Được mùa, muối ế

Nắng gắt kéo dài, đồng muối Hòn Khói năm nay được mùa nhưng không khí lại ảm đạm khác thường. Người nào cũng lầm lũi, không chút hứng khởi. Họ cào muối, gom lại, vô bao nhưng rồi chỉ để đó.

Lỗ vốn gần 50%

Cánh đồng muối Hòn Khói rộng hàng trăm hecta mùa này trắng lóa với hàng ngàn đống muối nhấp nhô ven biển Ninh Diêm, vùng sản xuất muối lớn nhất của tỉnh Khánh Hòa. Ông Trần Văn Thái, 72 tuổi (xã Ninh Diêm, huyện Ninh Hòa, Khánh Hòa), người đã gắn bó với nghề làm muối từ nhỏ đến nay, chua chát: “Tính ra, mỗi ngày công lao động chỉ... 6.000 đồng. Bây giờ, để có 1 kg gạo loại thường, dân làm muối tụi tui phải đổi 35-40 kg muối”.

Ông Huỳnh Văn Thân, ở thôn Phú Thọ 2, xã Ninh Diêm, cán bộ đội sản xuất thuộc hợp tác xã muối 1-5 Ninh Diêm, than thở: “Đầu vụ giá muối 600-700 đồng/kg đã lỗ vốn, nay chỉ còn 400 đồng/kg nhưng năm, ba ngày mới có một thương lái đến hỏi mua”. Ông Thân nói thêm: “Đó là giá muối bán trên đường liên thôn. Những ruộng muối nằm xa giá chỉ 300-350 đồng/kg cũng không thương lái nào lui tới”. Bà con làm muối nơi đây đang đứng trước thực trạng muối rớt giá lại không bán được. Chỉ mới đầu vụ, cả cánh đồng muối này đã tồn đọng cả trăm ngàn tấn muối.

Được mùa, muối ế ảnh 1

Diêm dân xã Ninh Diêm, huyện Ninh Hòa (Khánh Hòa) thu hoạch muối nhưng không có người mua. Ảnh: TẤN LỘC

Tại Tuyết Diêm (xã Xuân Bình, thị xã Sông Cầu), cánh đồng muối lớn nhất tỉnh Phú Yên trải dài trên vùng đất rộng gần 170 ha, bà con làm muối cũng điêu đứng. Hàng trăm đống muối nằm chờ người mua. Hàng ngàn người sản xuất muối nhưng chỉ có vài ba thương lái tìm đến. Hiện giá muối ở Tuyết Diêm chỉ ở mức 400 đồng/kg. Dù lỗ 50% chi phí sản xuất nhưng ai cũng bán đổ bán tháo để trang trải chi tiêu. Vậy nhưng hiện vùng muối Tuyết Diêm cũng đang tồn đọng hơn 120.000 tấn.

Xa vời chuyện hai muối bằng một lúa

Nhìn đồng muối Hòn Khói đang bốc hơi dưới cái nắng rát da, ông Trần Văn Thái hỏi tôi: “Chú có nghe chuyện nhà nước nói sẽ cứu diêm dân bằng cách giữ giá theo công thức hai muối bằng một lúa không? Bao giờ nhà nước mới thực hiện để giúp chúng tôi?”. Tôi chuyển câu hỏi này đến nhiều người làm công tác quản lý liên quan đến nghề muối ở địa phương nhưng tất cả đều không thể trả lời.

Đầu những năm 2000, hàng vạn diêm dân phập phồng hy vọng khi nhà nước đề cập đến hàng loạt chủ trương để vực dậy đời sống của những người quanh năm sống nhờ hạt muối. Trong đó giải pháp được kỳ vọng nhất là nhà nước đưa ra một giá sàn với mức cứ 2 kg muối bằng 1 kg lúa để diêm dân và doanh nghiệp sản xuất muối bớt phụ thuộc vào thị trường tự do. Cùng với đó là hàng loạt dự án đầu tư nâng cấp, cải tạo để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng muối. Thế nhưng đã 10 năm trôi qua, những chủ trương này vẫn chỉ nằm trên giấy. Ông Nguyễn Văn Khương, Chủ tịch UBND xã Xuân Bình, bày tỏ: “Ngay cả việc vay vốn đầu tư xây dựng hạ tầng sản xuất muối cũng khó khăn”.

Bà Trương Thị Chiều, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Diêm, cũng bức xúc: “Trong khi các biện pháp cứu diêm dân chưa thấy đâu, nhà nước lại cho nhập khẩu muối khiến diêm dân càng thêm điêu đứng”.

TẤN LỘC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm