VKS nhẹ tay, một tiến sĩ bỏ trốn

Theo hồ sơ, ngày 22-3-2008, chị L. đang đi xe máy trên đường thì bị Lê Hoài Phong đi từ phía sau vượt lên tạt acid vào mặt gây thương tật 26%.

Không đủ chứng cứ

Trong quá trình điều tra, Phong khai nhận là em họ của bà Trần Thị Diễm Thúy (tiến sĩ văn học, nguyên giảng viên Trường ĐH Quốc gia TP.HCM). Từ quê lên còn khó khăn, Phong được chị giúp đỡ nhiều về tài chính. Do đó, khi nghe chị kể chồng có quan hệ tình cảm với chị L. và được nhờ theo dõi, Phong đồng ý. Tiếp đó, Phong cũng đồng ý giúp chị tạt acid vào chị L. để cho chị này xấu đi, chồng chị sẽ bỏ mà quay về với vợ.

Qua lời khai của Phong, cơ quan điều tra đã mời bà Thúy đến làm việc vì cho rằng bà chủ mưu của vụ tạt acid nói trên. Tại đây, bà Thúy cũng xuất trình nhiều chứng cứ để chứng minh bà vô can. Thứ nhất, nếu xem đây là vụ đánh ghen thì động cơ, mục đích gây án của bà hoàn toàn không có bởi hai năm trước khi vụ án xảy ra, bà đã đơn phương xin ly hôn với chồng. Khi không còn tình cảm thì ghen tuông để làm gì. Thứ hai, tại thời điểm xảy ra vụ án, Phong khai bà chở Phong đi mua acid nhưng cả ngày hôm đó bà đang đi dạy ở một trường ĐH cách đó 20 km (đã có xác nhận của sinh viên và nhà trường). Mặt khác, các máy điện thoại, SIM… mà cơ quan điều tra thu được tại nhà bà không hề có cuộc gọi nào chứng minh bà có liên lạc với Phong để thực hiện vụ tạt acid như lời Phong khai.

Tuy nhiên, với những chứng cứ khác, cơ quan điều tra nhận thấy bà Thúy có dấu hiệu phạm tội. Cơ quan này nhiều lần đề nghị VKSND quận Tân Bình (TP.HCM) phê chuẩn quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam với bà Thúy nhưng đều bị viện từ chối. Theo viện, “Cơ quan điều tra đã tiến hành xác minh lời khai của Phong, thu thập chứng cứ nhưng không có chứng cứ nào chứng minh bà Thúy đã xúi giục, cung cấp acid, phương tiện đi lại để Phong thực hiện hành vi phạm tội...”.

VKS nhẹ tay, một tiến sĩ bỏ trốn ảnh 1

Chủ mưu tạt acid

Vụ án trên cũng khiến TAND quận Tân Bình phải nhiều lần trả hồ sơ điều tra bổ sung bởi có nhiều lời khai mâu thuẫn. Chẳng hạn, có lần Phong khai chính chồng bà Thúy mới là kẻ chủ mưu… Rồi có lúc Phong lại khai tại thời điểm đi mua và tạt acid, Phong chỉ đi một mình nhưng có khi bị cáo lại khai rằng bà Thúy chở Phong đi mua…

Một vị hội thẩm tham gia xét xử vụ án còn cho biết thêm, quan điểm của tòa cũng cho rằng bà Thúy có liên quan đến vụ án và yêu cầu VKS làm rõ. Tuy nhiên, viện vẫn giữ nguyên quan điểm ban đầu.

Do không thể kéo dài thêm nên cuối năm 2008, TAND quận Tân Bình đã đưa vụ án ra xét xử và tuyên phạt bị cáo Phong bốn năm tù về tội cố ý gây thương tích. Sau đó, xử phúc thẩm, TAND TP.HCM đã hủy án vì còn nhiều vấn đề chưa rõ.

Nhận lại hồ sơ, cơ quan điều tra và VKSND quận Tân Bình đã triệu tập bà Thúy đến làm việc, lấy lời khai nhưng bà luôn vắng mặt, không hợp tác. Lúc này, hai cơ quan trên đã thống nhất khởi tố bà Thúy về tội cố ý gây thương tích với vai trò chủ mưu. Tuy nhiên, do bà Thúy bỏ trốn nên tháng 7-2011, cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã...

Ban đầu, VKS quá nhát tay...

Vụ án khá rối và gây khó khăn cho VKS nhưng nếu ngay ban đầu VKS không quá nhát tay thì có lẽ vụ án đã giải quyết xong. Tuy nhiên, đến khi VKS mạnh tay yêu cầu bắt khẩn cấp bà Thúy thì mọi chuyện đã lỡ, bị can đã bỏ trốn.

Việc bị can Thúy bỏ trốn không những gây khó khăn cho cơ quan tố tụng mà còn làm bất lợi cho bị cáo Phong. Tính từ thời điểm tạm giam đến nay, Phong đã thi hành án hơn ba năm. Nếu tính án có hiệu lực sau khi án sơ thẩm tuyên phạt Phong bốn năm tù thì có lẽ Phong sẽ được đặc xá trong đợt 2-9 vừa qua. Tuy nhiên, do các lý do chủ quan, khách quan trên, Phong bị mất đi quyền lợi của mình.

Một kiểm sát viên VKSND quận Tân Bình

PHAN THƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm