ĐI DỌC SÔNG MÃ:

Kỳ 4: Bè xuôi sông Mã

Kỳ 4: Bè xuôi sông Mã ảnh 1

Từ ngàn xưa và cho đến bây giờ vẫn thế, tre luồng không chỉ là nguồn sống chủ yếu, nó còn hiện diện trong mọi chi tiết sống của đồng bào Mường. Ảnh: Trần Việt Đức

Khi về lại Việt Nam, con sông Mã chảy vào cửa khẩu Mường Lát, huyện miền tây của tỉnh Thanh Hoá.

Rừng luồng lớn nhất Việt Nam

Mường Lát, cùng với huyện Quan Hoá kề cận, thêm vào một phần của huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Bình, đã tạo nên một vùng rừng tre luồng lớn nhất Việt Nam, rộng hơn 60.000ha, nằm ngay thượng nguồn của dòng sông Mã. Đây cũng chính là nơi trung đoàn Tây Tiến được thành lập năm 1947, mà từ đó bài thơ của Quang Dũng ra đời.

Cư ngụ trên khu vực miền cao này phần lớn là đồng bào dân tộc Mường. Từ ngàn xưa và cho đến bây giờ vẫn thế, tre luồng không chỉ là nguồn sống chủ yếu, nó còn hiện diện trong mọi chi tiết sống của đồng bào Mường, từ những chiếc coọng (xa quay) đưa nước lên nương cao, chiếc cối giã gạo bằng sức nước...

Do địa thế núi rừng quá hiểm trở nên đoạn sông Mã từ Mường Lát chảy về Quan Hoá không có đường bộ đi dọc sông, cũng không thể xuôi sông bằng thuyền bè vì đá ngầm, đá nổi lởm chởm, thác nọ nối thác kia. Chỉ có con đường bộ duy nhất men theo sông Luông, một chi lưu của sông Mã.

Nối với sông Mã ở ngã ba Quan Hoá, bắt đầu từ Lào ở cửa Na Mèo, con sông Luông chảy xuyên ngang giữa trung tâm vùng tre luồng lớn nhất Việt Nam này, nó là huyết mạch để cây luồng ra được khỏi chốn rừng sâu hẻo lánh, núi non chớn chở. Nhưng để đi xa hơn nữa, để ra được tận biển, chính là nhờ vào con sông Mã.

Sông Luông không sâu, lại nhiều ghềnh đá. Cây luồng chỉ có thể xuôi sông vào những tháng mùa mưa nước đầy. Thích nghi với điều kiện thiên nhiên ấy, vòng đời của cây luồng cũng vừa kịp khép kín sau một năm tuổi, khi thân luồng đã già dặn, chắc chắn, đủ cứng cáp để cống hiến cho cuộc sống con người, cũng đúng vào những tháng mưa.

Và, cứ như tạo hoá cũng thấu hiểu được cảnh huống sống của con người, cứ từng chặng một, sông Luông có những khoảng rộng bất ngờ. Dân đi luồng gọi đây là những búng nước. Búng nước là những địa điểm lý tưởng để cây luồng tập kết đến đây mà kết bè.

Nghề can trường

Kết bè luồng là một nghề không phải ai cũng làm được. Nhưng, lái bè mới chính là một nghề chỉ dành cho những đấng nam nhi can trường. Có thể nói mỗi chuyến xuôi bè là một cuộc vật lộn với sông nước. Đây không chỉ là cuộc đọ sức mà còn là cuộc đọ trí, một thách thức của thiên nhiên hoang dã với sức lực và trí thông minh của con người.

Ở đây, không phải con người tìm cách để thắng thế trước thiên nhiên, điểm mấu chốt là họ phải có hiểu biết thấu đáo và cả sự nhạy cảm của trực giác, để luôn luôn thích nghi với thiên nhiên trong mọi hoàn cảnh, kể cả những trở chứng thất thường nhất. Sự khôn ngoan này không thể chỉ dựa vào đầu óc, kinh nghiệm của một thế hệ, nó là trí khôn kết tinh từ nhiều thế hệ đi trước truyền nối.

Chẳng hạn như ở đoạn dòng sông đi qua Hang Ma, chỉ cần sự điều khiển không chính xác của lực đẩy một mái chèo, là có thể cả mảng bè phải vướng cạn. Ở đây còn đòi hỏi sự ăn ý tuyệt đối giữa người kết bè và người lái bè. Đi qua những búng nước trên sông Luông, trò chuyện với những người kết bè; đi dọc sông Luông với những người lái bè mới biết, không có một bè luồng nào giống nhau, cả số lượng cây cho mỗi mảng và số mảng cho mỗi bè. Bởi vì, dòng chảy của sông từng mùa, từng ngày và cả buổi sáng, buổi chiều của một ngày cũng không giống nhau, trong khi bè chỉ có thể xuôi được sông là nhờ vào sức nước.

Kỳ 4: Bè xuôi sông Mã ảnh 2

Kết bè luồng là một nghề không phải ai cũng làm được. Ảnh: Trần Việt Đức

Đường về xuôi

Ngã ba, nơi con sông Luông đổ ra con sông Mã nằm kề thị trấn Quan Hoá, là điểm tập kết luồng lớn nhất của toàn vùng, để từ đó cây luồng về xuôi. Dù khi xuôi về đến đây, con sông Mã đã rộng và sâu, nhưng sự hung dữ thác ghềnh của nó thì vẫn chưa hề bớt đi. Để đương đầu với sóng nước sông Mã bắt đầu từ đoạn này, bắt buộc bè xuôi phải đủ lớn, kết lại từ nhiều mảng. Người ta tính toán cho mỗi cuộc xuôi sông không phải là bao nhiêu ngày, mà là con nước sông đang ở vào tình trạng nào.

Xuôi, cũng không có nghĩa là thong dong trôi theo dòng chảy của sông. Mỗi cuộc xuôi bè đều phải được dự tính chi li từ thời điểm khởi hành, thuỷ trình cho từng đoạn sông một. Bây giờ dân đi bè đã có được chiếc điện thoại di động. Nhưng qua phương tiện liên lạc hiện đại này cũng chỉ giúp cho người nhà biết là họ đang đến đâu để mà yên tâm chứ cũng không thể biết trước đến khi nào thì kết thúc cuộc thuỷ trình. Bởi vì, sự trở chứng của sông là vô lường.

Với mạng lưới giao thông bộ đang phát triển, cây luồng đang chuyển sang con đường về xuôi theo đường bộ. Có thể dự đoán đến một ngày nào đó sông Mã sẽ không còn bè xuôi. Đây là dấu hiệu đáng mừng. Song, những ai từng gắn bó với dòng sông này hẳn cũng sẽ có chút ngậm ngùi vì không còn bè xuôi sông Mã...

Theo Nguyễn Trọng Tín (SGTT)

---------------------------------------------

Kỳ sau: Nơi sông Mã gặp biển

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm