VỤ VĂN PHÒNG CÔNG CHỨNG MẠO KHÊ

Công chức không được góp vốn lập văn phòng công chứng

Trả lời với báo chí, trưởng Phòng Tư pháp huyện Đông Triều cho rằng mình “có góp vốn cũng không sai”.

Pháp luật quy định việc “góp vốn” như thế nào? Bà Lâm Quỳnh Thơ, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Tư vấn công chứng - Sở Tư pháp TP.HCM, khẳng định: Quy định hiện hành không cho phép việc này.

Theo bà Thơ, dù việc quản lý nhà nước về hoạt động trong lĩnh vực công chứng không thuộc thẩm quyền phòng tư pháp hay UBND thị trấn nơi hai cán bộ, công chức trên đang công tác nhưng theo Luật Phòng chống tham nhũng 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2007 và 2012), cán bộ, công chức, viên chức không được thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Còn Điều 26 Luật Công chứng thì quy định: VPCC do công chứng viên thành lập. VPCC do một công chứng viên thành lập được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân. Còn VPCC do hai công chứng viên trở lên thành lập được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh. Như vậy cán bộ, công chức và không phải là công chứng viên nên không thể có việc góp vốn đứng tên chung trong hồ sơ cấp phép thành lập hay đăng ký hoạt động dưới hình thức thành viên hợp danh.

“Thực tế, chủ trương chung của Bộ Tư pháp định hướng các địa phương khi xem xét cấp phép thành lập VPCC cũng loại những đề án thành lập VPCC với thành viên góp vốn không phải công chứng viên, không tham gia điều hành nên cũng không thể có chuyện hai cán bộ, công chức trên “góp vốn” vào VPCC trên pháp lý. Còn nếu có việc biến tướng thỏa thuận góp vốn “ngầm” dưới hình thức cho vay, chia lợi nhuận theo tỉ lệ góp tiền vốn thì chỉ là giao dịch dân sự giữa các cá nhân” - bà Thơ nói.

BÌNH MINH ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm