Vụ “Cháy chợ Quy Nhơn”: Ai sẽ phải bồi thường cho tiểu thương?

Theo hồ sơ, giữa tháng 12-2006, chợ Lớn Quy Nhơn bùng cháy dữ dội gây thiệt hại ban đầu khoảng 134 tỉ đồng. Xử sơ thẩm, tòa buộc các bị cáo phải bồi thường cho các tiểu thương nhưng sau đó, tòa lại tách phần đòi bồi thường thành một vụ án dân sự khác. Đến nay, vụ việc vẫn đang bế tắc...

Không biết kiện ai

Theo hồ sơ, xét xử sơ thẩm vụ cháy chợ tháng 5-2008, TAND tỉnh Bình Định đã tuyên bảy bị cáo gồm Đỗ Thanh Tâm (nguyên trưởng Ban Quản lý chợ) ba năm tù, Đỗ Thanh Tân (nguyên phó Ban Quản lý chợ kiêm đội trưởng Đội PCCC chợ) 30 tháng tù, Phạm Viết Ngò (nguyên đội phó Đội bảo vệ chợ) tám năm tù; Nguyễn Thành Hải, Đoàn Bình (đều là nhân viên bảo vệ chợ) mỗi bị cáo năm năm tù; Đoàn Đình Tri (nhân viên Đội bảo vệ chợ) 11 năm tù, Võ Thị Thúy Vân (tiểu thương) tám năm tù... Sau khi cân nhắc Tòa buộc các bị cáo phải bồi thường thiệt hại 122 tỉ đồng cho tiểu thương và một số cơ quan, doanh nghiệp...

Cuối tháng 10-2008, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng tuyên hủy toàn bộ án sơ thẩm do chưa đủ cơ sở để kết luận nguyên nhân vụ cháy, yêu cầu điều tra, xét xử sơ thẩm lại từ đầu.

Vụ “Cháy chợ Quy Nhơn”: Ai sẽ phải bồi thường cho tiểu thương? ảnh 1

Trong phiên tòa sơ thẩm ngày 12-9, các bị cáo đều bị phạt tù treo nhưng tòa tách phần đòi bồi thường dân sự thành vụ án khác... Ảnh: TH

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 12-9, TAND TP Quy Nhơn tuyên các bị cáo phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và phạt 9-18 tháng tù treo... HĐXX quyết định tách toàn bộ phần thiệt hại về tài sản để giải quyết bằng các vụ án dân sự khác do đến nay cơ quan điều tra vẫn chưa xác định được thiệt hại của khoảng 900 hộ tiểu thương.

Ngay sau phiên tòa sơ thẩm trên, hàng trăm tiểu thương bắt đầu làm đơn khởi kiện để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, hầu hết tiểu thương đều đang lúng túng không biết tòa nào sẽ thụ lý và đặc biệt họ không xác định ai là bị đơn dân sự để khởi kiện, buộc bồi thường.

Cơ quan tố tụng lúng túng

Trao đổi về vụ việc, ông Đặng Công Lý (Chánh án TAND tỉnh Bình Định) cho biết đã giao TAND TP Quy Nhơn tiếp tục giải quyết phần dân sự trong vụ cháy chợ trên.

Trong khi đó, ông Trương Quốc Dũng (Chánh án TAND TP Quy Nhơn) lại thông tin rằng tòa đang chờ có kết quả phúc thẩm vụ án hình sự mới có thể giải quyết phần dân sự. Mỗi trường hợp khởi kiện sẽ được tòa thụ lý thành một vụ án độc lập.

Trả lời câu hỏi “Các tiểu thương phải khởi kiện ai để đòi bồi thường thiệt hại?”, ông Dũng nói: “Hiện nay chúng tôi cũng chưa xác định ai là bị đơn dân sự trong các vụ kiện này nên đang giao thẩm phán nghiên cứu hồ sơ”.

Trao đổi thêm, ông Lê Văn Minh (Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Định) thì bảo: “Cơ quan điều tra cũng chưa xác định ai là bị đơn dân sự trong vụ án này...”.

Rối phần chứng minh

Qua tìm hiểu của chúng tôi, hiện các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Định đều lúng túng chưa thể xác nhận ai là bị đơn dân sự. Đồng thời, họ cũng đang gặp thêm một bế tắc khác là trong vụ này, hầu hết tiểu thương đều không có tài liệu chứng minh thiệt hại do vụ cháy chợ gây ra.

VKSND tỉnh Bình Định cho biết trong hơn 134 tỉ đồng thiệt hại, chỉ có 10 tỉ đồng của các đơn vị, tổ chức thuộc Nhà nước là có chứng từ, tài liệu chứng minh; còn lại chủ yếu dựa vào lời tự báo, lời khai của gần 900 tiểu thương và hầu hết không có hoặc thiếu chứng cứ.

Ông Nguyễn Đức Trí (Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Định) cho hay dù đã tổ chức giám định, áp dụng nhiều biện pháp thu thập, chứng minh nhưng đến nay chưa có một số liệu đáng tin cậy về giá trị thiệt hại. Ở phần dân sự, trách nhiệm chính trong việc chứng minh giá trị thiệt hại thuộc về nguyên đơn dân sự. Trong trường hợp này, nguyên đơn có thể chứng minh bằng nhiều cách như xuất trình hóa đơn, chứng từ hoặc những người mua bán, giao dịch với nhau làm chứng...

Tuy nhiên, nhiều tiểu thương bảo rằng đám cháy khi ấy đã thiêu rụi toàn bộ hóa đơn, chứng từ, bây giờ lấy gì mà xuất trình. “Thực tế, rất nhiều cuộc giao dịch, mua bán hằng ngày ở chợ không có hóa đơn, chứng từ. Đã gần sáu năm rồi, giờ biết khách hàng ở đâu mà nhờ họ ra làm chứng” - bà Nguyễn Thị Thu Hương (tiểu thương bị thiệt hại trong vụ cháy chợ) than thở.

UBND TP Quy Nhơn sẽ phải bồi thường?

Trước đó, trong phiên xử sơ thẩm lần đầu, các tiểu thương cho rằng theo hợp đồng ký kết giữa ban quản lý chợ và tiểu thương thì bị đơn dân sự trong vụ án phải chịu trách nhiệm đền bù thiệt hại chính là ban quản lý chợ. Tuy nhiên, ban quản lý chợ là một pháp nhân, do UBND TP Quy Nhơn thành lập nên UBND TP Quy Nhơn cũng phải có trách nhiệm. Đề nghị này không được tòa chấp nhận. Hiện nay, sau khi xem xét vụ án, các cơ quan tố tụng ở Bình Định có hai luồng ý kiến. Ý kiến thứ nhất bảo các bị cáo nguyên là thành viên Ban Quản lý chợ Lớn Quy Nhơn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, do giá trị thiệt hại quá lớn nên nếu buộc các bị cáo trên bồi thường thì họ cũng không thể nào có khả năng thực hiện nên sẽ xem xét giảm trong khả năng của họ. Ý kiến thứ hai cho rằng UBND TP Quy Nhơn là chủ đầu tư chợ Lớn Quy Nhơn nên phải có trách nhiệm đối với các khách hàng của mình (tức các tiểu thương) trong vụ cháy chợ này.

Hay lính cứu hỏa?

Qua trao đổi với các chuyên gia pháp lý, nhiều ý kiến cũng nhấn mạnh ở đây có đến 6/7 bị cáo nguyên là cán bộ của ban quản lý chợ bị kết án vì thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và vi phạm quy định về PCCC. Như vậy trước mắt, ban quản lý chợ phải đứng ra “gánh” trách nhiệm dân sự thay cho sáu bị cáo này. Khi đó, với tư cách quản lý chung, UBND TP Quy Nhơn cũng phải có trách nhiệm.

Mặt khác theo hồ sơ, lực lượng cảnh sát PCCC của tỉnh có giữ một chìa khóa hầm chứa nước cứu hỏa trong khu vực chợ nhưng “để quên” nên mở không ra. Đồng thời, khi đến hiện trường, họ rất lúng túng nên thực hiện nhiệm vụ không hiệu quả. Do vậy cũng cần phải làm rõ trách nhiệm dân sự của lực lượng PCCC. Chẳng hạn, nếu họ làm đúng điều lệ, đúng chức trách, chữa cháy kịp thời, bài bản... thì có ngăn được ngọn lửa không, cứu được bao nhiêu sạp... Còn họ lúng túng, chữa cháy không hiệu quả thì phần thiệt hại họ gây ra là bao nhiêu.

Một thẩm phán TAND TP.HCM cho hay lâu nay người ta thường không chú ý đến trách nhiệm bồi thường của “lính cứu hỏa”. Ở đây, rõ ràng sự ứng cứu chậm chạp, vô vọng của “lính cứu hỏa” đã làm tình hình trầm trọng thêm nên họ cũng phải có trách nhiệm...

TẤN LỘC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm