế tình trạng san lấp kênh rạch tại TP cho biết: “Theo quy định của TP, các dự án san lấp kênh rạch với diện tích lớn phải xây hồ điều tiết thay thế với diện tích bằng 1,2 diện tích san lấp. Còn các dự án san lấp với diện tích nhỏ phải thay thế bằng cống hộp. Tuy nhiên, trên thực thế nhiều dự án chưa xây hồ điều tiết nhưng đã san lấp kênh rạch. Tình trạng này cho thấy công tác quản lý còn lỏng lẻo” - vị này nhận định.

 
Một dự án lấp rạch ven sông Sài Gòn. Ảnh: TRUNG THANH

Nếu làm sai quy định phải thu hồi dự án

Ông Tuấn cho rằng việc san lấp kênh rạch cần phải tính đến vấn đề ảnh hưởng tới dòng chảy. Theo ông Tuấn, TP vẫn phát triển đô thị, nhà ở nhưng việc phát triển đó phải đảm bảo tính bền vững, tức là đảm bảo tiêu thoát nước tự nhiên, khơi thông dòng chảy.

Do đó, ông Tuấn đề nghị cần bổ sung quy định: Điều kiện nào được san lấp, điều kiện nào tuyệt đối không được san lấp dòng chảy, phạm vi và quy mô san lấp, biện pháp khắc phục sau khi san lấp. Bởi hiện nay chúng ta chưa có quy định như thế. “Chúng ta có nói phải đầu tư hệ thống thoát nước, xây hồ điều tiết nhưng qua thực tế phải bổ sung hai điều kiện liên quan đến chuyện này, đó là: Đầu tư hệ thống thoát nước và hồ điều tiết phải đảm bảo đúng chức năng là thoát nước và điều tiết. Điều này nhằm tránh trường hợp đầu tư xây hồ điều tiết nhưng kiểm tra lại thì nó không thực hiện đúng chức năng hồ điều tiết mà nó như một cảnh quan. Thoát nước không chỉ là cho dự án đó mà phải đảm bảo cho khu vực đó” - ông Tuấn lý giải.

Giám đốc Sở Xây dựng TP cũng đưa ra đề nghị nếu chủ đầu tư không thực hiện đúng kế hoạch phải có chế tài, thậm chí là thu hồi dự án, kể cả không cho làm chủ đầu tư các dự án tiếp theo.

Bà Tâm cho rằng giải pháp mà ông Tuấn đưa ra đúng trọng tâm chống ngập, làm như thế mới mang tính bền vững được. “Chúng ta đổ bao nhiêu tiền để chống ngập nhưng kết quả không bền vững chính là ở chỗ đó” - bà Tâm nói.

TP.HCM sẽ chịu ảnh hưởng của tổ hợp: Mưa lớn, bão, nước biển dâng…

Ông Nguyễn Minh Giám, Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, cho biết năm 2015 nước ta đã xảy ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan ngoài quy luật do biến đổi khí hậu và tới đây tình trạng này sẽ ngày càng khắc nghiệt hơn. Ông cũng dự đoán trong thời gian sắp tới, ngoài hiện tượng thời tiết cực đoan đơn lẻ, TP.HCM chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng tổ hợp của những hiện tượng thời tiết nguy hiểm như mưa lớn trên diện rộng, bão cùng với nước biển dâng, triều cường, gió mạnh đồng thời kèm theo sự xả lũ của hệ thống sông thượng nguồn. Do đó, TP.HCM phải tăng sự hiểu biết của người dân, đừng để họ thờ ơ là biến đổi khí hậu xảy ra một nơi nào đó chứ không ở TP. Ông Giám đề xuất quy hoạch phòng, chống lụt bão cũng như thoát nước phải lồng ghép ứng phó với biển đổi khí hậu cũng như có hệ thống cảnh báo sớm để cung cấp thông tin kịp thời cho chính quyền các cấp và người dân để chủ động phòng, chống, giảm nhẹ thiệt hại.

Chịu không nổi ngập phải bán nhà đi lánh nạn

Ông Lê Quốc Trị (quận Bình Tân) bức xúc: Kênh Chiến Lược đi qua địa bàn quận, 10 năm nay cứ đến mùa mưa là ngập. Năm nay ngập hơn năm trước là 30 cm khiến cho 70% nhà dân của khu vực bị ngập. Nhiều căn nhà ngập từ 20 cm đến 70 cm. Mọi hoạt động buôn bán, làm ăn, học hành... đều bị cản trở. Đồ dùng sinh hoạt của dân bị hư hỏng, nhiều nhà dân ngập nặng phải đi lánh nạn, có gia đình chịu không nổi phải bán nhà chuyển đến nơi khác ở. Ông Trị đi khảo sát thấy có bốn điểm gây ngập rất nhanh. Mưa khoảng 30 phút là ngập nhưng rút rất chậm, một đêm chỉ rút được gần 30 cm.

- Hiện nay có khoảng 20.000 căn nhà của người dân đang tồn tại trên và ven kênh rạch (do lấn chiếm) gây ảnh hưởng đến dòng chảy. Trong thời gian tới, TP sẽ phải di dời 20.000 căn nhà này.

- Trung bình mỗi ngày các công nhân vớt rác của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM vớt khoảng 7-13 tấn rác, phần lớn là rác sinh hoạt, túi nylon, bàn ghế... trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

- TP.HCM tiếp tục đầu tư 200 km đường cống trong vòng năm năm để bổ sung đưa vào vận hành cùng với hệ thống thoát nước hiện hữu của TP. Từ năm 2016 đến 2020, TP đầu tư chín cống kiểm soát triều lớn trên sông Sài Gòn ở các khu vực quận Bình Thạnh, quận 4, quận 1, huyện Bình Chánh và Nhà Bè.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm