Vấn đề của bóng đá VN: Khi VFF ‘một mình một chợ’…

Ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục TDTT, nói ông vốn xuất thân là vận động viên bóng đá nên nhìn cầu thủ đá kiểu gì là biết ngay. Vấn đề là ban tổ chức giải xử lý kiểu nào, giải quyết ra sao?

Ông Phấn kể cứ mỗi lần bộ môn bóng đá có chuyện là Bộ VH-TT&DL lại gửi công văn hỏa tốc xuống Tổng cục TDTT và đích thân ông lại phải ký giải trình. “VPF cũng nên tính lại xem tại sao lại phải dùng trọng tài ngoại ở một số trận? Nói phức tạp và nhạy cảm thì phải làm cách nào cho hết nhạy cảm chứ. Sắp tới, Tổng cục TDTT sẽ chủ trì một “hội nghị Diên Hồng” để bàn mọi việc về bóng đá Việt Nam”.

Có phần kiên quyết hơn, Tổng Cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng nói: “Tổng cục TDTT không thể để tình hình bóng đá diễn biến theo chiều hướng bị dư luận phàn nàn nhiều như hiện nay. Ngoài việc tổ chức hội nghị lắng nghe ý kiến của lãnh đạo các CLB, các chuyên gia bóng đá, các cổ động viên, các nhà báo thể thao và các giới tâm huyết khác với bóng đá, Tổng cục sẽ chỉ đạo VFF chấn chỉnh lại bộ máy quản lý và điều hành”.

 
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết các giải chuyên nghiệp. Ảnh: Q.THẮNG

Lâu nay, viện cớ nếu cơ quan quản lý nhà nước can thiệp sâu vào chuyên môn và tổ chức sẽ bị FIFA phạt, thành ra nhiều lúc VFF bị dư luận phê phán đã tự tấn phong cho mình được nhiều quyền, tổ chức này như một “tháp ngà” riêng. Trong khi đó, ai cũng thấy trình độ của VFF phát triển thấp so với mặt bằng xã hội - như nhận định của nguyên Chủ tịch VFF Mai Liêm Trực - nên không tranh thủ được các nguồn lực cũng như thiện chí đặc biệt xã hội dành cho bóng đá, để đưa nền bóng đá phát triển, khiến dư luận mất niềm tin.

Cho nên sau khi nhiều đội bóng truyền thống bị gạch tên hoặc tồn tại lao đao, vai trò của các địa phương với bóng đá mờ nhạt, tiền thưởng chỉ mang tính động viên thì việc cơ quan quản lý nhà nước quản lý chặt chẽ “đứa con cưng bóng đá” hơn là cần phải làm.

Chúng ta có thể thấy bất cứ địa phương nào, sự sống còn của đội bóng đã phụ thuộc cốt tử vào ông bầu, doanh nghiệp. Nếu họ rút “ống thở”, lập tức đội bóng chao đảo. Quyền lực của các ông bầu quá lớn nên nhiều khi cầu thủ chỉ còn biết nhìn thái độ của ông chủ mình mà đá, quên mất khán giả và lãnh đạo địa phương vô cùng quan trọng.

Trong bối cảnh kinh tế đang khó khăn, đến ông Phó Tổng Giám đốc phụ trách vận động tài trợ Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) Phạm Phú Hòa còn kêu ca đi xin tài trợ, quảng cáo giờ như “đi ăn mày thôi, phải xin xỏ để họ rút hầu bao cho bóng đá” thì việc doanh nghiệp tham gia tài trợ mang tính thời vụ với bóng đá là đa số. Sau mỗi cuộc chia tay giữa doanh nghiệp và bóng đá, là những tổn thất rất lớn cho các CLB.

Thế nên việc đại diện Tổng cục TDTT tuyên bố sẽ siết lại VFF, tổ chức “hội nghị Diên Hồng bóng đá”, không thể để “theo chiều hướng xấu” là động thái tích cực, quá cần thiết.

Hy vọng việc chấn chỉnh lại nền bóng đá Việt Nam của đại diện Tổng cục TDTT sẽ chấm dứt cảnh “một mình một chợ” của VFF sau 15 năm làm chuyên nghiệp đi mãi vẫn chưa thành đường.

"VFF không thể là thành trì bất khả xâm phạm”

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn đã nhấn mạnh như thế và phân tích: “Bóng đá hoạt động theo quy định, quy chế chung của FIFA nhưng phải phụ thuộc vào đặc điểm thực tế, tình hình chính trị, văn hóa, xã hội,… của từng nước, không thể có chuyện các liên đoàn muốn điều hành ra sao thì ra. Phải có sự quản lý, chỉ đạo, định hướng về mặt nhà nước, đấy là điều không phải bàn cãi”.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy