Tranh cãi việc buộc xe khách gắn khẩu hiệu “Tính mạng con người là trên hết”

Theo Nghị định 46/2016, các loại ô tô chở khách không niêm yết hoặc niêm yết không đầy đủ, chính xác khẩu hiệu “Tính mạng con người là trên hết” thì chủ xe sẽ bị phạt 1-2 triệu đồng. Nếu chủ xe là tổ chức thì mức phạt sẽ là 2-4 triệu đồng.

Đây là một quy định mới của nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-8.

“Không đồng tình nhưng vẫn tuân thủ”

Theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội, vấn đề quan trọng nhất để nâng cao chất lượng tham gia giao thông là xuất phát từ con người. Cụ thể, việc giáo dục, tuyên truyền pháp luật và ý thức cho người dân cần được chú trọng hàng đầu, bên cạnh đó là kết hợp cùng nhiều giải pháp khác.

“Tuy nhiên, việc bắt buộc niêm yết khẩu hiệu này là không cần thiết. Đây là khẩu hiệu nên nó mang tính chất tuyên truyền, động viên mọi người làm theo. Ngoài ra, Luật Giao thông đường bộ không buộc kinh doanh vận tải hành khách phải có khẩu hiệu” - ông Liên giải thích.

Ông Liên còn cho rằng tai nạn giao thông xảy ra đối với tất cả loại xe, kể cả xe khách, xe tải, ô tô cá nhân và xe máy, thậm chí người đi bộ. Vậy phải chăng quy định tất cả đối tượng này đều phải niêm yết?

Theo ông Liên, sau khi có quy định này, nhiều người không đồng tình nhưng hiện nay gần như 100% các tài xế trong hiệp hội đã dán khẩu hiệu.

Nói về vị trí dán khẩu hiệu, ông Nguyễn Hiếu Trung, tài xế HTX Sao Việt (quận 6, TP.HCM), cho biết ông chạy xe hợp đồng, du lịch và hay bị CSGT dừng xe kiểm tra, trong đó có việc dán khẩu hiệu “Tính mạng con người là trên hết”. “Tôi dán ở trên bảng tablo (bảng đồng hồ của xe) thì họ nói khó nhìn thấy. Dán bên hông cửa xe, trên cao, phía tay trái thì bị vặn là chỉ nhìn thấy khi bước lên xe. Hơn nữa, khi lái xe thì không thể vừa lái xe vừa ngó sang trái, mất tập trung. Còn nếu dán ở kính trước ngang tầm trán thì bị phạt về hành vi dán/để vật chướng ngại làm mất tầm nhìn, gây nguy hiểm khi lái xe” - ông Trung lắc đầu kể.

Khẩu hiệu được nhiều tài xế xe tải coi là “bùa phòng thân”. Ảnh: LƯU ĐỨC

Một trường hợp dán khẩu hiệu đúng vị trí nhưng chưa chuẩn về kích cỡ. Ảnh: LƯU ĐỨC

“Yêu cầu cần thiết”

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Ô tô vận tải Việt Nam, cho hay ông rất ủng hộ quy định này, bởi tai nạn giao thông vẫn diễn biến rất phức tạp và một trong các nguyên nhân chính là do các lái xe thiếu ý thức. Theo ông Thanh, yêu cầu dán khẩu hiệu vốn đã được quy định tại thông tư của Bộ GTVT. Lâu nay chưa phạt nhưng giờ có quy định xử phạt nên gặp phản đối là dễ hiểu.

“Theo tôi, việc bắt buộc dán khẩu hiệu là cần thiết vì để nhắc nhở tài xế phải đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông. Có ý kiến nói rằng quy định mang tính hình thức song tôi thấy tất cả việc cổ động, tuyên truyền đều mang tính hình thức. Cái gì cần thiết thì vẫn nên làm” - ông Thanh nói.

Hơn thế, việc dán khẩu hiệu sẽ khiến các tài xế khi vừa đặt chân lên xe, ngồi sau vô lăng nhìn thấy ngay. Nó sẽ nhắc nhở tài xế phải ý thức được sự an toàn của bản thân và hành khách. Hiệu quả là vậy trong khi  việc dán khẩu hiệu rất đơn giản, không hề tốn kém.

Tương tự, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia, cho rằng đối với hoạt động vận tải hành khách thì không chỉ bắt buộc dán khẩu hiệu trên mà còn có nhiều yêu cầu khác như số điện thoại, đường dây nóng... “Quy định này là cần thiết, nhằm nhắc nhở tài xế phải chú trọng việc đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông” - ông Hùng lý giải thêm.

Không nên phạt  

Từ quy định dán khẩu hiệu của Thông tư 63/2014 làm phát sinh nạn xe “vua” có dán các logo và khẩu hiệu trên trước xe. Cụ thể, ngày càng có nhiều xe tải gắn các bảng đỏ chữ vàng với câu: “Lái xe an toàn - Tính mạng con người là trên hết”.

Nghị định 46 chỉ quy định xử phạt đối với các loại xe kinh doanh chở khách, không phạt xe tải, xe container. Vậy sao nhiều tài xế, chủ xe tải, xe container rối rít mua cái bảng hiệu nền đỏ chữ vàng đó dán vào? Phải chăng từ quy định gắn khẩu hiệu này làm cho nạn mua bán logo đi đường bùng phát mạnh.

Một khi tệ nạn này nở rộ thì có thể việc mua bán đường càng tăng và đương nhiên lúc đó ATGT càng bị coi thường. Vì vậy, theo tôi nên xem câu “Tính mạng con người là trên hết” là khẩu hiệu phục vụ việc tuyên truyền để các tài xế lái xe cho an toàn hơn.

Ông ĐINH NAM DINH,
Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM

Dán trong xe, ở nơi tài xế dễ thấy

Thông tư 63/2014 của Bộ GTVT đã quy định về kích thước, màu sắc, cỡ chữ của khẩu hiệu. Theo đó, chữ theo kiểu Times New Roman in hoa đậm, cỡ 24. Khẩu hiệu dài 200 mm (dung sai 20 mm), rộng 50 mm (dung sai 15 mm); viền và chữ màu xanh lá đậm trên nền trắng. Khẩu hiệu phải được đặt ở trong xe, ở nơi tài xế dễ nhận biết khi lái xe.

Ông KHUẤT VIỆT HÙNG,
Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm