Bình Thuận: Hỗn chiến vì một cây sanh

Công an huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) cho biết đã thụ lý vụ ẩu đả vì tranh chấp một cây sanh tại trụ sở Hạt Kiểm lâm huyện Hàm Thuận Nam vào hôm 25-1. Công an cũng đã cử trinh sát vào Đồng Nai xác minh người đã mua đấu giá cây sanh trên.

Sanh nhà thành sanh rừng

Theo tường trình của anh Nguyễn Quang Thảo, ngày 14-1 anh đến thôn Tam Tân, xã Tân Tiến, thị xã La Gi (Bình Thuận) thăm người thân và thấy trước nhà anh Cao Văn Khánh ở thôn này trồng một cây sanh có dáng đẹp. Anh đã thương thảo và chủ nhà đồng ý bán cây sanh cho anh với giá 1,5 triệu đồng. Cẩn thận, anh yêu cầu chủ nhà viết giấy bán cây sanh, có xác nhận của trưởng thôn Tam Tân, rằng cây sanh là của anh Khánh, trồng trong vườn hàng chục năm qua…

Mua xong, anh cho người bứng gốc chuyển về Ninh Thuận. Tuy nhiên, khi vận chuyển thì Kiểm lâm Hàm Thuận Nam bắt giữ vì cho rằng đây là cây rừng, trưởng thôn xác nhận chưa đúng thủ tục.

Thấy giấy mua bán có xác nhận của trưởng thôn không thuyết phục được Hạt Kiểm lâm nên anh Thảo đã về xã Tân Tiến nhờ nơi này xác nhận nguồn gốc của cây sanh. Cùng với việc xác nhận nguồn gốc, anh Thảo cũng mang chuyện mình bị bắt cây kể cho người thân là Trung tá Phan Thế Nam, công tác tại Công an Bình Thuận nghe.

Bình Thuận: Hỗn chiến vì một cây sanh ảnh 1

Ngày 25-1, anh Thảo và Trung tá Nam mang giấy xác nhận của xã Tân Tiến đến Hạt Kiểm lâm để xin nhận lại cây. Tuy nhiên, các cán bộ kiểm lâm cho rằng xác nhận của UBND xã không có giá trị. Cùng với việc từ chối trả cây, kiểm lâm ra quyết định tịch thu cây sanh, xử phạt anh Thảo 6,5 triệu đồng vì đã mua bán lâm sản trái pháp luật theo Điều 21 Nghị định 99/2009.

Bị quy là bảo kê cho lâm tặc

Theo anh Thảo, cây sanh anh mua trong vườn nhà người dân, có trưởng thôn Tam Tân và xã Tân Tiến xác nhận đây là cây trong vườn nhà, cũng không phải cây thuộc danh mục quý hiếm cấm khai thác, sử dụng, hà cớ gì kiểm lâm lại tịch thu. Chưa hết, căn cứ mà kiểm lâm áp dụng việc tịch thu là mua bán lâm sản (thực vật, động vật rừng), trong khi đây là cây sanh trong vườn nhà người dân tại thị xã La Gi, cách rừng cả trăm kilomet thì dính dáng gì đến lâm sản… Anh Thảo yêu cầu các cán bộ giải thích vì sao cây nhà lại biến thành cây rừng nhưng cán bộ thụ lý từ chối. Vì thế, anh to tiếng, cự cãi với các kiểm lâm rồi hai bên xô xát.

Theo Trung tá Nam, sau khi nghe hai bên cự cãi thì ông thấy khoảng năm, sáu kiểm lâm xông vào đánh, đấm anh Thảo túi bụi ngay tại trụ sở. Ông đã yêu cầu kiểm lâm ngưng đánh và ra ngoài gọi điện thoại cho Công an huyện Hàm Thuận Nam đến giải quyết. Khi ông vừa ra ngoài, kiểm lâm đóng cổng và tiếp tục đánh anh Thảo. Trung tá Nam và một số người dân đi đường đã dùng điện thoại di động ghi hình liền bị các cán bộ kiểm lâm mở cổng đuổi đánh. Thấy hỗn loạn, một số thanh niên địa phương đã xông vào đánh trả kiểm lâm. Sự việc chỉ ngưng khi công an đến nơi và đưa anh Thảo đi cấp cứu.

Trung tá Nam cho biết ông đã có báo cáo gửi giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận nêu rõ toàn bộ nội dung sự việc. Ngược lại, Hạt Kiểm lâm Hàm Thuận Nam cũng có bản tường trình gửi cơ quan chức năng, cho rằng Trung tá Nam đã bảo kê cho lâm tặc trong vụ việc trên.

Sự việc càng phức tạp hơn vì trong khi Công an huyện Hàm Thuận Nam đang xác minh giải quyết thì ngày 11-3, Hạt Kiểm lâm Hàm Thuận Nam đã bán đấu giá cây sanh nói trên cho một người ở Đồng Nai với giá chỉ 500.000 đồng. Theo anh Thảo, giá cây sanh này trên thị trường không dưới vài chục triệu đồng. Người mua đấu giá cây sanh đã từng muốn mua lại khi anh đang bứng cây nhưng anh không bán.

Khi chúng tôi liên hệ với Hạt Kiểm lâm Hàm Thuận Nam để tìm hiểu thông tin về vụ việc trên thì được Hạt trưởng Trần Hữu Hải cho biết: “Vụ việc đang được Công an huyện Hàm Thuận Nam điều làm rõ và chúng tôi cũng đang chờ kết quả”.

Xã xác nhận là được

Một cán bộ pháp chế ngành kiểm lâm Bình Thuận (đề nghị không nêu tên) giải thích: Theo khoản 2 Điều 8 Quyết định 59/2005/QĐ-BNN (ngày 10-10-2005 của Bộ NN&PTNT) và Công văn 33/CV-KL (ngày 11-1-2006 của Cục Kiểm lâm Việt Nam), việc mua bán, vận chuyển lâm sản có nguồn gốc từ vườn nhà chỉ cần có xác nhận của UBND xã, phường là hợp pháp. Xã sẽ chịu trách nhiệm về việc xác nhận của mình.

Trong trường hợp cây sanh nêu trên, nếu Hạt Kiểm lâm Hàm Thuận Nam nghi ngờ về nguồn gốc cây sanh thì phải tổ chức xác minh. Nếu sau khi xác minh, có căn cứ cho rằng xác nhận của xã Tân Tiến sai sự thật mới có quyền ra quyết định xử phạt, kèm biện pháp tịch thu cây. Chưa hết, trong thời gian đương sự còn khiếu nại và chưa có giải quyết cuối cùng việc Hạt Kiểm lâm đã bán đấu giá cây sanh sẽ càng làm cho sự việc trở nên phức tạp.

NGUYỄN NGỌC THƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm