Trên 5.300 người chết và 40.000 người thương tật vì tai nạn lao động

Theo bà Trương Thị Mai, trên thực tế con số trên 5.300 người chết, trên 40.000 người bị thương tật (giai đoạn 2006-2013) vì tai nạn lao động (TNLĐ) ở nước ta chưa phản ánh được đầy đủ mức độ nghiêm trọng và những tổn thất do TNLĐ gây ra. Trong khi hiện cả nước có khoảng 3,5-4 triệu người lao động (NLĐ) đang làm những công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động.

“Với lý do đó, trên cơ sở sửa đổi, bổ sung toàn diện Bộ Luật lao động, Quốc hội đã quyết định xây dựng một luật chuyên ngành về an toàn vệ sinh lao động. Việc xây dựng đạo luật này có vai trò rất quan trọng đối với quá trình phát triển, hoàn thiện hệ thống pháp luật về tiêu chuẩn lao động của Việt Nam. Hướng tới mục tiêu làm việc bền vững, là bước tiến của Việt Nam trong việc thực hiện các công ước của Tổ chức lao động Quốc tế”, bà Mai nói.

Theo bà Mai, dự án Luật An toàn vệ sinh lao động đã được trình Quốc hội xem xét và cho ý kiến lần đầu. Nhiều đại biểu đã cho ý kiến về dự thảo, như : luật phải cụ thể hóa chính sách hỗ trợ, khuyến khích cũng như đưa ra các biện pháp quản lý NLĐ để giảm thiểu rủi ro. Đồng thời, mở rộng đối tượng tham gia chế độ bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp (BNN) theo cả hình thức bắt buộc và tự nguyện. Dự thảo luật lần này bổ sung thêm hai chính sách là : hỗ trợ hoạt động phòng ngừa, chia sẽ rủi ro về TNLĐ-BNN và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị TNLĐ-BNN.

Trên 5.300 người chết và 40.000 người thương tật vì tai nạn lao động ảnh 1

Người lao động làm việc tại các mỏ đá trong một môi trường rất nguy hiểm. LÊ PHI  

Bà Lương Mai Anh (Phó cục trưởng Cục quản lý môi trường bộ y tế) cũng cho biết, tình trạng nghỉ ốm của NLĐ trung bình hàng năm tăng 3%, trong khi đó bệnh bị mắc cao nhất là bệnh bụi phổi silic, điếc và da nghề nghiệp. Những người mắc bệnh chủ yếu tập trung vào các nghề khai khoáng, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, y tế, sản xuất và sử dụng hóa chất.

Góp ý cho dự luật này, lãnh đạo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXHVN) lại cho rằng, việc tham gia BHXH TNLĐ-BNN của NLĐ không có hợp đồng lao động (quy định tại điểm c, khoản 3, điều 7 của dự thảo-PV) là nội dung mới, mang tính nhân văn cao. Tuy nhiên, việc này hết sức phức tạp do liên quan đến quy trình điều tra, xác minh điều kiện để xác định một tai nạn là TNLĐ hoặc một bệnh là BNN cũng như phát sinh nhân sự để tổ chức thực hiện.

“Vì vậy, đề nghị ban soạn thảo cân nhắc, trước mắt chưa nên quy định nội dung này trong luật. Có thể tổ chức thực hiện thí điểm ở một số địa phương để tổng kết đánh giá trước khi luật hóa nội dung này”, lãnh đạo BHXH Việt Nam nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm