Hai ông già mê bướm

Trên căn gác tầng 2 ở phố Chùa Bộc - (Hà Nội) có hai ông lão ngày ngày say sưa bên những cánh bướm. Với Giáo sư-Tiến sĩ (GS-TS) Bùi Công Hiển và kỹ sư (KS) Đặng Ngọc Anh thì tình yêu với loài côn trùng này dường như là bất tận. Ở vào tuổi 70, hai ông vẫn miệt mài triển khai và xây dựng những dự án, ý tưởng táo bạo từ cánh bướm.

Con bướm giá hàng chục triệu đồng

Có một câu chuyện kể rằng vào năm 1999, một du khách Nhật Bản đến Sa Pa du lịch, nghiên cứu về các loài bướm, một lần tình cờ thấy người dân bản địa bắt được con bướm 10 đuôi rất đẹp. Chẳng nghĩ ngợi gì, vị khách Nhật đã rút ra ngay 13 triệu đồng nài nỉ để được sở hữu con bướm đó. Vậy là ngay sau đó, dân bản xứ ở vùng Sa Pa đã đổ xô vào những cánh rừng nguyên sinh để săn lùng bướm mà chẳng cần phân biệt con nào đẹp, quý hiếm có giá trị cao và con nào mang giá trị thấp. Họ đi thành từng đoàn, leo núi vượt đèo tàn phá những cánh rừng đến mức kiểm lâm tỉnh Lào Cai phải ra lệnh cấm săn bắt bướm.

Hai ông già mê bướm ảnh 1

GS-TS Bùi Công Hiển và KS Đặng Ngọc Anh bên những bức tranh dân gian ghép từ cánh bướm. Ảnh: HẢI DƯƠNG

Từ câu chuyện thực tế này ông Hiển và ông Anh đã rút ra kết luận: Con bướm là loài côn trùng có nhiều hữu dụng và cũng đẻ được ra tiền. Nhưng khai thác chúng không phải bằng kiểu đi vào rừng bắt và tàn phá thiên nhiên như thế.

Hai ông đã bắt tay vào việc nghiên cứu dự án bảo tồn và khai thác tài nguyên côn trùng (đặc biệt trong đó là loài bướm). Dự án này thuộc Trung tâm ứng dụng Côn trùng học, Công ty TNHH Khoa học tự nhiên thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Nuôi “bướm công nghiệp”

Dự án được thử nghiệm vào năm 2007, tập trung vào việc nhân nuôi các loài bướm trong khuôn viên nhà lưới rộng 500 m2 ở dưới chân núi Tam Đảo. Công nghệ nhân nuôi bướm này có rất nhiều ưu điểm như: Không gian nhân nuôi nhỏ nhưng thu hoạch sinh khối côn trùng lớn; chủ động về thời gian để có số lượng bướm lớn; tạo thêm nghề mới cho người dân ở vùng ven, bìa rừng; sử dụng thức ăn nhân tạo ít tốn kém.

“Việc nhân nuôi này sẽ bảo tồn được những loài bướm quý hiếm. Đồng thời, nó có thể được sử dụng để tạo ra các bộ sưu tập mẫu vật phục vụ việc giảng dạy và du lịch giải trí. Áp dụng công nghệ nhân nuôi bướm như một số nước thì bướm mới đẻ ra tiền và bảo vệ được tài nguyên thiên nhiên” - KS Đặng Ngọc Anh nói. Theo ông, nhân nuôi bướm còn giúp cung cấp nguồn thực phẩm bổ dưỡng, tạo thêm dược liệu cho Đông y.

Tại một số triển lãm, hội chợ gần đây, hộp đựng bướm của KS Anh đã trở thành món quà lưu niệm được ưa chuộng. Nhiều loài bướm quý hiếm có giá cả 1.000 USD một hộp nhưng cũng có những hộp giá chỉ 50-60 ngàn đồng.

Tranh dân gian từ bướm

Trong một lần đi Thái Lan, tình cờ GS-TS Bùi Công Hiển nhìn thấy người dân bán những bức tranh ghép từ những cánh bướm với giá 20 USD. Khi về nước, ông Hiển cũng bắt đầu thử ghép tranh bằng cánh bướm nhưng không được thành công. Sau này, khi quen biết KS Đặng Ngọc Anh, hai ông chọn dòng tranh dân gian Đông Hồ và Hàng Trống để sáng tạo ra những bức tranh từ cánh bướm. Theo ông Hiển thì hai dòng tranh dân gian này có màu sắc tương thích với các loại màu của cánh bướm, do đó dễ làm và đạt được tính thẩm mỹ cao.

Hai ông già mê bướm ảnh 2

GS-TS Bùi Công Hiển đang thực hiện thao tác ghép tranh bằng cánh bướm. Ảnh: HẢI DƯƠNG

Đến nay hai ông đã cho ra đời gần 50 bức tranh ghép từ cánh bướm. KS Ngọc Anh cho biết: “Việc ghép thành một bức tranh như vậy phải mất mấy ngày liền với hàng trăm cánh bướm”. Dù không quá cầu kỳ, phức tạp nhưng nó đòi hỏi người ghép phải kiên trì, tỉ mỉ, khéo léo và một chút tư duy nghệ thuật.

Bướm được xử lý bằng các hóa chất bảo quản, sau đó cho vào hộp có lót bông và chống ẩm. Để làm tranh, trước tiên phải sao lại khung hình của tranh vào một tờ giấy trắng mỏng, sau đó đính lên giấy bìa cứng. Tiếp theo là tận dụng những cánh bướm tiêu bản đã qua xử lý không nguyên vẹn để ghép thành tranh.

Những cánh bướm vốn rất mỏng nhưng khi qua xử lý sẽ cứng hơn. Tuy vậy, nếu cắt không khéo vẫn có thể bị rách nát. Bởi thế, GS-TS Hiển đã buộc phải chế tạo ra một loại keo đặc biệt làm từ một loại cây lá kim, có thể dính những cánh bướm một cách chắc chắn mà không bị nát, không bị ướt. Khi ghép phải thật khéo léo để làm sao phấn trên cánh bướm không bị bay mất, có như thế bức tranh mới giữ được màu sắc tự nhiên. Sau đó, tác phẩm sẽ được ép plastic để bức tranh nhẹ nhàng, dễ cầm, màu được giữ bền lâu.

Cho đến nay, một số bức hai ông đã tặng bạn bè, vài bức được bán với giá 500.000-600.000 VNĐ cho những người thực sự yêu thích.

Tranh ghép bằng cánh bướm có một vẻ đẹp riêng. Với GS-TS Hiển và KS Anh thì đây chính là một hướng gợi mở cho các họa sĩ.

Tri âm tri kỉ vì mê bướm

GS-TS Bùi Công Hiển sinh năm 1942, giảng dạy tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, còn KS Đặng Ngọc Anh sinh năm 1939, làm lâm nghiệp. Họ chung nhau niềm say mê dành cho các loài bướm. Hai ông có thể đi cùng nhau hàng tháng trời lên những vùng rừng núi Mẫu Sơn, Sa Pa, Tam Đảo, Yên Tử, Trường Sơn, Bà Nà... để tìm hiểu về các loài bướm, hoặc cùng giam mình trong phòng cả ngày để ghép tranh từ cánh bướm. Đến nay, hai ông đã sưu tầm được hơn 1.000 loài bướm có ở Việt Nam và cùng hợp tác để cho ra đời những ý tưởng, dự án liên quan đến loài côn trùng này.

HẢI DƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm