Vụ Dân kiện vì “lô cốt” rề rà: Kiện sở GTVT là hợp lệ

Luật sư Trương Thị Hòa (ảnh) nhận định việc ông Nguyễn Văn Lang kiện Sở GTVT TP.HCM ra tòa yêu cầu bồi thường hơn 370 triệu đồng vì phải đóng cửa quán ăn, nhà hư hỏng (Pháp Luật TP.HCM ngày 26-8) sẽ thúc đẩy sự phát triển của xã hội dân sự. “Pháp luật nước ta đã phát triển qua nhiều giai đoạn, đã có các quy định điều chỉnh các quan hệ về hành vi hành chính, quyết định hành chính của các cơ quan quản lý trong mọi lĩnh vực. Nhưng mảng trách nhiệm dân sự của các cơ quan quản lý nhà nước, trong nhiều trường hợp người dân chưa biết và ngay cả các cơ quan quản lý nhà nước cũng… không nắm” - luật sư Hòa nói.

Đây là quan hệ dân sự

. Thưa bà, Sở GTVT khẳng định trách nhiệm bồi thường cho ông Lang thuộc về nhà thầu. Vậy liệu ông Lang kiện Sở GTVT có “đúng địa chỉ”?

Vụ Dân kiện vì “lô cốt” rề rà: Kiện sở GTVT là hợp lệ ảnh 1
+ Trước hết phải khẳng định việc người dân kiện Sở GTVT ra tòa là hợp lệ. Điều 267 Bộ luật Dân sự năm 2005 đã quy định khi xây dựng công trình làm xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác thì chủ sở hữu phải bồi thường.

Trong các hợp đồng xây dựng thường có ràng buộc trách nhiệm của nhà thầu đối với thiệt hại của bên thứ ba. Vì thế, việc Sở GTVT đưa ra các lý do để nói mình không chịu trách nhiệm là bình thường. Thực tế, người dân không biết được các thỏa thuận này và cũng không cần biết nhưng khi xảy ra sự cố họ có quyền nắm áo chủ đầu tư. Vấn đề là tòa án sẽ xem xét, xác định trách nhiệm bồi thường thuộc về Sở GTVT hay nhà thầu thi công (có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan).

. Ý kiến của luật sư ra sao về nhận định: việc người dân đi kiện cơ quan quản lý nhà nước chẳng khác gì “con kiến kiện củ khoai”?

+ Đây là tranh chấp được coi là khá mới mẻ. Theo Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 và Bộ luật Dân sự năm 2005, người dân có quyền kiện cơ quan quản lý nhà nước nhưng thực tế nhiều người dân chưa biết điều đó. Hơn nữa, lâu nay cơ quan quản lý nhà nước vẫn quen ứng xử với người dân theo quan hệ hành chính, mang tính mệnh lệnh, áp đặt. Vì thế mới nảy sinh nhận định trên.

Vụ Dân kiện vì “lô cốt” rề rà: Kiện sở GTVT là hợp lệ ảnh 2

Hiện nay, một số “lô cốt” vẫn còn án ngữ gây khó khăn cho các cửa hàng kinh doanh. (Ảnh chụp trên đường Lê Văn Sỹ, quận Phú Nhuận, TP.HCM ngày 26-8) Ảnh: HTD

Nhưng nhà nước không chỉ đơn thuần làm công việc quản lý hành chính mà còn thực hiện một số công trình phục vụ đời sống người dân. Việc Sở GTVT TP làm chủ đầu tư một dự án xây dựng cụ thể là thực hiện với tư cách chủ của một công trình. Do đó, khi phát sinh quan hệ với người dân thì đây là quan hệ dân sự. Nguyên tắc chung trong quan hệ dân sự là khi gây thiệt hại cho người khác thì phải bồi thường, bên bị gây thiệt hại có quyền thưa ra tòa để được bảo vệ.

. Nhưng Sở GTVT đại diện nhà nước làm chủ một công trình phúc lợi, được thực hiện trong điều kiện chật hẹp nên khó có thể không gây thiệt hại. Điều này có được xét để miễn, giảm trách nhiệm bồi thường?

+ Nếu nói vậy thì những thiệt hại của người dân sẽ được giải quyết ra sao, ai chịu trách nhiệm bồi thường? Khi người dân xâm phạm quyền lợi của nhà nước, gây thiệt hại thì phải bồi thường. Ngược lại, nhà nước nếu gây thiệt hại cho người dân cũng phải bồi thường. Chỉ khi rơi vào trường hợp bất khả kháng mới được miễn trừ trách nhiệm, khi có lỗi của người bị thiệt hại thì mới xem xét giảm trách nhiệm bồi thường. Căn cứ để miễn, giảm trách nhiệm phải theo luật chứ không thể đặt ra những tình huống và cho là khách quan để được miễn, giảm.

Thực hiện quyền, không phải “lắm chuyện”

. Nếu đơn thuần là quan hệ dân sự mang tính bình đẳng thì tại sao các tranh chấp tương tự thường rất chậm được giải quyết?

+ Đây là quan niệm chưa đầy đủ của cơ quan quản lý nhà nước. Lâu nay cán bộ quản lý nhà nước được đào tạo, trang bị các kỹ năng quản lý hành chính, những kỹ năng, kiến thức chuyên môn mà không biết rằng phải có những trách nhiệm dân sự đã nêu. Xuất phát này đã dẫn đến cách hành xử chưa phù hợp với quy định và họ tham gia giải quyết các kiến nghị, yêu cầu của người dân với tư cách cơ quan quản lý nhà nước chứ không bình đẳng như trong một quan hệ dân sự.

. Luật sư nghĩ gì về vụ kiện này?

+ Theo quy định, người dân còn có thể được bồi thường về tinh thần nữa nên yêu cầu bồi thường do thất thu kinh doanh là bình thường. Có điều là những thất thu đó phải thực tế (có xảy ra, có chứng cứ chứng minh) và trực tiếp do việc thi công gây ra. Người yêu cầu bồi thường phải có nghĩa vụ chứng minh thiệt hại.

Qua sự kiện này, người dân sẽ nhận thức đầy đủ hơn về quyền yêu cầu tòa án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp khi bị người khác xâm hại. Cho nên gia đình ông Lang kiện Sở GTVT không phải là “lắm chuyện” mà là thực hiện quyền được pháp luật cho phép. Điều này cũng làm các cơ quan quản lý nhà nước nhận thức đầy đủ hơn trách nhiệm của họ và có sự ràng buộc trách nhiệm đối với nhà thầu, buộc nhà thầu mua bảo hiểm đối với thiệt hại có thể gây ra cho bên thứ ba...

Diễn biến vụ kiện

Gói thầu số 7 thuộc dự án Vệ sinh môi trường TP, lưu vực Nhiêu Lộc-Thị Nghè do nhà thầu Trung Quốc TMEC - CHEC 3 đảm nhiệm, thời gian thực hiện dự kiến từ cuối năm 2003 đến cuối 2006. Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất của ban quản lý dự án, dự kiến phải hơn một năm nữa gói thầu này mới xong.

Theo ông Lang, khi thực hiện gói thầu này, nhà thầu đã rào chắn “vây” quán ăn tại căn nhà số 12/7 Nguyễn Huy Tự, phường Đa Kao, quận 1 của ông, đồng thời làm căn nhà bị hư hỏng. Cuối năm 2006, ông Lang đã yêu cầu các đơn vị có liên quan bồi thường 360 triệu đồng tiền thất thu trong kinh doanh và 60 triệu đồng để sửa nhà. Tuy nhiên, do lúng túng trong việc xác định “bị đơn” nên ông Lang đã gửi đơn đến nhiều cơ quan. Ngay cả Sở Giao thông Công chính (nay là Sở GTVT) cũng gặp lúng túng tương tự và đề nghị chuyển UBND quận 1 và Cục Thuế TP xác minh, đề xuất hướng giải quyết. Nhưng theo chỉ đạo của UBND TP, trách nhiệm giải quyết các yêu cầu của ông Lang thuộc về Sở GTVT.

Sau đó, nhiều buổi giám định nguyên nhân hư hỏng nhà và thương lượng đã diễn ra nhưng vẫn không đạt kết quả. Chỉ riêng việc giải quyết các hư hỏng nhà của người dân (trong đó có nhà ông Lang) đã có sự nhùng nhằng, không rõ trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư (là Sở GTVT mà đại diện là ban quản lý dự án) hay nhà thầu thi công TMEC - CHEC 3.

Cuối năm 2009, gia đình ông Lang đã kiện nhà thầu TMEC - CHEC 3 ra TAND quận 1. Đầu năm 2010, TAND quận 1 chuyển hồ sơ vụ án lên TAND TP.HCM để giải quyết theo thẩm quyền vì liên doanh nhà thầu TMEC - CHEC 3 không có trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam. Lúc này, gia đình ông Lang vẫn kiện nhà thầu, đến giữa tháng 8-2010 mới nộp đơn kiện bổ sung, chính thức đưa Sở GTVT TP ra tòa.

Từ cuối năm 2006, Pháp Luật TP.HCM đã liên tục phản ánh diễn biến vụ việc và ghi nhận ý kiến của các chuyên gia pháp luật. Các chuyên gia khẳng định đây là quan hệ dân sự, bên gây thiệt hại phải bồi thường cho bên bị thiệt hại chứ không phải là quan hệ giữa cơ quan quản lý nhà nước với công dân. Do đó, ông Lang có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.

MINH PHONG thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm