Trưởng ban Tuyên giáo: Báo chí phải 'phò chính, trừ tà'

Tại tọa đàm “Phát huy vai trò của báo chí trong đấu tranh chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống” chiều 6-1, Ủy viên Bộ Chính trị Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, đã thẳng thắn nói về báo chí trong công cuộc chống tham nhũng và những biểu hiện suy thoái.

Cân đối thông tin tích cực và tiêu cực 

Theo ông Thưởng, báo chí cần phải cân đối thông tin về những mặt tiêu cực và tích cực.

“Chúng ta không máy móc báo chí phải bảy phần màu hồng, ba phần màu tối. Nhưng nhiều khi tổng kết một năm một tờ báo đưa hơn 150 tin bài về vụ việc xấu, còn tin bài tốt thì rất ít. Điều này làm mất cân đối thông tin” - ông Thưởng nói.

Ông Thưởng cho rằng báo chí vừa phải chống tiêu cực, tham nhũng, suy thoái… nhưng vừa phải xây dựng những điển hình tốt, mô hình hay.

“Tuy thế, khi tuyên truyền cái tốt thì đôi khi nội dung ít, điển hình không cao, sức lan tỏa không lớn, không thường xuyên. Những cái tốt thì đưa ở những vị trí và khung giờ không được độc giả xem nhiều. Nhưng khi đấu tranh chống cái xấu thì nhiều khi báo chí cũng không đạt được tính mạnh mẽ, dũng cảm” - ông Thưởng nói.

Ông Võ Văn Thưởng cho rằng: Báo chí phải "phò chính, trừ tà". Ảnh: CHÂN LUẬN

Lấy ví dụ về một tờ báo đưa lên, rồi rút xuống, rồi lại đưa lên thông tin về Trịnh Xuân Thanh trong những ngày đầu, ông Thưởng nhận định: “Đó là biểu hiện của thiếu dũng cảm và kiên định. Dĩ nhiên, đây là một trận địa khó khăn nhưng đòi hỏi dũng khí và kiên định. Báo chí phải “phò chính, trừ tà”, đấu tranh vì chính nghĩa chứ không phải là đánh đấm” - ông Thưởng khẳng định.

Theo ông Thưởng, nếu mỗi nhà báo tuân thủ nghiêm pháp luật, sống gương mẫu, lao động nghề nghiệp cẩn trọng và nghiêm túc thì mỗi tin tức, bài báo thuyết phục trong thực tế nhiều hơn và bài viết sẽ có giá trị lay động trong xã hội.

Tuy vậy, ông Thưởng cũng cho rằng nhận thức của một bộ phận các cấp ủy, chính quyền, cơ quan chủ quản, lãnh đạo, chỉ đạo báo chí… về vai trò của báo chí trong đấu tranh tự chuyển hóa, diễn biến, suy thoái còn hạn chế. Đồng thời quy định, cơ chế chỉ đạo, công khai cung cấp thông tin, phối hợp với báo chí trong chống tham nhũng còn chưa đủ, chưa rõ, làm cho phóng viên không an tâm trong tác nghiệp.

“Tôi rất chia sẻ điều này với anh em báo chí” - ông Thưởng nhấn mạnh.

"Tham nhũng, suy thoái cướp cơ hội phát triển"

Sắp tới, theo ông Thưởng, các cơ quan chủ quản báo chí, lãnh đạo báo chí cần quán triệt sâu sắc hơn nữa nội dung tinh thần của nghị quyết Trung ương 4, nhận thức sâu sắc, đầy đủ về các biểu hiện của suy thoái, tham nhũng, tự chuyển biến. “Báo chí cần tuyên truyền đây là cuộc đấu tranh cam go, quyết liệt nhưng nó rất quan trọng và phải có kết quả, vì không có kết quả thì sẽ ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ và không có Nghị quyết Trung ương 4 lần sau” - ông Thưởng nhấn mạnh.

Ông Thưởng cũng cho rằng việc chỉ đạo, cung cấp thông tin cho báo chí phải thông suốt, thống nhất kịp thời. “Vừa rồi, cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng Tổng Bí thư đã phân công cho Ban Nội chính điều chỉnh, giải mật tài liệu để gửi cho các cơ quan. Càng công khai, minh bạch thì càng huy động được sức mạnh trong đấu tranh phòng chống tham nhũng” - ông Thưởng nói.

Trước đó, Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, MTTQ Việt Nam, Ban Tuyên giáo trung ương và Hội Nhà báo Việt Nam, báo chí có vai trò rất quan trọng và gắn chặt với nhau.

Ông Nguyễn Thiện Nhân: "Tham nhũng, suy thoái cướp mất cơ hội phát triển của đất nước". Ảnh: CHÂN LUẬN

Một cách thẳng thắn, ông Nhân cho rằng: “Nếu không chống tham nhũng, suy thoái ngay bây giờ thì không có ngày mai. Vì tham nhũng và suy thoái đe dọa tới tồn vong của đất nước. Nếu không quyết tâm thì sẽ không thể có Nghị quyết Trung ương 4 lần thứ 2. Bởi khi đó đó suy thoái và tham nhũng sẽ gây biến động trong xã hội và cướp đi cơ hội phát triển của đất nước”.

Đồng thời, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng đề nghị báo chí phải “khuấy động” và hình thành phong trào nhân dân tham gia thực hiện nghị quyết. “Đây là cuộc đấu tranh góp phần hình thành quyết tâm cao”.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.