Vụ “Lấy tiền của vợ cũng bị tội”: Xử lý hình sự là quá nặng!

Trên số báo trước, chúng tôi đã phản ánh vụ “Lấy tiền của vợ cũng bị tội”, nêu trường hợp Nguyễn Thanh Cần bị TAND tỉnh Tây Ninh phạt bảy năm tù do đã lợi dụng lúc vợ vắng nhà, Cần vào phòng vợ phá két sắt lấy hơn 1 tỉ đồng của hai vợ chồng đem đi cất giấu.

Vụ án lạ này thu hút sự chú ý của nhiều chuyên gia pháp luật và những phản hồi của họ cũng chia ra hai quan điểm trái ngược, bên thì đồng tình với cách xử lý của tòa, bên nói Cần chỉ không chuẩn về đạo đức...

Nên dựa vào mối quan hệ mà xử lý hợp tình

Vụ “Lấy tiền của vợ cũng bị tội”: Xử lý hình sự là quá nặng! ảnh 1
Xét về dấu hiệu và bản chất có thể khẳng định người chồng đã phạm tội trộm cắp tài sản. Tài sản là chung nhưng hai bên đã thống nhất để người vợ giữ. Khi người vợ giữ tức chị ta phải chịu trách nhiệm về khối tài sản đó. Đúng là về căn bản tài sản vợ chồng là hợp nhất, đều có quyền về sở hữu như nhau. Khi hỏi tiền chữa bệnh nếu vợ không đưa, người chồng có quyền phá tủ, phá két sắt lấy nhưng phải công khai. Nếu anh ta lén lút lấy tiền nhưng về vợ hỏi thì nhận ngay mình lấy thì cũng chỉ là tranh chấp cá nhân. Đằng này anh ta vừa ăn cướp vừa la làng, hành động tạo hiện trường giả chỉ nhằm mục đích che giấu hành vi lấy tiền trước đó nên đã đủ cơ sở truy cứu hình sự.

Tuy nhiên, khi xem xét từng vụ việc, các cơ quan tố tụng nên tùy thuộc vào từng mối quan hệ mà xử lý. Ngay từ đầu, nếu thu hồi toàn bộ tài sản thì nên giải quyết nội bộ gia đình với nhau. Các cơ quan pháp luật không nên đi quá sâu, cái gì có thể hàn gắn, gương vỡ lại lành thì nên làm.

Thẩm phán VŨ PHI LONG, Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM

Chỉ vi phạm chuẩn mực đạo đức

Vụ “Lấy tiền của vợ cũng bị tội”: Xử lý hình sự là quá nặng! ảnh 2
Thứ nhất, quan hệ vợ chồng vẫn đang còn. Đây là tài sản chung và anh chồng giao cho vợ giữ không có nghĩa anh chồng không có quyền đụng tới và sử dụng số tài sản đó. Luật Hôn nhân và Gia đình, luật dân sự cũng xác định tài sản vợ chồng là tài sản chung hợp nhất, đã hợp nhất thì không phân chia nên không thể xác định của chồng bao nhiêu, của vợ bao nhiêu.

Thứ hai, xét toàn bộ vụ việc thì đây chỉ là quan hệ vợ chồng, gia đình. Có thể người chồng đã có một hành vi không chuẩn mực về đạo đức chứ đưa anh này qua con đường hình sự là quá nặng, không cần thiết.

TS LÊ MINH HÙNG, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM

Chỉ có thể có tội khi xác định được khối tài sản của vợ

Vụ “Lấy tiền của vợ cũng bị tội”: Xử lý hình sự là quá nặng! ảnh 3
Muốn xác định có tội hay không cần xác định rõ tài sản riêng của vợ trong khối tài sản đó là bao nhiêu. Việc xác định tài sản riêng này cần phải có một bản án hay một thỏa thuận, văn bản nào đó xác định rõ ràng. Khi người chồng lấy khối tài sản đã xác định không phải của mình thì mới phạm tội. Với trường hợp cụ thể này, người vợ khẳng định rằng đây là tài sản mà vợ chồng làm ra trong hôn nhân, tức đây là tài sản chung hợp nhất, chưa chia. Luật cũng quy định tài sản chung hợp nhất là tài sản không thể phân định người nào bao nhiêu. Không phân chia thì không thể gọi là của người khác. Tuy người chồng có hành vi lén lút nhưng anh ta lén lút lấy tài sản của mình chứ không phải của người khác nên không thể quy buộc vào tội trộm cắp tài sản.

Ông ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao

Không lén lút lấy tài sản

Lén lút tức phải vào một căn nhà không phải của mình, đằng này tuy ly thân nhưng hai vợ chồng vẫn ở cùng một nhà, ăn cùng một mâm, chỉ ngủ riêng; tài sản này cũng là tài sản chung nên không thể nói người chồng lén lút lấy tài sản. Ở đây, anh ta đang công khai lấy tiền của mình để phục vụ cho mục đích chữa bệnh của chính mình. Việc anh ta tạo hiện trường có thể chỉ là bột phát tức thời, không thể dựa vào đó mà cho rằng người chồng có tội.

Một kiểm sát viên cao cấp Viện Phúc thẩm 3  (VKSND Tối cao)

Chưa đủ cơ sở buộc tội

Vụ “Lấy tiền của vợ cũng bị tội”: Xử lý hình sự là quá nặng! ảnh 4
Tội trộm cắp phải thỏa mãn hai điều kiện: Lén lút và lấy tài sản của người khác. Về hành vi lén lút thì người chồng đã hoàn thành. Nhưng điều gây tranh cãi vẫn là tài sản này có phải của người khác hay không. Trên thực tế, hai vợ chồng chưa ly hôn, tức tài sản này vẫn là tài sản chung của vợ chồng. Theo khoản 1 Điều 27 Luật Hôn nhân và Gia đình, tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất. Mặt khác, khoản 1 Điều 217 BLDS xác định sở hữu chung hợp nhất là sở hữu chung mà trong đó phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu chung không được xác định đối với tài sản chung. Vì thế, trong trường hợp này không thể xác định phần tài sản của người khác (người vợ) là bao nhiêu. Để xác định thì cần phải có thỏa thuận của hai vợ chồng hoặc một bản án của tòa.

Quay lại vụ án, hai người vẫn chưa ly hôn và chưa xác định được phần của mỗi người trong tài sản bị lấy nên không thể xác định người chồng “trộm” bao nhiêu trong số tài sản bị lấy để định tội danh. Cũng theo khoản 2 Điều 217 BLDS, các chủ sở hữu chung hợp nhất có quyền, nghĩa vụ ngang nhau đối với tài sản thuộc sở hữu chung. Ví dụ như người chồng đi làm về lãnh lương được 10 triệu đồng. Khi đi tắm, người vợ đến quần người chồng lục bóp lấy số tiền trên để chi trả cho các khoản trong gia đình, mua sắm cho bản thân người vợ hoặc các con thì buộc tội người vợ phạm tội trộm cắp sao được. Vì vậy, dù anh chồng có lén lút lấy nhưng vẫn chưa đủ cơ sở để buộc tội cho anh ta là trộm cắp tài sản của vợ.

Luật sư VŨ QUANG ĐỨC, Đoàn Luật sư TP.HCM

PHAN THƯƠNG ghi

Vụ “Lấy tiền của vợ cũng bị tội”: Xử lý hình sự là quá nặng! ảnh 5

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm