Vừa là chủ, vừa làm công ăn lương: Kiện vì bị cho thôi việc, tranh chấp gì?

Giải quyết vụ bà NTA kiện Công ty Xuất nhập khẩu X., TAND tỉnh Quảng Bình đang băn khoăn chưa xác định được loại tranh chấp trong vụ án là gì.

Người có hai tư cách

Giữa tháng 8-2010, bà A. khởi kiện ra TAND tỉnh cho rằng mình đã bị Công ty X. đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật.

Trong đơn, bà A. trình bày bà làm việc ở Công ty X. đã hơn 20 năm. Năm 2004, Công ty X. tiến hành cổ phần hóa. Bà là một trong những cổ đông sáng lập công ty lúc đó. Sau đó bà được bầu là thành viên hội đồng quản trị, đồng thời được bổ nhiệm làm phó giám đốc công ty.

Đầu năm nay, chủ tịch hội đồng quản trị công ty bất ngờ ra quyết định cho bà nghỉ việc mà không thông báo trước. Bà A. cho rằng suốt thời gian làm việc, bà không hề vi phạm bất kỳ một quy định nào của công ty, cũng như hoàn thành tốt công việc ở cương vị phó giám đốc. Vì thế bà yêu cầu tòa buộc công ty hủy quyết định cho nghỉ việc, đồng thời nhận bà trở lại làm việc ở chức vụ cũ.

Tranh chấp lao động hay thương mại?

Nhận đơn, tòa phân vân khi xác định loại tranh chấp trong vụ án. Bởi lẽ bà A. có hai tư cách: Vừa là thành viên sáng lập, vừa là người lao động của Công ty X. Từ đây, vụ việc phát sinh hai luồng quan điểm trái ngược.

Vừa là chủ, vừa làm công ăn lương: Kiện vì bị cho thôi việc, tranh chấp gì? ảnh 1

Theo luồng quan điểm thứ nhất, tranh chấp trong vụ án là tranh chấp lao động vì bà A. kiện yêu cầu tòa hủy quyết định buộc thôi việc chứ không đề cập gì đến tư cách thành viên sáng lập.

Tuy nhiên, luồng quan điểm thứ hai phản đối rằng theo khoản 1 Điều 157 Bộ luật Lao động thì tranh chấp lao động là tranh chấp giữa chủ thể của quan hệ lao động với người sử dụng lao động khi có giao kết hợp đồng, có sự thuê mướn, trả công, sử dụng lao động…

Ở đây, bà A. là thành viên sáng lập công ty. Đại hội cổ đông bổ nhiệm bà giữ chức phó giám đốc. Như vậy, bà không phải là người lao động của công ty mà là thành viên của công ty. Vì thế phải xác định đây là tranh chấp kinh doanh thương mại giữa thành viên công ty với công ty mới đúng.

Cần có đúc kết

Theo một thẩm phán TAND TP.HCM, Bộ luật Lao động điều chỉnh mối quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động (doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức…) với người làm công ăn lương. Luật doanh nghiệp cũng quy định rõ doanh nghiệp phải ký hợp đồng lao động với các chức vụ phó giám đốc, giám đốc, tổng giám đốc…

Ở đây, người sử dụng lao động là công ty X., còn người lao động là bà A. Điều này thể hiện ở điểm hằng tháng công ty đều trả lương cho bà với vai trò là phó giám đốc. Với chức vụ này, nếu bà A. có gây thiệt hại cho công ty thì bản thân bà phải tự chịu trách nhiệm với thiệt hại mình gây ra. Như vậy với tư cách là người sử dụng lao động, Công ty X. hoàn toàn có thể bổ nhiệm bà A. làm phó giám đốc công ty, hoặc cho bà nghỉ việc nếu có căn cứ.

Việc bà A. không còn làm phó giám đốc cũng không ảnh hưởng gì đến tư cách cổ đông sáng lập cũng như phần vốn góp của bà trong công ty. Mặt khác, bà A. kiện Công ty X. về việc cho bà thôi việc chứ không tranh chấp về phần vốn góp trong công ty hay đại loại những yêu cầu có liên quan đến tư cách thành viên hội đồng quản trị của bà tại công ty.

Từ những phân tích trên, thẩm phán này khẳng định tranh chấp trong vụ án là tranh chấp về lao động chứ không phải là kinh doanh thương mại. Tuy nhiên, ông đề xuất: Hiện dạng tranh chấp lao động của những người đồng thời có cả hai tư cách như bà A. với công ty của mình không hiếm. Vì vậy, khi tổng kết hoạt động xét xử, TAND Tối cao cần có đúc kết để các tòa áp dụng thống nhất.

Nếu giữa công ty với các thành viên của công ty hoặc giữa các thành viên của công ty có tranh chấp nhưng tranh chấp đó không liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sát nhập, hợp nhất, chia tách, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty mà chỉ liên quan đến các quan hệ khác như quan hệ lao động, quan hệ dân sự (ví dụ: tranh chấp về bảo hiểm xã hội, về hợp đồng lao động…) thì không phải là tranh chấp về kinh doanh, thương mại quy định tại khoản 3 Điều 29 Bộ luật Tố tụng dân sự. Tùy từng trường hợp cụ thể mà xác định đó là tranh chấp về dân sự hay tranh chấp về lao động.

(Trích Nghị quyết 01 năm 2005 của Hội đồng Thẩm phán
TAND Tối cao)

Xét tư cách tham gia quan hệ

Bà A. đang tham gia quan hệ này với tư cách là người lao động, được Công ty X. thuê mướn. Dù cùng thời điểm bà A. là thành viên sáng lập của Công ty X. nhưng quan hệ này độc lập và không bị tranh chấp. Do đó không thể thụ lý xét xử việc tranh chấp như tranh chấp giữa các thành viên công ty để giải quyết. Và dù kết quả giải quyết vụ án lao động như thế nào đi chăng nữa thì quyền, nghĩa vụ của bà A. đối với Công ty X. với tư cách là cổ đông sáng lập vẫn như cũ, vẫn được giải quyết theo quy định của luật doanh nghiệp và điều lệ công ty.

Luật sư NGUYỄN HOÀI THIỆN, Đoàn Luật sư TP.HCM

Dựa vào hợp đồng lao động

Nếu bà A. là người lao động của doanh nghiệp có ký hợp đồng lao động và được hưởng các chế độ, chính sách của người lao động như lương, thưởng, BHXH, BHYT... thì là quan hệ lao động.

Nếu bà A. làm việc tại công ty với tư cách là thành viên hội đồng quản trị, lúc này bà là người quản lý doanh nghiệp, chỉ nhận thù lao, không có hợp đồng lao động (không được hưởng các chính sách của người lao động). Nay công ty muốn cho bà nghỉ việc, đồng thời muốn chấm dứt quan hệ cổ đông của bà thì tranh chấp ở đây là tranh chấp giữa các thành viên công ty. Như vậy ,căn cứ xác định quan hệ tranh chấp phải dựa vào hợp đồng lao động mà bà A. có ký hoặc không ký.

Luật sư NGUYỄN THÀNH CÔNG, Công ty Luật TNHH
Đông Phương Luật

HOÀNG YẾN 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm