Chuyện lạ ở VFF - Bài 3:

VFF sai luật hay không biết luật?

Tại Đại hội thường niên VFF, ủy viên có uy tín trong làng bóng Việt Nam Nguyễn Hồng Thanh (SL Nghệ An) đứng lên nói thẳng, nói thật: “Tôi có cảm giác VFF đang hoạt động giống công ty TNHH hai thành viên và đề nghị những nhà điều hành bóng đá nên xem lại bởi tổ chức bóng đá ở VFF đã không hoạt động theo quy định tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách!”.

Đang mùa giải, phó chủ tịch chuyên môn đi nước ngoài coi đá bóng

Phát biểu của ông Thanh nêu lên vào thời điểm VFF nhiệm kỳ VII dồn quyền lực quanh hai nhân vật là Chủ tịch Lê Hùng Dũng và Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn Trần Quốc Tuấn. Xuất phát từ công văn “phong chức” trái quy định mà ông Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng “cấp quyền” cho Phó Chủ tịch chuyên môn Trần Quốc Tuấn thành phó chủ tịch thường trực (chức danh này không có trong điều lệ VFF và cũng không tồn tại trong quy định của FIFA) thay mặt chủ tịch điều hành công việc. Cũng từ việc cấp quyền trái với điều lệ VFF và quy định của FIFA mà sau đó trong nội bộ VFF nảy sinh nhiều vấn đề mà chính Ủy viên Nguyễn Hồng Thanh đã chỉ ra: “Chủ tịch VFF giao cho phó chủ tịch thường trực và phụ trách cả chuyên môn lẫn bóng đá chuyên nghiệp nhưng thiếu trách nhiệm đến độ 28 đội V-League và hạng Nhất cùng ban tổ chức lẫn VFF ngồi lại bốc thăm, tranh luận về công tác chuyên môn mà ông “phó trực” đấy lại thản nhiên đi nước ngoài xem đá bóng (!?)”. Ông Thanh còn đặt thẳng vấn đề: “Một người giữ 14-15 chức trong FIFA lẫn AFC, AFF và VFF nên được phong là “anh hùng liên đoàn”, tại sao lại vẫn để kiện tụng, để bị tố cáo mà Tổng cục TDTT và lãnh đạo liên đoàn không đối chất làm rõ, trong khi bên tố cáo cũng là người của liên đoàn sẵn sàng đối chất cơ mà!”.

Ông Thanh còn lên tiếng những vấn đề chưa được của bộ máy nhiệm kỳ VII như đội tuyển đang thi đấu trên sân mà lãnh đạo VFF gọi điện thoại cho PV nói là cầu thủ bán độ thì làm sao có thể điều hành tốt và có niềm tin được.

Lãnh đạo VFF tại hội nghị Ban chấp hành VFF.

Thuê HLV, phó chủ tịch phụ trách tài chính không được biết

Bi hài nhất là chuyện “công ty TNHH hai thành viên” lên kế hoạch thuê HLV Toshiya Miura người Nhật mà không thông qua các quy định, quy chế cần thiết trong việc tuyển chọn HLV cho đội tuyển. Bằng chứng là sau đó, chính Phó Chủ tịch tài chính Đoàn Nguyên Đức đã lên tiếng qua chia sẻ với giới truyền thông: “Ông Miura ở đâu đến và là ai? Ai thuê ông ấy thế nào và thuê với chi phí, mức lương bao nhiêu mà tại sao tôi là phó chủ tịch phụ trách tài chính mà tôi không biết?”.

Cũng từ sự bất bình trên, đặc biệt sau thất bại của đội U-23 Việt Nam tại SEA Games 2015, vị phó chủ tịch phụ trách tài chính này nói rằng ông sẵn sàng cho “nổ bom” trong hội nghị Ban chấp hành năm 2016. Biết là bầu Đức vì bóng đá thực sự và bất bình nên sẵn sàng cho “nổ” nên “công ty TNHH hai thành viên” đã chấp nhận để bầu Đức chủ trì hội nghị lấy phiếu sa thải ông Miura trước thời hạn.

Việc bầu Đức điều hành hội nghị VFF khiến nhiều người ngạc nhiên bởi ông bầu này rất ít xuất hiện và chủ trì ở các phiên họp bóng đá. Tuy nhiên, sau đó thì ai cũng hiểu chỉ có bầu Đức mới chủ trì được vì liên quan đến việc sa thải HLV mà trước đó ông chủ tịch VFF và phó chủ tịch phụ trách chuyên môn đã nhúng tay quá sâu vào “đạo diễn hợp đồng thuê thầy ngoại” không thành công.

Trước hội nghị này, Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đang ăn sáng, uống cà phê với mọi thành viên tại khách sạn Đệ Nhất (TP.HCM) thì sát thời điểm khai mạc hội nghị, ông Dũng bất ngờ báo mệt không thể điều hành và quyền chủ trì hội nghị được trao cho Phó Chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức (!?). Dưới tay bầu Đức chủ trì (lần duy nhất tại VFF), đây là lần hiếm hoi mà VFF thực hiện đúng quy định “tập thể lãnh đạo, cá nhân thực hiện” khác với hàng loạt cái sai trước đây.

“Phi vụ” hợp đồng với HLV Miura mà phó chủ tịch phụ trách tài chính không biết thuê bao nhiêu. Ảnh: X.HUY - Q.THẮNG

Dán miệng phó chủ tịch phụ trách truyền thông

Việc lạm quyền và đưa ra quyết định sai luật ở VFF cũng từng tốn nhiều giấy mực, đó là chức danh phó chủ tịch phụ trách truyền thông của ông Nguyễn Xuân Gụ được đại hội bầu chọn nhưng ông Gụ làm ở vị trí đấy không lâu thì bị giáng xuống một văn bản “không được quyền phát ngôn”. Văn bản đấy do chính Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng ký, đồng thời khẳng định quyền phát ngôn chính thức của VFF hoặc là do chủ tịch hoặc là Tổng Thư ký Lê Hoài Anh (!?). Điều này rõ ràng là vi phạm điều lệ bởi các chức danh phó chủ tịch chuyên trách là do ban chấp hành tín nhiệm bầu chọn để lãnh đạo và thực hiện thì việc tước quyền trao cho người khác thực hiện việc chuyên trách đấy nếu có cũng phải do ban chấp hành biểu quyết.

Cũng may là mãi cho đến trước SEA Games 29, tức chỉ còn hơn nửa năm nữa là hết nhiệm kỳ VII, thì văn bản “dán miệng” ông phó chủ tịch phụ trách truyền thông đấy mới được cởi bỏ và người ký cũng chính là Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng.

VFF có mất đoàn kết?

Một lần trong cuộc gặp gỡ cuối năm giữa VFF với giới truyền thông ở khu vực phía Nam tại khách sạn Đệ Nhất (TP.HCM), PV Pháp Luật TP.HCM từng hỏi thẳng các vị trong thường trực VFF: “Các anh hãy nói thẳng, nói thật là các anh có mất đoàn kết hay không?”. Trả lời câu hỏi trên các thành viên của thường trực VFF cứ ậm à, âm ừ rồi nói nước đôi là: “Chúng tôi chưa hiểu nhau chứ không mất đoàn kết!”.

Cũng cần biết trước khi ban hành văn bản mới xóa hiệu lực của văn bản sai trái trước đó thì Chủ tịch Lê Hùng Dũng đã công khai xin lỗi ông Nguyễn Xuân Gụ trong cuộc họp thường trực tại TP.HCM. Lời xin lỗi mang ý của việc vì bệnh và vì quá tin vào cấp dưới mà mình giao phó nên nhiều lúc văn bản nào trình ông cũng ký (!?).

Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lê Bửu chia sẻ: “Khi nghe thông tin về người của VFF kiện hai lãnh đạo VFF nhận hối lộ và lùm xùm suốt thời gian dài, tôi đau lắm chứ. Tôi vẫn nói với mọi người, đặc biệt là các anh em làm bóng đá, là dù nghe tố cáo nhưng cần phải cân nhắc và đừng vội suy diễn. Khi tố cáo tiêu cực thì phải có chứng cứ. Tôi nói như thế bởi bây giờ, chuyện nội bộ đấm đá nhau, gài bẫy nhau vì cái chức, cái quyền xảy ra quá nhiều. Tôi nghĩ với ông Lê Hùng Dũng một vài trăm triệu đồng chẳng là gì cả. Nhận hối lộ như thế để làm gì. Cái chính là chọn người và ngồi đúng vị trí để phát triển một nền bóng đá. Ông Dũng từng là doanh nghiệp ngồi vào điều hành bóng đá mà ở thường trực VFF thì chỉ có duy nhất cậu Tuấn là người có chuyên môn, được đi học ở Nga về. Không chỉ cậu Tuấn được Tổng cục TDTT biệt phái sang liên đoàn mà nhiều người cũng từ tổng cục sang đá hai chân như thế thì phải hỏi lại lãnh đạo của Tổng cục TDTT, hỏi lãnh đạo của Bộ VH-TT&DL. Làm ngành thể thao mà giữ chỗ ở tổng cục rồi sang liên đoàn ngồi nhiều ghế như thế thì rất nguy hiểm cho thể thao nói chung và bóng đá nói riêng. Tất nhiên qua đó mọi người, mà cụ thể là tôi, cũng có quyền đặt dấu hỏi vì sao Bộ VH-TT&DL và Tổng cục TDTT lại dễ dãi với cán bộ của mình như thế. Người của Tổng cục TDTT, ăn lương nhà nước, lương tổng cục, lấy suất biên chế của ngành rồi lại tràn sang liên đoàn quá nhiều. Cán bộ ở tổng cục hay của Trường ĐH TDTT chẳng lẽ cứ giữ chỗ ở đấy, ăn lương ở đấy rồi đi phục vụ tìm quyền, tìm chức ở nơi khác à!”.

Cấp biển xanh cho xe của VFF là sai quy định!

Ngày 28-12, Pháp Luật TP.HCM nhận được văn bản trả lời của Cục CSGT (C67) Bộ Công an về việc đăng ký, cấp biển số xe cho VFF. Theo văn bản này, căn cứ Thông tư 15/2014 của Bộ Công an quy định về đăng ký xe thì C67 được giao tổ chức đăng ký, cấp biển số ký hiệu 80 đối với xe của Bộ Công an và một số cơ quan, tổ chức theo Phụ lục số 01 ban hành theo Thông tư 15. C67 đăng ký, cấp biển số 80A-019.72 cho ô tô của VFF được thực hiện theo đúng quy định trên và được phê duyệt của lãnh đạo Bộ Công an...

Tuy nhiên, vấn đề mà chúng tôi đang muốn phản ánh là việc C67 cấp biển xanh cho ô tô của VFF đã đúng quy định của Thông tư 15/2014 hay chưa?

Theo Thông tư 15/2014 cùng các phụ lục, ký hiệu biển số 80 do Cục CSGT đường bộ - đường sắt đăng ký, cấp cho một số cơ quan, tổ chức (có liệt kê cụ thể) và “xe hoạt động nghiệp vụ, phục vụ công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội và các trường hợp khác được bộ trưởng Công an hoặc tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội phê duyệt trên cơ sở đề nghị của cục trưởng CSGT đường bộ - đường sắt”.

Tuy nhiên, về màu sắc của biển số xe của cơ quan, tổ chức trong nước đã được Thông tư 15/2014 quy định rất rõ. Cụ thể, các điểm a và c khoản 6 Điều 31 Thông tư 15/2014 quy định như sau:

- Biển số nền màu xanh, chữ và số màu trắng, seri biển số sử dụng lần lượt một trong 20 chữ cái sau đây: A, B, C, D, E, F, G, H, K, L, M, N, P, S, T, U, V, X, Y, Z cấp cho xe của các cơ quan của Đảng; Văn phòng Chủ tịch nước; Văn phòng Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội; Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp; các Ban chỉ đạo Trung ương; Công an nhân dân, TAND, VKSND; các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia; UBND các cấp và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện; tổ chức chính trị-xã hội; đơn vị sự nghiệp công lập, trừ trung tâm đào tạo sát hạch lái xe công lập; ban quản lý dự án có chức năng quản lý nhà nước.

- Biển số nền màu trắng, chữ và số màu đen, seri biển số sử dụng lần lượt một trong 20 chữ cái sau đây: A, B, C, D, E, F, G, H, K, L, M, N, P, S, T, U, V, X, Y, Z cấp cho xe của doanh nghiệp, ban quản lý dự án thuộc doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, xã hội-nghề nghiệp, xe của đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, xe của trung tâm đào tạo sát hạch lái xe công lập, xe của cá nhân.

Như vậy, đối chiếu với quy định trên, chúng tôi khẳng định việc C67 cấp biển số ký hiệu 80 với nền màu xanh cho ô tô của VFF, một tổ chức xã hội-nghề nghiệp, là sai. C67 chỉ có thể cấp biển số ký hiệu 80 với nền màu trắng cho ô tô của VFF.

VIẾT LONG

_______________________

Kỳ sau: Những câu hỏi thẳng của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm