Tranh chấp kinh tế: Có thỏa thuận cũng phải chọn tòa theo luật

Chuyện tưởng đơn giản nhưng đã làm nhiều tòa địa phương lúng túng với hai luồng quan điểm đối lập…

Một ví dụ tiêu biểu đã được Tòa Kinh tế TAND Tối cao đưa ra để phân tích: Năm 2008, công ty A và công ty B ký hợp đồng mua bán thủy hải sản các loại với số lượng lớn. Trong hợp đồng kinh tế này có một điều khoản được hai bên thỏa thuận là nếu có tranh chấp không tự giải quyết được thì hai bên sẽ cùng nhau đưa ra Tòa Kinh tế TAND tỉnh K (nơi cả A và B đóng trụ sở) để phân xử.

Một: Tôn trọng hợp đồng?

Trong thực tiễn xét xử, đối với trường hợp trên, nhiều thẩm phán cho rằng TAND tỉnh K xử sơ thẩm vụ tranh chấp trên là hợp lý vì thỏa thuận giữa hai công ty không bị pháp luật cấm.

Phân tích sâu hơn, những người ủng hộ quan điểm này nói điểm b khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định các bên đương sự có quyền thỏa thuận lựa chọn tòa án nơi có trụ sở của nguyên đơn để xử sơ thẩm chứ không quy định là buộc phải kiện ở tòa cấp tỉnh hay tòa cấp huyện. Do đó, phải tôn trọng thỏa thuận chọn tòa trong hợp đồng kinh tế mà hai bên đã tự nguyện ký kết.

Ngoài ra một số thẩm phán còn cho rằng tranh chấp những hợp đồng kinh tế có giá trị lớn thường rất phức tạp, đôi khi kéo dài quá trình xét xử. Việc để tòa cấp huyện xử sơ thẩm sẽ khó khăn vì dù đã được tăng thẩm quyền nhưng năng lực của một số thẩm phán vẫn còn hạn chế. Trong khi đó, việc làm ăn của doanh nghiệp thì khẩn trương từng ngày, không giải quyết nhanh sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của họ.

Đồng tình nhưng một thẩm phán chuyên xét xử án kinh tế ở TAND TP.HCM lại tách ra thành hai trường hợp: Nếu điều khoản trong hợp đồng kinh tế chỉ ghi chung chung là hai bên sẽ chọn tòa án có thẩm quyền để giải quyết thì khi ấy Tòa Kinh tế TAND tỉnh K phải hướng dẫn các bên mang đơn về tòa cấp huyện nộp. Còn nếu hợp đồng đã ghi cụ thể là chọn Tòa Kinh tế TAND tỉnh K thì tòa này cứ xét xử sơ thẩm bình thường.

Hai: thụ lý theo thẩm quyền?

Tuy nhiên, ở hướng ngược lại, một số thẩm phán lại nói Tòa Kinh tế TAND tỉnh K không được thụ lý, giải quyết vụ tranh chấp trên vì không đúng thẩm quyền.

Tranh chấp kinh tế: Có thỏa thuận cũng phải chọn tòa theo luật ảnh 1

Các đương sự không thể muốn chọn tòa nào cũng được khi có tranh chấp các hợp đồng kinh tế. Ảnh minh họa: HTD

Lý do là theo Điều 161 Bộ luật Tố tụng dân sự về quyền khởi kiện vụ án thì nguyên đơn có quyền gửi đơn kiện và các chứng cứ liên quan đến tòa án có thẩm quyền để giải quyết. Theo luật, thẩm quyền giải quyết sơ thẩm tranh chấp giữa hai công ty A và B sẽ thuộc TAND cấp huyện ở cả hai nơi mà hai công ty đóng trụ sở. Vì vậy, Tòa Kinh tế TAND tỉnh K phải chuyển đơn kiện đến đúng nơi đúng chốn và báo cho đương sự biết chứ không thể giữ lại để giải quyết.

Những người ủng hộ quan điểm này còn nói việc buộc các tòa phải tuân thủ việc thụ lý theo thẩm quyền sẽ tránh được tình trạng các doanh nghiệp hiểu sai và gửi đơn kiện lung tung không theo địa hạt. Chẳng hạn một công ty ở TP.HCM tranh chấp hợp đồng kinh tế với một công ty ở TP Hà Nội nhưng lại thỏa thuận giải quyết tranh chấp ở TAND TP Đà Nẵng (cả hai đều có văn phòng đại diện ở đây) thì làm sao chấp nhận được.

Theo Tòa Kinh tế TAND Tối cao, lập luận trên là hợp lý và đúng pháp luật. Trong trường hợp cụ thể đã được đưa ra, việc thỏa thuận giữa hai công ty A và B về chọn Tòa Kinh tế TAND tỉnh K giải quyết tranh chấp là không phù hợp với quy định của pháp luật vì tòa án mà hai công ty chọn không có thẩm quyền xử sơ thẩm vụ án. Nếu Tòa Kinh tế TAND tỉnh K đã lỡ nhận đơn kiện thì phải chuyển đơn đến tòa có thẩm quyền hoặc hướng dẫn đương sự tự mang đi nộp.

Còn vướng mắc khác

Theo Tòa Kinh tế TAND Tối cao, hiện nay còn có một số loại tranh chấp khá hi hữu mà các tòa chưa biết áp dụng luật nào để xử.

Đó là tranh chấp liên quan đến trường dạy nghề, dân lập và tư thục (các loại hình tổ chức này chưa được Luật Doanh nghiệp điều chỉnh). Nhiều tòa nói nó là tranh chấp dân sự, áp dụng pháp luật dân sự để giải quyết nhưng nhiều tòa lại bảo phải áp dụng luật chuyên ngành là Luật Doanh nghiệp và Luật Dạy nghề.

Để đương sự thỏa thuận lại

Trường hợp trên, nếu Tòa Kinh tế TAND tỉnh K thụ lý giải quyết theo thủ tục sơ thẩm là chắc chắn không đúng thẩm quyền theo luật. Để tạo thuận lợi cho đương sự thì TAND tỉnh K có thể giải thích để hai doanh nghiệp thỏa thuận lại việc chọn tòa án cho đúng.

Cụ thể, hai doanh nghiệp có thể lựa chọn một trong ba tòa cấp huyện xét xử sơ thẩm tranh chấp là tòa nơi công ty A đóng trụ sở, tòa nơi công ty B đóng trụ sở, hoặc tòa nơi hợp đồng mua bán hàng hóa được ký kết.

Thẩm phán NGUYỄN VĂN TIẾN,Tòa Kinh tế TAND Tối cao phát biểu trong hội thảo góp ý sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự tại TP.HCM hồi tháng 6-2010 

Vẫn xử được nếu phức tạp…

Theo tôi, cũng không nên hiểu máy móc là tất cả yêu cầu của đương sự chọn Tòa Kinh tế TAND cấp tỉnh giải quyết sơ thẩm tranh chấp là đều trái thẩm quyền vì còn phải xét nhiều chuyện khác như vụ án cực kỳ phức tạp hay vụ án có yếu tố nước ngoài...

Cho nên, nếu thuộc các tình huống trên thì chúng ta vẫn nên tôn trọng thỏa thuận giữa công ty A và công ty B về việc chọn tòa tỉnh K giải quyết sơ thẩm.

Một thẩm phán TAND TP.HCM

TÙNG CHI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm