Vụ Tân Hoàng Phát: Bản án phát hành khác bản án đã tuyên tại phiên xử!

Dư luận cho rằng tòa phúc thẩm đã để lọt tội phạm, bỏ sót nạn nhân, giảm nhẹ tội trạng của các bị cáo thiếu căn cứ...

Ngày 13-1, lãnh đạo Viện Phúc thẩm 3 VKSND Tối cao cho biết đang xem xét về việc có sự khác nhau trong bản án đã tuyên tại phiên phúc thẩm vụ Tân Hoàng Phát ngày 12-12-2011 (PV Pháp Luật TP.HCM có ghi âm lại toàn bộ) và bản án phát hành chính thức của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM mới đây. Nếu có sự khác biệt quá lớn, Viện Phúc thẩm 3 sẽ nhanh chóng báo cáo đề nghị giám đốc thẩm vụ án trên vì vi phạm tố tụng nghiêm trọng.

Bỏ nhận định về tố tụng

Chúng tôi đã so sánh bản án đã tuyên tại phiên tòa phúc thẩm với bản án phát hành chính thức. Điều rất lạ là “phần xét thấy” thể hiện quan điểm của HĐXX phúc thẩm trong bản án phát hành đã có sự khác biệt lớn so với “phần xét thấy” trong bản án tuyên tại phiên tòa.

Về mặt tố tụng, bản án tuyên tại phiên tòa cho rằng bản án sơ thẩm cùng cáo trạng đã có nhiều sai phạm nghiêm trọng. Cụ thể, việc xác định 93 người bị hại trong vụ án là không đúng, từ đó dẫn đến việc xác định kháng cáo của hai người bị hại xin giảm án cho các bị cáo là không chính xác. Bởi hai người này không phải là người bị hại của vụ án mà chỉ là nhân chứng. Ngoài ra, hồ sơ án thể hiện có sự gán ghép chữ ký của thẩm phán và hội thẩm nhân dân...

Vụ Tân Hoàng Phát: Bản án phát hành khác bản án đã tuyên tại phiên xử! ảnh 1

Chủ Tân Hoàng Phát Phan Cao Trí cùng đồng phạm đang được dẫn giải về trại giam sau phiên phúc thẩm. Ảnh: HY

Quay trở lại với vấn đề số người bị hại, bản án đã tuyên tại phiên tòa cho rằng có sự bất nhất bởi hồ sơ án khi thể hiện 63 người, khi thể hiện 94 người... nhưng đếm lại thì con số đó không phải như kết luận của cấp sơ thẩm. Chính sự sai sót này sẽ làm ảnh hưởng đến việc đánh giá tính chất mức độ cụ thể từng bị cáo trong hành vi phạm tội.

Đồng thời, bản án sơ thẩm và cáo trạng không đề cập từng vụ cụ thể, không phân tích hành vi phạm tội ra sao. Như vậy, án viết không đúng theo yêu cầu của pháp luật. Còn đại diện VKS tại phiên phúc thẩm cũng chỉ khẳng định chung chung khi 63 người, khi 64 người, lúc lại 93 người mà không xác định rõ ai là người bị hại. Theo bản án đã tuyên tại phiên tòa, những sai sót trên là rất nghiêm trọng nhưng vụ án xảy ra đã lâu lại không ảnh hưởng đến tội danh nên chỉ cần nêu cho cấp sơ thẩm rút kinh nghiệm chứ không cần hủy án.

Các phân tích, kết luận về mặt tố tụng nói trên trong bản án đã tuyên tại phiên tòa rất chi tiết như vậy nhưng bản án phát hành lại bỏ toàn bộ. Về mặt tố tụng, bản án phát hành chỉ ghi rằng các đơn kháng cáo của các bị cáo và hai người bị hại mà bản án sơ thẩm xác định đều làm trong hạn luật định là hợp lệ, nghĩ nên chấp nhận. Sau đó, bản án phát hành chuyển ngay sang nhận xét về mặt nội dung.

Thêm vào phần trách nhiệm dân sự

Về mặt nội dung, bản án phát hành nhận định số người bị hại trong tội bắt giữ người trái pháp luật chỉ có một người chứ không phải 93 người như án sơ thẩm xác định (tình tiết này thuộc phần nhận định về tố tụng trong bản án đã tuyên tại phiên tòa). Đặc biệt, bản án phát hành thêm vào phần trách nhiệm dân sự đối với các bị cáo mà bản án đã tuyên tại phiên tòa không hề đề cập tới.

Cụ thể, bản án phát hành ghi nhận: “Trong chín trường hợp cáo trạng và bản án sơ thẩm xác định là người bị hại thì bảy người đã được bồi thường xong, có đơn bãi nại. Ngoài ra, bị cáo Yến và gia đình đã hoàn trả tổng cộng 21 người số tiền khi cơ sở massage Tân Hoàng Phát bị khám xét và bắt giữ các bị cáo. Số nhân viên đang làm việc 65 người trở về quê, trong số đó có những người chưa lãnh lương, tiền bo của khách cơ sở massage còn lưu giữ tại quỹ. Bị cáo Yến đã lần lượt trả lại cho các nhân viên đó, trong đó có chị Thạch Thị Linh Đa đã nhận lại 25 triệu đồng (có chữ ký của bà Biên và chị Linh Đa). Nhưng bản án vẫn ghi buộc bồi thường là không chính xác, cần sửa lại và không buộc bồi thường nữa. Song án sơ thẩm chưa xem xét, lại buộc trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại cho những người liên quan là không chính xác, cần sửa lại. Bị cáo Trí và Yến có trách nhiệm trả số tiền cho những người sau (12 người)... Bác yêu cầu chị Trần Thị Thúy Vân đòi bồi thường 11 triệu đồng và bà Nguyễn Thị Dọn đòi bồi thường 13,5 triệu đồng. Hủy bỏ quyết định buộc hai bị cáo Trí và Yến bồi thường cho bà Biên 25 triệu đồng và chị Thạch Thị Linh Đa số tiền tương đương ba chỉ vàng 18K”...

Đây là phần hoàn toàn không có trong bản án đã tuyên tại phiên tòa!

Theo một kiểm sát viên cao cấp, “phần xét thấy” của một bản án là rất quan trọng bởi nó thể hiện sự phân tích, đánh giá, quan điểm của hội đồng xét xử đối với vụ án. Việc có sự khác biệt lớn giữa bản án đã tuyên tại phiên tòa với bản án phát hành chính thức như trên là vi phạm tố tụng nghiêm trọng, có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án.

Chúng tôi sẽ tiếp tục lấy ý kiến các chuyên gia pháp luật để thông tin tới bạn đọc.

Một bản án bất thường!

Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, ngày 12-12-2011, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã giảm án cho Phan Cao Trí (chủ Tân Hoàng Phát) từ 12 năm tù xuống còn năm năm tù, Phan Việt Hậu (em vợ Trí) từ 10 năm tù xuống còn bốn năm sáu tháng tù, Phan Quốc Cường từ chín năm tù xuống còn bốn năm tù về hai tội bắt giữ người trái pháp luật và cưỡng đoạt tài sản. Tòa cũng giảm án cho Phan Thị Yến (vợ Trí) từ sáu năm tù xuống còn ba năm tù treo về tội cưỡng đoạt tài sản; giảm cho Nguyễn Minh Phương từ ba năm tù xuống còn một năm sáu tháng tù, Nguyễn Hoài Nhanh từ hai năm tù xuống còn một năm tù về tội bắt giữ người trái pháp luật.

Việc giảm án đồng loạt và rất mạnh tay này của tòa phúc thẩm đã làm dư luận xôn xao. Rất nhiều người không đồng tình với cách xét hỏi, cách điều hành phiên tòa cũng như nhận định và phán quyết của tòa phúc thẩm. Họ cho rằng tòa phúc thẩm đã để lọt tội phạm, bỏ sót nạn nhân, giảm nhẹ tội trạng của các bị cáo thiếu căn cứ... Trước tình hình trên, lãnh đạo TAND Tối cao đã chỉ đạo chủ tọa phiên phúc thẩm khẩn trương hoàn tất bản án, chuyển hồ sơ lên để TAND Tối cao kiểm tra, đánh giá, nếu có sai sót nghiêm trọng sẽ xem xét kháng nghị giám đốc thẩm. Ngày 19-12-2011, lãnh đạo Viện Phúc thẩm 3 VKSND Tối cao cũng đã họp, thống nhất sẽ báo cáo đề nghị cấp trên xem xét giám đốc thẩm vụ án theo hướng hủy bản án phúc thẩm để điều tra, xét xử lại từ đầu.

Theo hồ sơ, trước khi Công an TP.HCM tập kích các cơ sở của Tân Hoàng Phát tối 6-12-2008, cơ quan chức năng đã nhận được nhiều đơn thư tố cáo vợ chồng Trí - Yến khống chế, bóc lột tiếp viên tàn bạo. Nhiều tiếp viên chịu không nổi đã phải nhảy lầu bỏ trốn, bị chấn thương… Sau khi công an vào cuộc, dư luận sục sôi phẫn nộ vì tố cáo của các tiếp viên cho thấy Tân Hoàng Phát là một “địa ngục massage”. Đầu năm nay, việc TAND TP.HCM phạt Trí và đồng phạm các mức án nghiêm khắc (từ hai năm tù đến 12 năm tù) đã được dư luận đồng tình. Tuy nhiên, qua giai đoạn xét xử phúc thẩm, mọi chuyện đã diễn tiến khác hẳn theo chiều hướng làm giảm nhẹ tội trạng của các bị cáo: Một số tiếp viên ra tòa đột ngột nói tốt cho vợ chồng Trí; chủ tọa phiên tòa thẩm vấn thiếu vô tư, khách quan khi bênh vực bị cáo; HĐXX phúc thẩm “vặn vẹo” kiểm sát viên…

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm