“Kính thưa” cũng cần có luật !

Trong các hội nghị, lễ mít tinh, khai trương, khánh thành không thể không có “kính thưa”. Nó còn được dùng trong ngoại giao, nghi lễ... Tóm lại, “kính thưa” là một nét văn hóa lâu đời, không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới nhưng “kính thưa” như thế nào để thể hiện có văn hóa lại là vần đề không đơn giản.

Từ thời phong kiến đã có văn hóa kính thưa và rất gọn nhẹ như: Tâu bệ hạ! Tâu hoàng thượng! Tâu thánh thượng! Thời nay, trong quan hệ ngoại giao của các nước cũng duy trì văn hóa này và cũng rất đơn giản như: Kính thưa tổng thống..., kính thưa ngài chủ tịch..., kính thưa ngài thủ tướng....

Việt Nam là một nước có truyền thống văn hóa lâu đời, rất tôn trọng tôn ti, trật tự, trên dưới, thứ bậc và việc “kính thưa” của ta nhiều khi thái quá, tràn lan không theo một khuôn mẫu nào. Cuộc mít tinh nào, hội nghị nào cũng phải mất 5-7 phút “kính thưa” đủ các loại quan khách và đại biểu! Ban tổ chức và những người lên phát biểu đều phải “kính thưa” rất nhiều người. Đi liền với “kính thưa” là phải nêu chức vụ, chức danh của người được kính thưa; phải liệt kê đầy đủ, nếu thiếu hoặc có sự nhầm lẫn là bị coi là “khi quân, phạm thượng!” Đã có trường hợp đại biểu tự ái bỏ về vì không được “kính thưa”.

Văn hóa “kính thưa” ở ta hiện nay không còn là chuyện cá nhân của mỗi người mà là vấn đề chính trị xã hội, trở thành bệnh lý trầm trọng. Người tổ chức phải kính thưa dài dòng để không phạm lỗi với “bề trên”; cấp trên được kính thưa thì vui; đại biểu được kính thưa thì thấy tự hào, hãnh diện; nếu có ai không được kính thưa thì cảm thấy khó chịu, tự ái.

Có lần dự lễ khai trương một công ty, tôi hỏi ban tổ chức: “Sao kính thưa nhiều thế?” thì được trả lời: Nếu tôi không kính thưa như vậy sẽ bị rầy la ngay! Có nhiều hội nghị người tham dự ngồi nghe “kính thưa” đến nhàm chán, thậm chí “chướng tai gai mắt”.

Không phải chúng ta không có quy chuẩn cho việc “kính thưa” mà tám năm trước, vấn đề này đã được Chính phủ quy định tại Nghị định 154/2004 về nghi thức Nhà nước trong việc tổ chức mít tinh, lễ kỷ niệm; trao tặng và đón nhận danh hiệu vinh dự nhà nước, huân chương, huy chương, cờ thi đua của Chính phủ, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI cũng đã có lần thảo luận rất sôi nổi về chuyện “kính thưa”. Tuy nhiên, từ khi có nghị định đến khi Thường vụ Quốc hội bàn thảo, chuyện “kính thưa” vẫn còn lình xình, chẳng cải thiện là bao. Lý do của chuyện này có lẽ do những “người kính thưa” không biết có nghị định hoặc biết mà làm ngơ, không còn nhớ có Nghị định 154/2004 nữa! Theo nghị định thì phần mở đầu diễn văn, báo cáo hoặc phát biểu chỉ “kính thưa” một đồng chí có chức vụ cao nhất, còn lại là kính thưa chung với các vị lãnh đạo, các đại biểu.

Kính thưa là vấn đề văn hóa giao tiếp liên quan đến nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Thiết nghĩ các cơ quan, tổ chức phải thực hiện đúng những quy định tại Nghị định 154/2004. Nhiều người cũng cho rằng Nhà nước nên nâng nghị định này thành pháp lệnh, thậm chí là luật để mọi người thi hành, giám sát. Lúc ấy, chuyện “kính thưa” sẽ được cải thiện, thành văn hóa đúng nghĩa.

ĐINH VĂN QUẾ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm