Vụ Hào Dương: Xử lý được cả hình sự lẫn dân sự!

“Tôi sẽ đề nghị lãnh đạo Bộ Công an và các ủy ban của Quốc hội cùng vào cuộc xử lý nghiêm vi phạm của Công ty Hào Dương” - luật sư Nghĩa khẳng định.

. Phóng viên: Đây đã là lần thứ 10 Hào Dương vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường. Vì sao cơ quan chức năng không ngăn chặn được?

Vụ Hào Dương: Xử lý được cả hình sự lẫn dân sự! ảnh 1
+ Luật sư Trương Trọng Nghĩa: Tôi nhớ, tại kỳ họp thứ 7 HĐND TP.HCM cũng đã chất vấn về hành vi gây ô nhiễm của Công ty Hào Dương và các đại biểu yêu cầu UBND TP phải xử lý quyết liệt. Nhưng đến giờ này tôi thấy hình như bộ máy của chúng ta bất lực, không có cách nào chấm dứt hành vi xả thải, gây ô nhiễm môi trường của Công ty Hào Dương.

. Vậy phải chăng quy định của pháp luật chưa đầy đủ, hay đã có sự nể nang, bao che cho Hào Dương, thưa ông?

+ Đây cũng là câu hỏi mà tôi đặt ra. Và điều khiến chúng ta phải ngẫm ngợi là hệ thống pháp luật hiện đã có đầy đủ các quy định, đầy đủ cơ sở pháp lý để xử lý, xử phạt và chấm dứt hành vi vi phạm của Hào Dương. Bên cạnh đó còn có thể yêu cầu công ty này phải bồi thường thiệt hại cho người dân vì đã có hành vi gây ô nhiễm môi trường. Như vậy, không chỉ xử lý hành chính mà xử lý được cả hình sự và dân sự.

Vụ Hào Dương: Xử lý được cả hình sự lẫn dân sự! ảnh 2

Khi chưa kiểm soát được lượng nước đầu vào và đầu ra, ô nhiễm ở Công ty Hào Dương vẫn còn nguy cơ tái diễn. Ảnh: TĐ

Nhưng vấn đề ở chỗ phải chăng các cơ quan chức năng như Phòng Cảnh sát môi trường Công an TP.HCM, Sở TN&MT… không quyết tâm xử lý, để rồi C49 - Bộ Công an phải vào cuộc? Phải chăng ở đây có sự thiếu kiên quyết hoặc có thể có tiêu cực nên không thể làm gì được? Tôi đề nghị UBND TP phải rà soát, kiểm tra lại. Hiện tôi đang dự họp Quốc hội nên chắc chắn sẽ trực tiếp đề nghị Ủy ban KH-CN&MT của Quốc hội chỉ đạo, giám sát xử lý nghiêm vi phạm của Hào Dương.

. Thế còn việc bồi thường thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng bởi hành vi xả thải, gây ô nhiễm môi trường thì sao?

+ Tới đây, dù Hào Dương có bị xử lý thế nào thì vẫn phải có trách nhiệm bồi thường về môi trường cũng như về sức khỏe cho nhân dân sống trong khu vực đó. Bản thân tôi sẽ trao đổi trực tiếp với các cơ quan quản lý, các tổ chức khoa học để xúc tiến ngay việc điều tra các thiệt hại về ô nhiễm môi trường do hành vi xả thải của Hào Dương gây ra trong hàng chục năm qua.

Tôi cũng sẽ đề nghị Bộ TN&MT phối hợp với C49 điều tra rốt ráo, tổ chức giám định mức độ ô nhiễm và thiệt hại do hành vi xả thải của Hào Dương gây ra cho môi trường. Việc này phải làm ngay chứ nếu không họ sẽ tẩu tán, xóa dấu vết. Ngoài ra, tôi sẽ đề nghị Đoàn Luật sư TP.HCM tư vấn cho nhân dân trong việc yêu cầu Hào Dương bồi thường thiệt hại.

Tôi cũng đề nghị các đại biểu QH, HĐND TP và các cơ quan chính quyền phải có trách nhiệm đòi quyền lợi cho người dân. Điều này tôi nghĩ nằm trong tầm tay của chính quyền TP.HCM. Nhưng tôi đề nghị không nên giao việc này cho Sở TN&MT, vì tôi thấy sở này nhiều năm liền xử lý không có hiệu quả đối với hành vi vi phạm của Hào Dương.

Vẫn chưa rõ hướng xử lý Công ty Hào Dương

“Chúng tôi sẽ cãi nhau đấy, có báo chí tham dự thì các bên sẽ không nói ra hết các vấn đề” - ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, nêu lý do khi không cho phóng viên tham dự buổi họp xử lý các vi phạm của Công ty Hào Dương vào chiều 1-11.

Khi cuộc họp kết thúc, ông Kiệt cho biết: Thanh tra Sở đang rà soát các hành vi vi phạm của Hào Dương và Sở sẽ tổng hợp để báo cáo UBND TP trong nay mai.

“Cuộc họp rất căng thẳng nhưng chủ yếu xoay quanh việc tìm hướng tiếp nhận và xử lý nước thải cho Công ty Hào Dương chứ không bàn về biện pháp xử lý vi phạm” - một thành viên tham dự cuộc họp cho hay. Vị này nói thêm: “Đại diện Công ty Hào Dương cho rằng họ xả thải ra môi trường là do lượng nước thải không được KCN Hiệp Phước tiếp nhận hết. Tuy nhiên, KCN Hiệp Phước lại nói họ đã hỗ trợ hết sức trong việc xử lý nước thải cho Hào Dương vì nước thải của công ty này không đáp ứng được tiêu chuẩn nước thải của KCN”.

Một người khác tham dự cuộc họp thất vọng: “Cuộc họp không đúng như nội dung thư mời. Sở TN&MT không đề cập về việc tại sao không thể đình chỉ hoạt động Công ty Hào Dương mà chỉ yêu cầu Ban Quản lý KCN Hiệp Phước hỗ trợ tiếp nhận nước thải cho công ty này…”.

Tại cuộc họp trên, đại diện Ban Quản lý KCN Hiệp Phước miễn cưỡng hứa sẽ tiếp nhận và xử lý nước thải cho Công ty Hào Dương với khối lượng từ 1.500 m3 đến 2.000 m3/ngày. Ông Tăng Văn Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty Hào Dương, cũng hứa sẽ giảm công suất sản xuất, giảm lượng nước thải phát sinh. “Song vấn đề nan giải ở chỗ nước thải của Hào Dương quá ô nhiễm. Nếu thu gom về Nhà máy xử lý nước thải tập trung (XLNTTT) của KCN Hiệp Phước thì sẽ có nguy cơ ảnh hưởng chung đến cả quá trình xử lý nước thải của KCN” - một cán bộ phụ trách lĩnh vực môi trường của KCN Hiệp Phước lo lắng.

Theo tài liệu chúng tôi có được, lo ngại về nguồn nước ô nhiễm từ Công ty Hào Dương khi đưa về Nhà máy XLNTTT của KCN Hiệp Phước đã được chủ đầu tư hạ tầng KCN này phản ánh từ năm 2012. Một bất thường khác, theo báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Công ty Hào Dương, lượng nước thải phát sinh từ hoạt động sản xuất của công ty chỉ từ 700 đến 800 m3/ngày. Vậy tại sao sau khi bị bắt quả tang về hành vi xả nước thải trực tiếp ra sông, Công ty Hào Dương lại cần phải xử lý lượng nước từ 1.500 m3 đến 2.000 m3/ngày. Chúng tôi đề nghị được giải thích về vấn đề này nhưng ông Tăng Văn Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty Hào Dương, không trả lời.

T.THANH - K.BÁCH

THÀNH VĂN thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm