Tuổi Công Phượng và quyền bí mật đời tư

 Những giấy tờ nhân thân của Công Phượng.

Từ sự kiện này nảy sinh vấn đề mà nhiều người thắc mắc: Tên, tuổi, nhân thân, quá trình học tập... có phải là thông tin bí mật đời tư của một cá nhân? Nếu nó là bí mật đời tư thì được bảo vệ như thế nào? Có sự phân biệt nào giữa đời tư của một công dân bình thường và đời tư của một người nổi tiếng, người của công chúng?

PLO đã tìm gặp các luật sư để giải đáp những câu hỏi này.

Hiểu sao về quyền bí mật đời tư?

Theo Điều 38 BLDS, quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý. Thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.

Bí mật đời tư gồm những thông tin nào?

Theo LS Nguyễn Thạch Thảo (Đoàn Luật sư TP.HCM), hiện nay pháp luật Việt Nam chưa có qui định rõ ràng thế nào là bí mật đời tư. 

Như thế nào là vi phạm đời tư và các hình thức chế tài liên quan?

LS Thảo cũng cho biết theo Điều 21 Hiến pháp 2013, Điều 38 BLDS và Điều 46 Luật Giao dịch điện tử thì quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư cá nhân phải được người đó đồng ý, trừ trường hợp pháp luật có qui định khác. 

Điều 125 BLHS quy định về tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác cũng quy định: “Người nào chiếm đoạt thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính hoặc có hành vi trái pháp luật xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ một triệu đồng đến năm triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm. Nếu nặng hơn thì khung hình phạt có thể lên đến từ ba tháng đến hai năm tù theo khoản 2 Điều 125”.

Quyền bí mật đời tư của những người bình thường có khác với quyền đời tư của những người nổi tiếng - người của công chúng? 

Trả lời câu hỏi này, ý kiến các luật sư chia thành hai luồng quan điểm trái ngược nhau. 

Chẳng có gì là vi phạm đời tư cả!

LS Nguyễn Duy Bình (Đoàn Luật sư TP. HCM), LS Trần Cao Đại Kỳ Quân (Đoàn Luật sư Đồng Nai) và thạc sĩ Nguyễn Trương Tín (giảng viên khoa Luật Dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM) đồng quan điểm cho rằng: 

“Chẳng có gì xâm phạm về vấn đề bí mật đời tư cả bởi Công Phượng là một cầu thủ quốc gia nên phải chấp nhận chuyện đời tư được nhiều người quan tâm. Về pháp lý, theo khoản 1 Điều 38 BLDS thì quyền này được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ nhưng phạm vi gồm những quyền nào chưa được xác định rõ. Còn theo khoản 2 điều này thì thì việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư phải được đồng ý, tuy nhiên trừ trường hợp có quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. 

Hiện tại, phạm vi những thông tin, tư liệu thuộc quyền về bí mật đời tư còn có nhiều quan điểm khác nhau do pháp luật chưa xác định rõ (trừ khoản 3 Điều 38 BLDS). Như vậy, quyền về ngày, tháng, năm sinh, quá trình học tập của Công Phượng không còn thuộc bí mật đời tư nữa nữa khi mà thông tin này đã được công khai từ khi đăng ký khai sinh đến khi trưởng thành và các bên liên quan đã công bố trong thời gian qua và Công Phượng đã ngầm đồng ý. 

Trường hợp này, nếu cho rằng những thông tin đó vẫn còn là bí mật đời tư thì căn cứ theo khoản 2 Điều 38 BLDS và chức năng của báo chí thì báo chí có quyền và nghĩa vụ thu thập, phản ánh thông tin”…

LS Bình nói thêm: “Xét về thân thế, Công Phượng mang trọng trách và uy tín cho quốc gia thì phải chấp nhận những điều đó (phục vụ lợi ích nhà nước, lợi ích công cộng). Nếu so sánh thì Công Phượng phần nào giống các vị ĐBQH ở vị thế là người của công chúng nên phải chấp nhận để nhân dân giám sát, kể cả bí mật đời tư. 

Báo chí vào cuộc là góp phần phản ánh sự thật khách quan. Một công dân bình thường cũng có quyền phản ánh, phản biện, đấu tranh khi thấy có hiện tượng xấu để góp phần bảo vệ sự trong sạch của xã hội, bảo vệ pháp luật và danh dự của đất nước, dân tộc mình. 

Chúng ta hãy xem Công Phượng bình thường như những cá nhân khác. Khi một cá nhân bước vào một vị trí quan trọng trong xã hội thì cần phải để mọi người giám sát. Ví dụ: tôi đã chấp nhận ngồi vào ghế Tổ trưởng tổ dân phố thì tôi phải chịu giám sát của người dân có liên quan. Nếu không, tốt nhất tôi không nên làm..."

Ý kiến khác: Đã xâm phạm bí mật đời tư

Ở một góc nhìn khác, LS Nguyễn Thạch Thảo (Đoàn Luật sư TP.HCM) lại cho rằng dù người đó là ai, nổi tiếng hay không nổi tiếng thì cũng đều phải được tôn trọng bí mật đời tư và bình đẳng trước pháp luật. Như vậy, việc điều tra và cập nhật thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng khi chưa có căn cứ pháp lí rõ ràng và có những kết luận mang tính áp đặt ý chí chủ quan là Công Phượng đã gian lận tuổi có thể coi như việc soi mói đời tư cá nhân của Công Phượng. Việc làm này đã vi phạm quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư và những bí mật cá nhân được Hiến pháp và pháp luật bảo vệ.

Đồng tình, LS Đặng Thành Trí (Đoàn Luật sư TP.HCM) và LS Trương Đình Công Vĩnh (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng: “Pháp luật hiện hành không có sự phân biệt giữa “người của công chúng” và ‘người bình thường” trong quyền được bảo vệ về đời tư và thông tin cá nhân. 

Đối chiếu với quy định của Điều 38 BLDS thì việc công bố thông tin, tư liệu về đời tư của Công Phượng như giấy khai sinh, học bạ… của các cơ quan báo chí trong những ngày qua khi không có yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền và cũng không được sự đồng ý của Công Phượng là hoàn toàn vi phạm pháp luật. Do đó, theo tôi Công Phượng có quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc các cơ quan báo chí vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi và bồi thường thiệt hại (nếu có)”.

Họ đã nói:

Vì sự phát triển của một tài năng mà hãy kiềm chế

Báo chí điều tra rất cần đi đến tận cùng sự việc để cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng. Tuy nhiên, báo chí hoàn toàn không có quyền kết luận thay cơ quan chức năng. Khi cơ quan chức năng công bố kết luận cuối cùng thì báo chí nói về đóng góp của mình cũng chưa muộn.

Chúng ta hãy vì sự phát triển của một tài năng mà kiềm chế và nên đóng góp vào một chuẩn mực chung trong xã hội.


Đại biểu Quốc hội
Dương Trung Quốc


Đi sâu quá có thể làm họ bị tổn thương

Nên dừng lại ở những thông tin có lợi chung cho mọi người, không làm tổn hại đến cá nhân, danh dự của một người nào đó nếu chưa có phán xét, kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng. Nếu đi sâu quá vào đời tư của người khác thì có thể khiến họ bị tổn thương. Phải cân đối thế nào để không ảnh hưởng tới tâm lý một tài năng mới nở, thậm chí nếu làm thui chột thì rất không hay. Báo chí nên tôn trọng tài năng, những cống hiến thực sự của người ta…

Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục,
Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng
 

(Trích các phát biểu trên báo chí bên lề hành lang Quốc hội)

*** 

Những ý kiến phân tích chuyên sâu về vấn đề pháp lý thú vị "quyền bí mật đời tư của những người nổi tiếng" sẽ tiếp tục được Pháp Luật TP.HCM đăng tải trên báo giấy số ra ngày mai 20-11, kính mời bạn đọc đón theo dõi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm