Vì sao phải giám sát tài chính Vinafood 2?

Ngày 18-7, liên quan đến chỉ đạo ngày 17-7 của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về việc giám sát tài chính quý IV và cả năm 2016 của công ty mẹ - Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2), một lãnh đạo Văn phòng Chính phủ cho biết như trên.

“Đã thực hiện từ lâu rồi”

Theo chỉ đạo ngày 17-7, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương để tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện cơ chế luân phiên đầu mối dự thầu xuất khẩu gạo và đề xuất hướng xử lý phù hợp, báo cáo Thủ tướng. Đồng thời yêu cầu Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kịp thời xử lý các tồn tại, vướng mắc về tài chính trong quá trình cổ phần hóa Vinafood 2.

Trước đó, tháng 1-2017, Chính phủ đã có văn bản yêu cầu doanh nghiệp này tiến hành cổ phần hóa, chỉ giữ lại 51% vốn góp nhà nước. Cuối tháng 6-2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ đạo gia hạn thời hạn bán cổ phần lần đầu (IPO) với công ty mẹ - Vinafood 2 tối đa ba tháng kể từ ngày Thủ tướng phê duyệt phương án cổ phần hóa.

Chiều cùng ngày, trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết: “Tôi chỉ mới nghe chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chứ chưa nhận được văn bản. Về việc giám sát tài chính Vinafood 2 thì đã được thực hiện lâu rồi (Vinafood 2 cũng từng bị giám sát tài chính năm 2014 và sáu tháng đầu năm 2015 - PV)”.

Khi PV hỏi về việc xử lý trách nhiệm cá nhân liên quan, ông Tuấn nói: “Hiện vụ việc Bộ đã yêu cầu lãnh đạo Vinafood 2 tiến hành kiểm điểm làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể liên quan để báo cáo lãnh đạo Bộ trình Thủ tướng”.

Để làm rõ thêm thông tin, PV đã liên hệ lãnh đạo Vinafood 2 nhưng không nhận được câu trả lời cụ thể.

Gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng

Trước đó, đầu tháng 7-2017, Bộ NN&PTNT đã công bố kết luận thanh tra Vinafood 2, chỉ ra nhiều sai phạm về quản lý tài sản, các công ty con kinh doanh thua lỗ gây thiệt hại ngân sách hàng trăm tỉ đồng.

Cụ thể, kết luận chỉ rõ từ năm 2014 đến thời điểm thanh tra, Vinafood 2 đã bán tài sản trên đất, đồng thời chuyển quyền sử dụng đất ở tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh sai quy định với tổng giá trị tài sản đã bán hơn 114 tỉ đồng. Hơn nữa, Vinafood 2 đã tự tính số tiền chuyển nhượng sau khi trừ các chi phí, số còn lại tạm nộp vào tài khoản của Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cũng sai.

Cũng theo kết luận thanh tra, đối với dự án khách sạn cao cấp, cao ốc văn phòng và trung tâm thương mại cho thuê (tại 34-36-42 Chu Mạnh Trinh và 33 Nguyễn Du, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM), tổng giám đốc Vinafood 2 đã thỏa thuận, thống nhất với Công ty TNHH Thương mại Quảng cáo Xây dựng Địa ốc Việt Hân về bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với 34 hộ dân đang ở trên khu đất thực hiện dự án là sai với nội dung nghị quyết của hội đồng thành viên (HĐTV) tổng công ty. Thỏa thuận giữa hai bên là trái với văn bản của Bộ NN&PTNT và trái với chỉ đạo của Thủ tướng về việc thực hiện phương án sắp xếp lại cơ sở nhà đất tại các địa chỉ trên.

Theo đó, số tiền chi cho bồi thường, giải phóng mặt bằng (dự kiến của hai bên) là 68 tỉ đồng lấy từ tài khoản Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính. Như vậy, nếu thực hiện theo đúng thỏa thuận trên thì ngân sách bị thất thoát 80%, tương đương trên 54 tỉ đồng.

Bộ NN&PTNT chỉ rõ trách nhiệm đối với các khuyết điểm, sai phạm nêu trên chủ yếu thuộc về HĐTV tổng công ty mà trong đó trực tiếp là chủ tịch HĐTV tại các thời điểm tương ứng. Bộ cũng yêu cầu Vinafood 2 kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có những tồn tại, khuyết điểm và sai phạm nêu trên theo đúng quy định; báo cáo kết quả thực hiện sau kết luận thanh tra trước ngày 15-8 để báo cáo Thủ tướng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm