Tuồn rác thải y tế ra ngoài

Sáng 8-3, nhận được thông tin từ PV báo Pháp Luật TP.HCM, UBND phường Tây Thạnh (quận Tân Phú, TP.HCM) đã kiểm tra điểm chứa rác thải y tế của ông Huỳnh Thanh Liêm tại địa chỉ 42/25 Lê Trọng Tấn - nơi ông Liêm thuê ở.

Mỗi ngày gom một bao tải

Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra ghi nhận một bao tải to đùng đựng đầy chai nhựa truyền dịch, ống chích…, trong đó không ít ống chích dính máu. Khai với đoàn kiểm tra, ông Liêm cho biết số rác y tế nguy hại nói trên được lấy từ BV Chấn thương-Chỉnh hình TP.HCM.

Theo ông Liêm, ông chỉ là người nhặt ve chai. Do quen biết với một số nhân viên Công ty Môi trường-Đô thị TP nên ông được những người này giao chìa khóa buồng chứa rác thải sinh hoạt. Buồng chứa rác thải sinh hoạt của BV Chấn thương-Chỉnh hình có hai cửa, một cửa nằm bên trong bệnh viện, một cửa nằm phía ngoài đường Trần Hưng Đạo. Chìa khóa cửa nằm bên trong bệnh viện do nhân viên bệnh viện giữ. Chìa khóa cửa nằm ngoài đường do nhân viên Công ty Môi trường-Đô thị TP.HCM giữ.

Sáng sớm mỗi ngày ông Liêm cùng vợ mở cửa buồng chứa rác thải sinh hoạt để sắp xếp rác cho gọn, đồng thời nhặt nhạnh những thứ có thể bán được. Khoảng 7 giờ 30 hằng ngày, sau khi xe của Công ty Môi trường-Đô thị TP.HCM đến lấy rác, ông Liêm lôi bao tải chứa rác y tế được “ém” trong buồng chứa rác thải sinh hoạt chất lên xe máy chở về nhà. “Rác y tế đựng trong bao là do ông Lê Quang Minh và ông Lê Văn Hòa (nhân viên vệ sinh của Công ty Cổ phần Dịch vụ-Thương mại-Công nghiệp Hoàng Gia - công ty làm dịch vụ vệ sinh của bệnh viện) thu gom và cho vào bao sẵn. Trung bình hai ngày thì tôi trả cho ông Minh và ông Hòa 30.000-40.000 đồng” - ông Liêm khai thêm. Toàn bộ rác thải y tế nói trên được bán cho chủ vựa ve chai ở đường Hậu Giang (quận 6, TP.HCM) với giá 15.000 đồng/kg.

Tuồn rác thải y tế ra ngoài ảnh 1

Ông Liêm bên bao đựng đầy ống chích, trong đó nhiều ống chích dính máu. (Ảnh chụp sáng 8-3) Ảnh: TRẦN NGỌC

Tuồn rác thải y tế ra ngoài ảnh 2

Ông Liêm đang chở rác thải y tế nguy hại từ BV Chấn thương-Chỉnh hình về nhà. (Ảnh chụp lúc 8 giờ ngày 7-3) Ảnh: TRẦN NGỌC

Mặc dù bị ông Liêm khai tên nhưng ông Minh và ông Hòa phủ nhận việc thu gom và cho sẵn rác thải y tế vào bao. “Do buồng chứa rác thải y tế nguy hại nằm cạnh buồng chứa rác sinh hoạt nên biết đâu có người lấy rác thải y tế cho vào bao tải rồi mang để bên buồng chứa rác thải sinh hoạt” - ông Minh nói.

Tuy vậy, ông Minh và ông Hòa thừa nhận rằng thỉnh thoảng được ông Liêm “cho tiền uống cà phê” và không lý giải được lý do.

Sẽ làm rõ cá nhân sai phạm

Ông Đỗ Trọng Thủy, Trưởng phòng Hành chính, BV Chấn thương-Chỉnh hình TP.HCM, khẳng định: “Trước đây tại BV Chấn thương-Chỉnh hình TP.HCM cũng xảy ra chuyện nhân viên tuồn rác thải y tế nguy hại ra ngoài. Nay do bệnh viện quản lý rất chặt từ khâu phân loại đến nơi tập kết rác nên không thể xảy ra việc này nữa”. Chìa khóa phía ngoài cửa buồng chứa rác thải sinh hoạt được giao cho nhân viên của Công ty Môi trường-Đô thị TP.HCM giữ để thuận tiện việc sắp xếp, vận chuyển rác. “Việc tuồn rác thải y tế chỉ có những người ngoài bệnh viện thực hiện. Chúng tôi sẽ sớm làm việc với Công ty Môi trường-Đô thị TP.HCM để làm rõ vụ việc” - ông Thủy nói. Ông Thủy cũng xác nhận: BV Chấn thương-Chỉnh hình TP.HCM có ký hợp đồng với Công ty Hoàng Gia để dọn dẹp vệ sinh và thu gom rác thải y tế. Ông Minh và ông Hòa đúng là người của Công ty Hoàng Gia.

Trao đổi qua điện thoại, ông Nguyễn Minh Sơn, Phó Giám đốc Công ty Môi trường-Đô thị TP.HCM, cho biết sẽ làm việc với những nhân viên có trách nhiệm thu gom và vận chuyển rác thải y tế ở BV Chấn thương-Chỉnh hình.

Ông Vũ Ngọc Huy, phụ trách tổ vệ sinh của Công ty Hoàng Gia, cũng cho biết sẽ báo cáo vụ việc cho lãnh đạo công ty để xử lý cá nhân vi phạm.

Về cá nhân ông Liêm, ông Trần Huy Hoàng, Phó Chủ tịch UBND phường Tây Thạnh (quận Tân Phú), cho biết: Xét hoàn cảnh của ông Liêm cũng nghèo khó, ông Liêm cũng không biết đó là rác thải y tế nguy hại nên phường đã nhắc nhở ông Liêm. Với số rác nói trên, phường sẽ liên hệ Công ty Môi trường- Đô thị để làm thủ tục tiêu hủy.

Theo quy định của Bộ Y tế, chai nhựa truyền dịch có thể tái chế nên thuộc nhóm rác thải thông thường. Tuy nhiên, ống chích (đặc biệt ống chích dính máu) thuộc nhóm rác y tế nguy hại, có nguy cơ lây nhiễm cao nếu xử lý không đúng quy trình. Nếu rác thải thông thường để chung rác thải y tế nguy hại thì hỗn hợp chất thải đó phải được xử lý và tiêu hủy như rác thải y tế nguy hại.

Bộ Y tế cũng cấm chuyển giao rác thải y tế cho tổ chức, cá nhân không có tư cách pháp nhân hoạt động trong lĩnh vực quản lý chất thải, cấm buôn bán rác thải y tế nguy hại.

Thạc sĩ HOÀNG THỊ NGỌC NGÂN, Trưởng khoa Sức khỏe cộng đồng thuộc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM

TRẦN NGỌC - THÁI HIẾU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm