Nỗi lo đã vào cuộc sống trước luật

Sở dĩ có chuyện này là vì một lý do muôn thuở: Luật ra đời nhưng không có văn bản hướng dẫn thi hành.

Trước đây, khi Pháp lệnh VSATTP còn hiệu lực, thẩm quyền cấp phép này thuộc về Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm. Đến khi Luật An toàn thực phẩm (ATTP) có hiệu lực (từ ngày 1-7), cơ quan này không còn thẩm quyền cấp phép nữa. Thay vào đó, điều luật cuối cùng của luật yêu cầu Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành. Nhưng đã hơn một năm kể từ ngày luật được Quốc hội thông qua mà văn bản hướng dẫn thi hành vẫn bặt vô âm tín, khiến luật không thể đi vào cuộc sống, dẫn đến trận địa VSATTP tạm thời bị bỏ trống.

Thực tế dự thảo nghị định hướng dẫn cũng đã có từ lâu nhưng lại vướng ở chỗ quá trình bàn thảo lấy ý kiến đã không nhận được sự đồng thuận từ các bộ, ngành. Vì sao vậy?

Còn nhớ câu chuyện một mâm cơm do bốn, năm bộ, ngành quản lý từ thời Pháp lệnh VSATTP còn hiệu lực đã khiến nhiều người bức xúc. Bởi mỗi bộ, ngành quản lý một khâu nhưng chất lượng VSATTP vẫn không hề được đảm bảo. Cho nên khi bàn thảo về dự luật ATTP, nhiều ý kiến đã yêu cầu khắc phục nhược điểm này để tránh chuyện chồng chéo, giẫm chân theo kiểu “cha chung không ai khóc”.

Ấy thế nhưng khi luật được Quốc hội thông qua, một mâm cơm bây giờ vẫn do ít nhất ba bộ, ngành quản lý (y tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương). Đến nỗi trước khi thông qua, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên) đã phải lo ngại: “Luật này rất cần nhưng ban hành rồi thì tình hình liệu có khác bây giờ không?”. Đó cũng là lý do khiến quá trình bàn thảo lấy ý kiến cho dự thảo nghị định hướng dẫn bị giẫm chân tại chỗ. Bộ nào quản chính, ngành nào quản phụ, sự phối hợp thế nào… vẫn là câu hỏi đến nay còn bỏ ngỏ.

Giờ thì lo ngại của nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã “đi vào cuộc sống” trước khi luật có điều kiện đi vào cuộc sống. Và khi trận địa bỏ trống, không chỉ cái bánh trung thu mà cả bữa ăn hằng ngày của người dân vẫn khiến chúng ta phải phập phồng lo sợ.

NGÔ THÁI BÌNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm