Vườn mai Thủ Đức ngập nặng sau bão số 9

Nhiều người dân trồng mai cảnh ở phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP.HCM từ nhiều tháng qua đã lo trồng và chăm sóc mai để bán cho khách trong dịp Tết năm nay. Nhưng chỉ trong vòng một đêm, số mai họ đã dày công chăm sóc có nguy cơ trắng tay.

Vườn mai nhà ông Cưng, bà Mai ngập trong nước. Đến trưa nay vẫn chưa rút khiến ông bà lo lắng. Ảnh: THANH TUYỀN

Ngồi bó gối nhìn ra vườn mai đang ngập nước, hai vợ chồng ông Nguyễn Văn Cưng, bà Trần Thị Mai chỉ biết thở dài. Cả hai ông bà đều chưa biết phải xử lý như thế nào với số mai đang bị ngập úng do trận mưa tối qua.

Ngoài 70 tuổi, vợ chồng ông Cưng chọn nghề trồng mai để kiếm thêm thu nhập. Để chuẩn bị bán vào dịp Tết, hai ông bà hì hục cùng nhau chăm lo cho vườn mai vào mỗi ngày.

Sở dĩ tuổi cao sức yếu mà ông bà vẫn làm là vì thuê người thì tốn tiền. “Tụi tui hai người làm túc tắc cũng xong dù có chậm hơn mấy đứa trẻ nhưng như vậy thì đỡ tiền. Thuê người một ngày cũng phải hơn 200.000 đồng, không quá gấp thì tụi tui ra làm để đỡ nhân công chứ không trả tiền không nổi” - ông Cưng cho hay.

Ông Cưng đo mực nước để đoán khi nào nước có thể rút hết được. Ảnh: THANH TUYỀN

Ngồi trên bờ đê nhìn chồng đang đo mực nước dưới vườn, bà Mai nói rằng cả vườn mai là tài sản duy nhất của hai vợ chồng để bán Tết.

“Mà sau một trận mưa, mấy cây mai nhỏ nó rụng hết lá, nước ngập không thấy thân cây đâu cả. Như thế thì bỏ hết chứ có bán được đâu. Mấy cây cao ngập nửa thân, hy vọng nước rút xuống sẽ cứu được chứ không là trắng tay” - bà Mai buồn bã.

“Giờ mọi hy vọng đặt hết vào đây mà nó thành ra như vậy rồi sao hả bà?” - ông Cưng đứng dưới nói với lên. Bà Mai chỉ đáp lại bằng cái lắc đầu.

Vợ chồng ông Cưng, bà Mai ngồi trên bờ đê nhìn xuống vườn mai mà chỉ biết thở dài. Ảnh: THANH TUYỀN

Bà Mai nói cả hai ông bà tuổi cao nên tối qua không thể dầm mưa ra coi tình hình như thế nào. Đến sáng nay chạy ra thì nước tràn ngút cả cây cao nhất. Hai ông bà tất bật kéo ống để hút thoát ra bớt mà đến 13 giờ chiều nay vẫn chưa rút hết được. “Giờ thì chấp nhận lỗ, chỉ hy vọng là còn cứu được một ít để vớt vát” - bà Mai nói.

Ông Cưng kể số cây mai nhỏ trong vườn là ông bà trồng để dành bán cho những người có nhà nhỏ hoặc thu nhập tầm trung. “Giờ nó chết hết không biết lấy gì bán cho số khách hàng đó nữa” - bà nói với chồng.

Ông Cưng cố gắng vớt lại những cây nhỏ để cứu vớt. Ảnh: THANH TUYỀN

Cũng như gia đình ông Cưng, nhiều hộ dân khác ở đây cũng rơi vào cảnh tương tự.

Toàn bộ số mai mà anh Thảo, một người trong khu vực, trồng trước sân cũng lỏng bõng nước, đến trưa nay chỉ rút được một ít. “Nói chung là giờ chỉ mong nó rút nhanh để còn dọn dẹp nhà cửa. Chứ từ tối qua là cá bơi trong nhà...

Mai thì ngập, vịt thì chạy tung tóe khắp nơi nhìn thấy ngán quá. Số mai này cứu được thì cứu, không thì chấp nhận bỏ” - anh Thảo cho hay.

Vườn mai trong nhà anh Thảo cũng lõm bõm trong nước. Ảnh: THANH TUYỀN

 

Cạnh đó, hàng chục chậu bonsai ở nhà anh Sáng cũng ngập trong nước. “Đến sáng nay nước rút bớt chớ hôm qua ngập đến nửa thân chậu mà không làm gì được” - anh Sáng vừa đứng chờ nước rút vừa nói.

Vườn bonsai nhà anh Sáng đến chiều vẫn chưa rút hết nước. Ảnh: THANH TUYỀN

Anh Sáng bảo rằng anh biết tin bão nhưng không ngờ lại ngập đến thế. “May là tối qua tui với con gái đi thuê khách sạn ngủ nên không bị ướt, đồ đạc cũng kê lên hết nên đỡ. Chỉ có vườn bonsai là trở tay không kịp nên đành chấp nhận. Từ 17 giờ chiều qua là nước ngập lênh láng rồi, đến sáng nay thì rút bớt nhưng không biết đến bao giờ mới hết” - anh Sáng nói.

Ai cũng mong rằng chiều nay Sài Gòn sẽ không mưa, triều cường không dâng để lượng nước còn ứ lại kịp thoát. “Chiều nay mà mưa với triều cường là không biết làm sao, phó mặc luôn cho trời đất” - anh Sáng nói.

“Nói chứ mình ở TP bị vậy là còn nhẹ, thấy bà con ở Bến Tre, Vũng Tàu, Cần Giờ cũng bị ảnh hưởng nhiều. Thiên tai thì phải chịu thôi chứ trách ai, mình vậy chứ có khi còn đỡ hơn nhiều người khác. Có người còn bị cây đè chết thấy thương, cứ an ủi mình như vậy đi” - bà Mai nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm