Nghịch lý trên núi Cấm - Bài 2: Thu hồi đất rồi… để đó!

Nền nhà tái định cư là… khối đá khổng lồ

Ở một hốc núi dưới chân Vồ Ông Bướm, hai vợ chồng ông Tạ Văn Huệ lui cui dọn mấy chai nước ngọt, vài gói mì ra bày bán. Vợ chồng ông Huệ từ chỗ có nhà tình nghĩa, đất đai sản xuất nay đã trắng tay vì “cơn lốc” thu hồi đất làm du lịch.

Ông Huệ kể: “Trước đây vợ chồng tui có 6.500 m2 đất cạnh chùa Phật Lớn, trên triền Vồ Ông Bướm nhìn thẳng ra hồ Thủy Liêm, được Nhà nước cấp cho căn nhà tình nghĩa để tá túc, buôn bán nuôi ba đứa con. Năm 2005, Nhà nước thu hồi gần 1.300 m2 đất để mở rộng hồ Thủy Liêm với giá 4.500 đồng/m2. Giao đất xong nhưng đến nay chẳng thấy cái hồ mở rộng thêm tẹo nào. Phần đất thu hồi, họ giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển du lịch An Giang. Sau đó, huyện Tịnh Biên tiếp tục thu hồi toàn bộ đất đai, nhà cửa của tui và hai gia đình khác để xây dựng Khu Hành hương 2. Tháng 6 vừa rồi, chính quyền cưỡng chế thu hồi đất, chúng tôi che chòi ở đây. Tiền bồi thường đến nay vẫn chưa được nhận” - giọng ông Huệ chùng xuống.

Bà Lê Thị Phách từng có nhà cửa, tiệm ăn, hãng nước đá nhưng sau ba lần bị cưỡng chế thu hồi đất, giờ đi làm thuê cho một quán ăn, ở đậu trong trại chứa củi nhà người khác, còn người chồng chạy xe ôm. Bà Phách kể: “Tui bị cưỡng chế thu hồi đất ba lần vào các năm 2005, 2009, 2011, mất sạch 9.000 m2 đất và toàn bộ nhà cửa, tiệm quán, nhận 143 triệu đồng tiền bồi thường, riêng phần đất thì giá bồi thường là 4.500 đồng/m2, được hơn 40 triệu đồng. Sau khi thu hồi, huyện cấp cho tui một nền nhà tái định cư trong ấp Thiên Tuế nhưng chỗ gọi là nền nhà là một tảng đá lớn chừng 800 m3 cao quá đầu người. Tôi phải thuê người chẻ bỏ tảng đá với giá 150.000 đồng/m3 để lấy chỗ cất nhà. Tuy nhiên, thợ chẻ được 1/3 tảng đá thì tui hết tiền, bèn dắt nhau đi ở đậu”.

Từ ấp Thiên Tuế qua ấp Vồ Đầu, người viết được nghe người dân phản ánh chuyện giải tỏa, thu hồi đất để làm du lịch với nhiều tình tiết tréo ngoe. Chẳng hạn, tháng 2-2011, ông Nguyễn Thành Lộc ở ấp Vồ Đầu bị huyện, xã cưỡng chế tháo gỡ nhà với lý do vi phạm quy hoạch trong khi những căn nhà liền kề không ai động đến. Tương tự, nhà của bà Nguyễn Thị Thanh Trà nằm cạnh đường lên tượng Phật Di Lặc cũng có quyết định cưỡng chế tháo gỡ nhưng những căn nhà sát bên không bị tháo gỡ với lý do: Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển du lịch An Giang đồng ý để lại!

Nghịch lý trên núi Cấm - Bài 2: Thu hồi đất rồi… để đó! ảnh 1

Được giao đất để xây dựng khu hành hương nhưng Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển du lịch An Giang lại xây ki-ốt sai mục đích. Ảnh: HÙNG ANH

Nghịch lý trên núi Cấm - Bài 2: Thu hồi đất rồi… để đó! ảnh 2

Nền nhà tái định cư của bà Lê Thị Phách là một tảng đá lớn. nhiều hộ khác cũng trong tình trạng tương tự. Ảnh: HÙNG ANH

Nơm nớp chờ lệnh thu hồi đất

Ông Phạm Văn Trác ở ấp Thiên Tuế cho biết người dân núi Cấm như ngồi trên đống lửa vì không biết thời điểm nào thì nhà cửa, đất đai của họ sẽ bị giải tỏa, thu hồi.

“Chính quyền chỉ thông báo là toàn bộ núi Cấm để làm du lịch, giao phần đỉnh núi cho Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển du lịch An Giang nhưng người dân không biết công ty sẽ xây cái gì, ở đâu, lúc nào. Đùng một cái, chính quyền ra thông báo thu hồi đất, ai không giao thì bị cưỡng chế. Tôi mới bị cưỡng chế thu hồi gần 3.500 m2 đất để giao cho công ty” - ông Trác nói.

Theo các hộ dân, sau khi thu hồi đất, chính quyền giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển du lịch An Giang để xây dựng Khu Hành hương 2. Tuy nhiên, người dân chỉ thấy nhiều dãy ki-ốt sắp xây xong. Ông Nguyễn Văn Son nói: Đất thu hồi của dân bị sử dụng sai mục đích. Công ty xây những ki-ốt đó để cho những người bị giải tỏa, thu hồi đất thuê lại với giá 92 triệu đồng/16 m2 trong 10 năm, người thuê phải trả trước 50%.

Doanh nghiệp sử dụng đất sai mục đích

Ông Nguyễn Thành Hầu, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tịnh Biên, cho biết: Việc áp giá đền bù đất từ 4.500 đồng/m2 đến 30.000 đồng/m2 của Hội đồng Thẩm định tỉnh An Giang là chưa sát, gây thiệt thòi cho người dân trên núi Cấm. Căn cứ theo quyết định của tỉnh, giá bồi thường khi thu hồi đất rừng trên núi thấp nhất là 18.000 đồng/m2 và nhân thêm hệ số 1,5. Cạnh đó, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển du lịch An Giang được giao đất để xây dựng Khu Hành hương 2 nhưng đem xây ki-ốt cho thuê lại là sai mục đích sử dụng đất.

Ngày 29-10, ông Ngô Hồng Yến, Chủ tịch UBND huyện Tịnh Biên, cho biết ông đã nghe thông tin Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển du lịch An Giang xây ki-ốt cho dân núi Cấm thuê lại với giá cao. “Sắp tới chúng tôi sẽ làm rõ việc này và có giải pháp buộc công ty ưu tiên sắp xếp cho những gia đình đang buôn bán trên đỉnh núi bị giải tỏa, thu hồi đất vào đây mua bán ổn định và phải được thuê với giá gốc. Chúng tôi không chấp nhận việc công ty này xây ki-ốt để kinh doanh. Chuyện công ty xây ki-ốt sai mục đích thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh bởi tỉnh giao đất cho công ty” - ông Yến nói.

Ngày 31-10, chúng tôi liên hệ với Văn phòng UBND tỉnh An Giang xin làm việc về những vấn đề người dân phản ánh tại khu vực núi Cấm. Ông Võ Hùng Dũng, Phó Chánh Văn phòng, cho biết phó chủ tịch tỉnh phụ trách đất đai, xây dựng… đang đi công tác. ông Dũng đề nghị đăng ký làm việc với lãnh đạo Sở TN&MT vì nơi đây biết rõ các vấn đề này.

Sau khi liên hệ với Văn phòng Sở TN&MT tỉnh An Giang, đến 16 giờ cùng ngày, Văn phòng Sở gọi điện thoại thông báo ngắn gọn: Khi UBND tỉnh An Giang có văn bản chỉ đạo trực tiếp, Sở sẽ tiếp và trả lời những vấn đề liên quan. Nếu UBND tỉnh không có văn bản chỉ đạo, Sở dứt khoát không tiếp!

Địa hình rừng núi nên không tránh khỏi trường hợp bố trí nền đất tái định cư là những tảng đá lớn. Nếu người dân có nhu cầu cất nhà có thể liên hệ với các công ty chuyên khai thác đá để thuê họ phá bỏ. Nếu không thuê, người dân vẫn có quyền tự xẻ đá trên nền nhà tái định cư để bán!

Huyện đang rà soát, kiểm tra việc mua bán, sang nhượng đất đai trên núi Cấm, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý theo pháp luật. Huyện cũng sẽ xem lại có hay không việc UBND huyện mua bán đất trên núi Cấm, bản chất là gì; kiểm tra việc Công ty Sao Mai làm dự án khu nghỉ dưỡng lại chuyển nhượng cho các cá nhân khác…

Ông NGÔ HỒNG YẾN, Chủ tịch UBND huyện Tịnh Biên

HÙNG ANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm