Cán bộ và bài toán lợi ích

Nếu con người là tổng hòa của các quan hệ xã hội thì một anh cán bộ nhà nước là sự đan xen của vô vàn các loại lợi ích khác nhau: lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể, lợi ích ngành, lợi ích của nhân dân, lợi ích của lãnh đạo,...

Mới đây, phát biểu trên Tuổi Trẻ, ông Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư, nói rằng: “Nhân dân cũng như cán bộ, đảng viên bao giờ cũng quý những người hết lòng vì lợi ích của dân. Cán bộ mà lo thu vén quá thì chắc không thể là cán bộ tốt được. Nếu cán bộ hết lòng vì công việc, vì lợi ích của dân... thì sẽ thể hiện ra ở tinh thần làm việc, tinh thần trách nhiệm, không suy tính nhiều về cái được, cái mất của cá nhân”.

Đương nhiên nhân dân cần những cán bộ như vậy. Nhưng làm sao biết được một người nào đó có hết lòng vì lợi ích của dân không để mà bổ nhiệm? Khối vị là chiến sĩ thi đua, cán bộ giỏi, huân huy chương đủ các loại hạng, làm việc ở những cơ quan mà tên gọi của nó luôn kết thúc bằng hai chữ “nhân dân” nhưng các vị ấy có vì lợi ích của dân không thì câu trả lời thật khó xác định với không ít vị. Ngày hôm nay anh còn mang đủ các loại danh hiệu phục vụ nhân dân nhưng ngày mai người ta mới ngớ ra khi anh vào tù vì ăn hối lộ.

Điểm mấu chốt là người ta không bao giờ đo lường được chỉ số “vì dân” của một con người để mà bổ nhiệm họ làm cán bộ này, cán bộ kia. Và trên tất cả, đã là con người, động cơ lớn nhất của họ luôn là lợi ích cá nhân, lợi ích gia đình chứ không phải một cái lợi ích của dân chung chung và xa vời.

Bởi vậy, không có nhà hoạch định chính sách tỉnh táo nào, không có một nhân dân tỉnh táo nào lại ngây thơ tin vào tấm lòng của một con người đối với nhân dân, khi trao cho anh một thứ có khả năng “sát thương” rất cao là quyền lực. Người ta buộc phải tính toán đến khía cạnh lợi ích của anh khi đặt anh vào một chiếc ghế vốn là trung tâm của rất nhiều lợi ích, phải tính đến biện pháp kiểm soát anh dù tin anh đến mấy, thay vì cố theo đuổi những tàn dư của tư tưởng đức trị.

Về cơ bản, một cán bộ, cũng giống như bất kỳ người lao động nào khác, làm việc trước hết là để kiếm sống. Kiếm chưa đủ thì họ sẽ nghĩ cách kiếm đủ. Và chừng nào họ có thể kiếm được không gặp phải rủi ro nào đáng kể thì họ vẫn tiếp tục kiếm. Sở dĩ có tham nhũng vì người ta thấy có thể kiếm được một lợi ích phi pháp nào đó từ Nhà nước, mà rủi ro họ có thể gặp phải không lớn bằng (thậm chí là không đáng kể). Nếu loại trừ yếu tố đạo đức và chỉ thuần túy xét về lợi ích, đó là một kiểu đi buôn có lãi (và thậm chí lãi “khủng”), ăn được tiền mà không bị đi tù, không bị kỷ luật, ngu gì không ăn.

Xung quanh mỗi anh cán bộ, luôn là sự suy tính về cán cân lợi ích và rủi ro. Vì nghĩ rằng có thể ăn được hàng triệu đôla từ cái chức tổng giám đốc PMU18 mà không bị đi tù nên Bùi Tiến Dũng đã ăn và ăn được. Nhưng Bill Clinton thì không ăn được gì từ cái ghế tổng thống Mỹ quyền lực nhất hành tinh, vì chỉ cần tơ hào 1 đồng là ông ta lập tức vào tù và tương lai sẽ khép lại. Ông ta có cách “ăn” khác. Bằng cách tạo dựng uy tín như một chính khách trong sạch và có năng lực, ông ta kiếm được hàng triệu USD tiền viết sách và hàng chục triệu USD tiền thuyết trình.

Hai sự so sánh cho chúng ta thấy hai cách thức rất khác nhau để kiếm lợi từ quyền lực nhà nước. Và điều mấu chốt của công tác cán bộ, cũng như công cuộc chống tham nhũng không phải là xây dựng tiêu chí này, hội đồng kia để đánh giá độ liêm khiết, độ vì dân của một cán bộ, mà là xây dựng một cơ chế, một bộ máy, một hệ thống để người ta có thể kiếm được lợi một cách chính đáng. Hay nói cách khác, sẽ không có kết quả nào từ công cuộc chống tham nhũng, nếu người ta không thay đổi cách thức mà các quan chức kiếm lợi được từ hệ thống. Rủi ro chính trị phải cân bằng với lợi ích chính trị, mỗi một lợi ích phi pháp đoạt được phải đánh đổi bằng một rủi ro tương xứng. Có như vậy thì cái đầu luôn luôn tính toán lợi ích cá nhân của con người cán bộ mới chịu dừng bước trước dục vọng phi pháp và tuân thủ những quy trình vì dân.

HỮU LONG

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TIN BUỒN

TIN BUỒN

(PLO)- Đồng chí Nguyễn Văn Hanh, nguyên Phó trưởng Đoàn Thường trực Đoàn Đại biểu Quốc Hội TP.HCM khoá IX, nguyên Ủy viên Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP.HCM qua đời ở tuổi 99.