Vì sao Hà Nội xin hạ chuẩn an toàn PCCC 17 chung cư

17 chung cư mà UBND TP Hà Nội xin hạ chuẩn về PCCC là các chung cư đã hoàn thiện, đưa vào sử dụng, kèm nhóm giải pháp cho các chung cư đó.

Nguyên do hạ chuẩn PCCC

Theo văn bản mà Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu gửi Bộ Công an và Bộ Xây dựng, hiện Hà Nội có 1.075 tòa nhà, chung cư cao tầng. Sau khi Hà Nội quyết liệt xử lý, chấn chỉnh, đôn đốc các chủ đầu tư của các cao ốc, chung cư trên khắc phục các tồn tại trong PCCC thì tình hình PCCC tại các chung cư, cao ốc đã có chuyển biến.

Vụ cháy chung cư tại khu đô thị Xa La (Hà Đông) vào năm 2015 khiến dân tình lo lắng. Trong số 17 chung cư được đề nghị hạ chuẩn phòng cháy có năm chung cư tại khu đô thị Xa La.

“Tuy nhiên, hiện vẫn có 17 công trình nhà chung cư cao tầng đã xây dựng xong và đưa vào sử dụng nhưng vẫn còn các tồn tại, vi phạm quy định về PCCC, không có khả năng khắc phục theo yêu cầu của quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định về PCCC hiện hành” - văn bản này nêu.

Lý do: Trước năm 2011, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về PCCC của chủ đầu tư còn yếu kém. Việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong thẩm định, cấp giấy phép xây dựng, thẩm duyệt thiết kế về PCCC còn hạn chế.

“Các công trình đã được thi công ổn định về kết cấu, kiến trúc, sau đó chủ đầu tư mới thực hiện việc thẩm duyệt thiết kế về PCCC. Điều này dẫn đến các yêu cầu về giao thông phục vụ chữa cháy, khoảng cách an toàn về PCCC, thiết kế thang bộ thoát nạn, thang bộ kín, hệ thống chống tụ khói cho công trình… là không có khả năng thực hiện tại thời điểm này” - văn bản của UBND TP Hà Nội nêu.

Mục 1.1.7 QCVN 06:2010/BXD về “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình” nêu: Trong một số trường hợp riêng biệt, Bộ Xây dựng cho phép giảm bớt một số yêu cầu của quy chuẩn đối với công trình cụ thể, khi có luận chứng gửi Bộ Xây dựng nêu rõ các giải pháp bổ sung thay thế và luận chứng này phải được sự thẩm duyệt của Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ - Bộ Công an".

Từ đó, UBND TP Hà Nội đã giao Sở Cảnh sát PCCC, Sở Xây dựng cùng các đơn vị liên quan kiểm tra, khảo sát, đánh giá điều kiện thực tế và thống nhất đề xuất giải pháp khắc phục đối với 17 chung cư còn tồn tại, vi phạm quy định về PCCC và đưa ra 10 giải pháp khắc phục thay thế.

“UBND TP Hà Nội đề nghị và cam kết TP sẽ yêu cầu các chủ đầu tư của 17 tòa nhà xây dựng luận chứng đối với từng công trình cụ thể để gửi cơ quan chuyên môn thẩm đinh, thẩm duyệt theo quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về PCCC" - văn bản nêu.

17 cao ốc hạ chuẩn PCCC thế nào?

Theo UBND TP Hà Nội, 17 chung cư cao tầng được đề nghị hạ chuẩn phòng cháy. 

Với nhóm 4 công trình xây trong ngõ, xe chữa cháy không tiếp cận được, Hà Nội đề xuất trang bị máy bơm di động, nguồn nước ngoài nhà; chuyển họng tiếp nước chữa cháy ra vị trí đầu đường; bổ sung thang dây, ống tụt, mặt nạ phòng độc; yêu cầu phường sở tại giải tỏa đường sá tiếp cận công trình, về lâu dài sẽ điều chỉnh quy hoạch mở rộng đường giao thông.

Đối với nhóm 5 công trình liền kề không đảm bảo khoảng cách về PCCC, Hà Nội đề xuất điều chỉnh lại diện tích các ô cửa sổ ở tường ngoài công trình. Trong trường hợp không điều chỉnh lại được (theo quy chuẩn, tiêu chuẩn PCCC) thì phải trang bị đầu phun chữa cháy tại các ô cửa không đảm bảo.

Đối với nhóm 6 công trình có thang bộ để hở trong tòa nhà, Hà Nội đề xuất lắp cửa chống cháy tự động (luôn mở và tự đóng khi cháy) cho buồng thang bộ; sử dụng rèm ngăn cháy chịu lửa tự động thả xuống khi có báo cháy; bổ sung đầu phun chữa cháy tự động, tăng cường chiếu sáng cho buồng thang; sử dụng giải pháp quạt cắt gió tự động kết nối với hệ thống báo cháy và rèm ngăn cháy.

Đối với nhóm 7 công trình có hệ thống trục ống thu rác trong buồng thang không có khả năng di chuyển ra phía ngoài, Hà Nội đề xuất thay thế vật liệu ống đổ rác, cửa đổ rác bằng vật liệu ngăn cháy, có bổ sung đầu phun hở chữa cháy tự động…

Ngoài ra còn một số nhóm công trình có vi phạm khác (chỉ có duy nhất thang bộ trong nhà, bố trí phòng bơm chữa cháy ở hầm tầng ba, không bố trí lối thoát nạn (do khối đế tầng 1-5 được bố trí làm trung tâm thương mại), hoặc không có khả năng thi công hệ thống tăng áp cho buồng thang bộ, không thể thi công hệ thống hút khói hành lang…), Hà Nội đề xuất các giải pháp thay thế tương tự để đảm bảo an toàn PCCC.

Hiện đề xuất trên chưa được cơ quan chức năng đồng ý hay bác bỏ.

Chung cư mini ngõ 193 Bồ Đề; khu nhà ở 76 Cự Lộc; tòa nhà văn phòng cho thuê và để ở 88 Tô Vĩnh Diện; chung cư 46/230 Lạc Trung; chung cư 89 Phùng Hưng, Phúc La, Hà Đông; chung cư BMM khu đô thị Xa La, Hà Đông; tòa nhà 27 Lạc Trung; tháp B, nhà HH1 - ngõ 102 Trường Chinh; tòa nhà CT1, CT2, CT3, CT4, trung tâm thương mại và căn hộ chung cư tại khu đô thị Xa La; nhà C17 Bộ Công an, Ngọc Thụy,  Long Biên; nhà ở cho cán bộ, giáo viên Học viện Quốc tế (Bộ Công an) tại xã Thanh Liệt, Thanh Trì; nhà ở cho cán bộ chiến sĩ Tổng cục V (Bộ Công an), khu đô thị mới Cổ Nhuế.  

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm