Cứu được sáu em nhỏ lao động "khổ sai"

Ngày 11-12-2010, Pháp Luật TP.HCM có đăng bài về ba em nhỏ “mất tích” một cách khó hiểu. Công an tỉnh Phú Yên đã ra thông báo truy tìm trên toàn quốc.

Ngày 15-4, Công an quận Bình Tân đã kiểm tra cơ sở may gia công của ông Hoàng Bá Bùi ở 59/18 đường số 8, khu phố 16, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân và phát hiện các em đang làm việc tại đây. Đó là các em Trần Minh Hoàng, Phan Tấn Hợp và Phạm Trường Hận (đều 15 tuổi, học sinh lớp 9D Trường THCS Nguyễn Tất Thành, xã Hòa Bình 2, huyện Tây Hòa, Phú Yên).

Có dấu hiệu bị lừa bán và bóc lột

Theo trình bày của em Hận, sau buổi học sáng 12-10-2010, cả ba em mang hai chiếc xe đạp của Hoàng và Hợp đi bán lấy tiền bắt xe đò vào TP.HCM tìm việc. Trừ lộ phí, đến nơi cả ba chỉ còn 50.000 đồng. Các em được một người chạy xe ôm (sau biết tên là ông H.) gợi ý đưa đi tìm việc và chở đến nhà của vợ chồng ông Bùi.

Em Phan Tấn Hợp kể: “Mỗi ngày tụi con làm việc từ 7 giờ đến 12 giờ. Ăn cơm. Rồi làm việc từ 2 giờ chiều đến 7 giờ tối. Ăn cơm. Sau đó làm tiếp từ 8 giờ đến 11 giờ đêm. Hôm nào nhiều hàng thì làm đến 12 giờ đêm”.

Ông bà chủ quy định các em phải làm hết hai năm mới được nhận một lúc 12.500.000 đồng. Vì ràng buộc này mà các em không dám bỏ trốn, sợ không có tiền về lại quê nhà.

Cứu được sáu em nhỏ lao động "khổ sai" ảnh 1

Ba em Hận, Hợp, Hoàng được khám sức khỏe tại Trạm Y tế phường Bình Hưng Hòa A. Ảnh: ĐÔNG YÊN

Vợ chồng ông Bùi thừa nhận đã đưa cho ông H., người xe ôm chở các em đến nhà, 4,5 triệu đồng. Bà Thường, vợ ông Bùi, nói: “Tôi không biết ông ấy tên gì, ở đâu. Chỉ biết mỗi lần ông đưa người đến làm việc thì tôi gửi tiền cà phê cho ông ấy 1,5 triệu đồng/cháu”. Theo bà Thường, người đàn ông này đã hai lần đưa người đến cho bà, mỗi lần là ba em. Vai trò của ông H. đang được các cơ quan chức năng làm rõ.

Vợ chồng ông Bùi cho rằng vì các em giấu tung tích nên không thể liên lạc với gia đình các em. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, từ ngày 14-10-2010, vợ chồng ông Bùi đã lập hợp đồng với các em, trong đó ghi đầy đủ tên họ của người cha và nơi thường trú. Trong bản hợp đồng lao động với em Phước có ghi: “Đại diện bên lao động (gọi tắt là bên B): Ông Phạm Văn Phước (là bố, mẹ của cháu Phạm Trường Hận). Địa chỉ: Thôn Mỹ Lệ, xã Hòa Bình 2, Tây Hòa, Phú Yên”. Song bản hợp đồng này không có hiệu lực gì bởi phần đại diện bên B thì lại do… chính các em ký.

Điều đáng nói nữa là khi đăng ký tạm trú cho các em thì ông lại khai địa chỉ các em là thôn Chi Nhị, xã Song Giang, Gia Bình, Bắc Ninh (là địa chỉ thường trú của ông Bùi). Khi ông Bùi đến đăng ký tạm trú, thấy các em còn nhỏ tuổi nên cảnh sát khu vực đã yêu cầu ông Bùi làm cam kết không thuê lao động trẻ em. Ông Bùi đã làm cam kết nhưng vẫn vi phạm.

Về quê

Sáng 16-4, tại UBND phường Bình Hưng Hòa A, đại diện các ban ngành đã làm việc với gia đình ông Bùi và thân nhân của các em. Tại đây, gia đình ông Bùi đã trả tiền công cho mỗi em là 4,5 triệu đồng (dựa trên mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định là 1.350.000 đồng và sau khi đã trừ tiền ăn 600.000 đồng/tháng trong sáu tháng).

Nghe ông Bùi nói chỉ vì thương nên muốn đào tạo cho các em có việc làm, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch Phường Bình Hưng Hòa A, bức xúc: “Anh chị nói là thương các em mà trong khi gia đình, thầy cô lo lắng điên người lên đi kiếm tìm các em thì anh chị vì lợi nhuận mà im lặng bỏ qua!”.

Bà Ngô Thị Chín, mẹ của em Hợp, kể: “Vợ chồng tôi mất ăn, mất ngủ, đi tìm con khắp nơi, tốn cả hơn chục triệu nhưng vẫn bặt tăm. Tết vừa rồi nhà không có tết, ai đến chơi cứ hỏi đến con là nước mắt tôi lại trào ra. Cha mẹ các cháu đăng báo tìm nhiều lần không được, nghĩ đủ thứ khả năng có thể xảy ra… Nghe tin tìm được các con, các gia đình bỏ hết việc đồng áng đón xe vào đây ngay”.

Rồi bà thắc mắc: “Khi gặp con, nó co quíu hết cả tay chân lại, không nói gì được. Tôi lo quá!”. Bà Thường giải thích rằng sau tết, tự dưng Hợp ôm đầu rên la, còn em Hoàng thì nói lảm nhảm. Nghĩ các em bị ma ám, bà đưa hai em đi “làm lễ ở thầy”, đến nay bệnh tình có giảm nhưng chưa khỏi hẳn. Trước thông tin này, lãnh đạo UBND phường Bình Hưng Hòa A lập tức đưa cả ba em sang phòng y tế để khám sức khỏe. Kết quả là hiện tại cả ba em sức khỏe vẫn bình thường.

Sáng 16-4, các em được đưa về nhà ông Bùi để thu dọn đồ đạc về quê cùng gia đình. Hành lý các em mang về nặng nhất vẫn là chiếc cặp đựng dụng cụ học tập và sách vở còn dán đầy đủ nhãn tên, trường, lớp…

Giải cứu thêm ba em nhỏ khác

Cũng như Hợp, Hận, Hoàng, ba cháu Hoàng Quốc Trung, Trần Quốc Vương (đều 14 tuổi), Trần Văn Bảo (15 tuổi) đều học tại Trường Lý Tự Trọng, Gia Nghĩa, Đăk Nông cũng bỏ nhà “đi bụi” và cũng được người xe ôm tên H. đưa đến nhà ông Bùi vào ngày 14-4. Các em cho biết vì giận cha mẹ hay la rầy nên bỏ nhà đi làm nuôi thân mà không cho cha mẹ biết.

Ngày 16-4, các ban ngành của phường Bình Hưng Hòa A đã đến nhà ông Bùi để đưa ba cháu vào ở tạm tại Nhà May Mắn, chờ chính quyền liên lạc với gia đình để đón các em về. Đồng thời, phường đã đình chỉ hoạt động may gia công ở đây, chờ đến khi có đăng ký mới cho hoạt động tiếp.

Được biết, gia đình ông Bùi làm may gia công đã được năm năm ở đường Tân Hương, quận Tân Phú và mới chuyển về địa chỉ trên được hai tháng nay. Ngoài sáu em đã được giải cứu, cơ sở này còn năm lao động lớn tuổi khác.

Cả lớp như vỡ òa khi hay tin

Vui mừng trong nghẹn ngào nước mắt, trông chờ thấy mặt các em là nỗi niềm chung của người thân các em Hoàng, Hận, Hợp. Cùng có mặt ở nhà bà Ngô Thị Chín để nghe ngóng tình hình, có rất nhiều người là họ hàng và láng giềng.

Vì hoàn cảnh khó khăn nên gia đình em Phạm Trường Hận chỉ có cha là ông Phạm Văn Phước đi Sài Gòn đón em về. Mẹ em, bà Trương Thị Mạnh, ở nhà nhưng đứng ngồi không yên, mong chờ thấy mặt con sau gần nửa năm trời bặt vô âm tín. “Ơn trên đã nghe thấy. Giờ tôi chỉ mong sớm được ôm con tôi vào lòng mà khóc”.

Ngay từ lúc vào gặp con mình trong TP.HCM, cha mẹ các em đã nối máy cho các em nói chuyện với thầy Lê Phụng Trì, giáo viên chủ nhiệm, người dành nhiều tình cảm cho các em. Từ khi các em mất tích, ông Lê Phụng Trì rất thường xuyên đến nhà các em để nghe ngóng tình hình và động viên gia đình. Ông Trì cho biết: “Cả lớp 9D rất thương nhớ các em này, tất cả cùng một nỗi niềm là mong được sớm gặp mặt các em. Buổi học hôm thứ Bảy, cả lớp đã vỡ òa lên trong gần nửa tiết dạy khi nghe tôi thông tin về Hận, Hoàng, Hợp”.

THANH HỘI

ĐÔNG YÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm